Chủ động đổi mới và nâng cao chất lượng

09:13, 30/01/2017

Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã và đang có những bước đi tích cực đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới. Với quan điểm xây dựng trường sư phạm trở thành môi trường đào tạo ra những nhà giáo dục cho tương lai, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên nhân dịp Xuân mới.

PV: Xin Giáo sư cho biết những vấn đề cơ bản mà Trường Đại học Sư phạm đang tích cực thực hiện đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo?

 

GS.TS Phạm Hồng Quang: Là môi trường đào tạo sư phạm chuyên nghiệp, giảng viên của Nhà trường đã nhận thấy rõ vai trò, trách nhiệm đi đầu trong hoạt động đổi mới. Trước yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Đảng về: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, Đảng ủy Nhà trường đã xây dựng các đề án với mục tiêu chuyển mạnh mô hình đào tạo giáo viên dạy các môn học riêng lẻ sang đào tạo chuyên gia giáo dục có nền tảng học vấn rộng, năng lực chuyên sâu; triển khai việc đưa sinh viên đến trường phổ thông sớm hơn, đưa giảng viên xuống tiếp cận nhà trường phổ thông và mời giáo viên phổ thông tham gia các khâu đổi mới chương trình, tổ chức dạy thực hành và đánh giá…

 

Đây là những hoạt động thực hiện nguyên lí giáo dục cơ bản: Học đi đôi với thực hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Phát triển mạnh chương trình đào tạo giáo viên trong toàn trường, 5 nhóm ngành lớn đã được xây dựng theo chương trình POHE… đảm bảo công tác đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Nhà trường đặt trọng tâm vào chuẩn đầu ra, đối với giáo dục sinh viên, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, nhanh chóng tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

 

PV: Nguồn lực để thực hiện đổi mới với Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên hiện nay là như thế nào, xin Giáo sư chia sẻ?

 

GS.TS Phạm Hồng Quang: Với bề dầy truyền thống, Trường Đại học Sư phạm đã vinh dự được khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý, 5 năm gần đây Trường được trao tặng các danh hiệu như: 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 12 Cờ thi đua xuất sắc; 27 Bằng khen của các Bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, tháng 1 năm 2016, Trường vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Qua 50 năm xây dựng và phát triển đã tạo nền tảng cho Trường tiếp tục mở rộng vùng tuyển sinh trong cả nước, nâng cao năng lực đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ và thực hiện đào tạo có hiệu quả cho gần 500 lưu học sinh quốc tế.  Hiện nay, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường là 159 người (đạt trên 40%), thạc sĩ có 233 người, trong đó có 39 giáo sư và phó giáo sư và đang có gần 100 giảng viên học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.

 

Trong những năm học gần đây, hoạt động đào tạo luôn gắn liền thực tế và nghiên cứu khoa học; ứng dụng, chuyển giao thành quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống. Hiện, Trường đã và đang thực hiện 9 đề tài Nafosted (Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia) và đề tài Độc lập cấp Nhà nước. 10 năm trở lại đây, Trường đoạt được 87 giải thưởng về nghiên cứu khoa học các cấp, đoạt 147 giải thưởng Olympic sinh viên. Giai đoạn 2005-2016, Trường chủ trì thực hiện 171 đề tài cấp Bộ, 95 đề tài cấp Đại học, 6 đề tài cấp tỉnh, 328 đề tài cơ sở, 3.657 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, công bố 2.818 bài báo trong nước và 255 bài báo quốc tế (có 56 bài thuộc danh mục SCI và SCIE), xuất bản 467 đầu sách và giáo trình. Đặc biệt, Trường đã chuyển giao thành công 5 đề tài khoa học và công nghệ cho các địa phương. Đó là: “Đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở tỉnh miền núi”; “Cung cấp học liệu cho giáo viên”; “Bồi dưỡng đổi mới phương pháp có ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên cốt cán THPT và THCS”; “Quy trình khai thác nội dung chương trình các môn học (Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý) cho giáo viên THPT”... Thông qua kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ được công bố trong và ngoài nước đã góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút hàng trăm lượt sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ nhiều quốc gia để học tập, nghiên cứu mỗi năm. Năm học 2016-2017, Trường đã có quan hệ hợp tác với trên 20 quốc gia và ký kết nhiều hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh nguồn lực về đội ngũ, Trường đã và đang tích cực đầu tư xây dựng hiện đại hóa hệ thống phòng học, phòng nghiên cứu, thí nghiệm và môi trường dạy và học hiện đại, khang trang, sạch, đẹp. Đây thực sự là môi trường sư phạm dân chủ, trí tuệ và sáng tạo.

 

PV: Xin Giáo sư cho biết vài nét về những kết quả bước đầu thực hiện mục tiêu đổi mới tại Trường thời gian vừa qua?

 


GS.TS Phạm Hồng Quang: Trước hết phải nâng tầm đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về chuyên môn, ngoại ngữ và tin học. Điều kiện cần và đủ của đội ngũ cán bộ, giảng viên toàn trường hiện đã cơ bản đạt trình độ cao về học hàm, học vị. Tuy nhiên  kết quả quan trọng hơn là sự thay đổi lớn trong nhận thức về đổi mới của đội ngũ cán bộ, giảng viên và đổi mới toàn bộ chương trình đào tạo, xây dựng được hàng trăm chuyên đề bồi dưỡng giáo viên. Trường đã và đang thu hút hơn 600 lưu học sinh quốc tế đến từ các nước châu Á, châu Phi đến học tập, nghiên cứu khoa học. Từ năm học 2015-2016, Trường đã tiến hành đánh giá, kiểm định chất lượng chuẩn đầu ra, phấn đấu 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng đầy đủ yêu cầu về quy định kiểm định chất lượng giáo dục (chuẩn về chuyên môn và chuẩn về ngoại ngữ).

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!