Nhìn từ các trường điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ

16:51, 24/02/2017

Để thực hiện hiệu quả Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, từ năm học 2014-2015, Sở Giáo dục & Đào tạo đã lựa chọn mỗi cấp học một trường để xây dựng điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ. Chủ trương này đã mang lại những hiệu quả thiết thực…

Ba trường được chọn xây dựng trở thành đơn vị điển hình là: Trường Tiểu học Nha Trang T.P Thái Nguyên và Trường THPT Chu Văn An, Trường THCS Chùa Hang 2 (Đồng Hỷ). Theo đó, Trường Tiểu học Nha Trang phải triển khai cho 100% số học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 học theo chương trình tiếng Anh thí điểm 4 tiết/tuần; Trường THCS Chùa Hang 2 tổ chức dạy tiếng Anh theo chương trình mới cho những học sinh đủ trình độ (đã qua khảo sát) từ lớp 6; Trường THPT Chu Văn An triển khai dạy cho một số lớp 10 và từng bước dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh khi có điều kiện về giáo viên các môn khoa học tự nhiên. Các trường trên triển khai dạy học theo chương trình thí điểm 10 năm.

 

Theo cô giáo Phạm Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nha Trang: Thuận lợi lớn nhất là Nhà trường đã có đội ngũ giáo viên đủ trình độ để dạy theo Đề án. Trường triển khai cho 100% học sinh khối 3, 4 và 5 đều được học tiếng Anh theo chương trình 10 năm. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Nhà trường đã trang bị cho giáo viên đài, máy ghi âm, bút trình chiếu Medis Pointer, máy tính sách tay và các tài liệu khác. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Anh ngữ Thames UK Thái Nguyên  thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh để nâng cao kỹ năng nghe, nói cho giáo viên và học sinh. Hằng năm, Trường đều tổ chức Ngày hội nói tiếng Anh, khuyến khích học sinh thi Olympic tiếng Anh trên Internet”. Song để dạy tiếng Anh theo chương trình thí điểm thì yêu cầu về cơ sở vật chất rất cao, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học là giải pháp hữu hiệu nhất. Trường THCS Chùa Hang II đã huy động xã hội hóa từ phía phụ huynh để lắp cố định cho 3 lớp học 3 bộ máy chiếu giúp giáo viên và học sinh học tập bộ môn này hiệu quả hơn. Các bậc phụ huynh cũng mua cho con em mình bộ tai nghe để bổ trợ cho quá trình học tập. Theo các giáo viên dạy tiếng Anh của Trường đánh giá thì sách giáo khoa tiếng Anh mới đã tích hợp tốt cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhưng thực tế giảng dạy thì điểm yếu nhất của học sinh chính là kỹ năng nghe và nói. Để khắc phục những hạn chế này, Nhà trường đã cho thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh theo khối lớp… Với cách làm trên, giúp các em không chỉ phát triển tốt cả 4 kỹ năng, mà còn mạnh dạn hơn vì được làm việc theo nhóm trong 1 tập thể… Có thể nói, để xây dựng nhà trường trở thành điển hình đổi mới về dạy và học ngoại ngữ, các nhà trường đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện.

 

Chứng kiến 1 buổi học thêm tiếng Anh tại Trường THPT Chu Văn An, chúng tôi nhận thấy giờ học của lớp với thầy giáo nước ngoài của Trung tâm Anh ngữ Việt - Mỹ AEA rất hào hứng. Em Nguyễn Thị Minh Hà, học sinh lớp 12A1 chia sẻ: Để học tốt tiếng Anh thì giao tiếp với người nước ngoài thường xuyên rất hiệu quả. Nếu như chương trình chính khóa chúng em được học theo trình tự, thì học thêm với giáo viên nước ngoài mỗi buổi nói về 1 chủ đề. Kết hợp giữa học chính khóa và học thêm với người nước ngoài giúp chúng em phát triển rất tốt cả 4 kỹ năng, đặc biệt là khả năng nghe và nói. Cô giáo Nguyễn Thị Quốc Hòa, Hiệu trưởng Nhà trường cho chúng tôi biết thêm: Trước hết cấp ủy chỉ đạo Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền thay đổi nhận thức của giáo viên, đặc biệt là nhóm giáo viên tiếng Anh để họ thấy được tầm quan trọng và yêu cầu bắt buộc của việc tự nâng cao trình độ, đáp ứng theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Đối với cha mẹ học sinh, Nhà trường tích cực tuyên truyền để các em nhận thức rõ quyền lợi khi tham gia khảo sát, nếu đạt trình độ thì được theo học chương trình thí điểm tiếng Anh 10 năm. Nhà trường yêu cầu nhóm giáo viên ngoại ngữ xây dựng kế hoạch học tập và những yêu cầu cần hỗ trợ từ phía Trường, tổ chuyên môn để hoàn thành việc thi chứng chỉ C1. Bên cạnh đó, Nhà trường còn tích cực phối hợp với các trung tâm anh ngữ để tăng cường giao lưu giữa giáo viên, học sinh với các giáo viên nước ngoài…

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các trường đang gặp không ít khó khăn. Hiện nay cả 3 trường đều chưa có phòng chuyên dụng hiện đại để học tiếng Anh. Tuy một số nhà trường khắc phục bằng cách giờ học tiếng Anh đưa học sinh vào phòng tin học để học, nhưng vì không phải là phòng chuyên dụng nên thiếu rất nhiều trang thiết bị như bộ điều khiển trung tâm, tai nghe có micro giáo viên và học sinh, không đủ đảm bảo mỗi học sinh 1 máy tính để học… Mặt khác, để học tiếng Anh theo chương trình thí điểm thì học sinh phải qua đợt khảo sát nếu đạt năng lực nhất định mới được vào học, nếu không thì tiếp tục học tiếng Anh theo chương trình cũ (7 năm). Theo cô giáo Nguyễn Thị Quốc Hòa: Khó khăn lớn nhất của các trường THPT là chuẩn đầu vào. Vì thế cần có sự chỉ đạo đồng bộ của ngành để nâng cao chất lượng bộ môn học này từ cấp tiểu học, THCS đến THPT. Mặt khác để giúp học sinh học tốt tiếng Anh, cần có sự hỗ trợ của ngành nhiều hơn về nguồn lực, cơ sở vật chất. Hiện nay các nhà trường phải tổ chức rất nhiều hoạt động, trong khi đó nguồn kinh phí đều dựa vào xã hội hóa, vì thế rất thiếu chủ động…