Năng lực ngoại ngữ của phần lớn giáo viên chưa đạt chuẩn

07:36, 23/03/2017

Đến thời điểm này, đã qua 6 năm Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai Quyết định số 149/QĐ-UBND ngày 08-02-2012 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020". Trong quá trình thực hiện, ngành Giáo dục tỉnh đang vấp phải nhiều khó khăn trong đó khó khăn nhất là năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo kế hoạch UBND tỉnh đã phê duyệt, đến năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 70% số trường tiểu học và 50% số trường THCS và THPT học chương trình tiếng Anh 10 năm. Đến thời điểm này đối với cấp tiểu học mới có 131 trường, đạt 57,9%; cấp THCS có 58 trường, đạt 31%; cấp THPT có 7 trường, đạt 21% tổ chức dạy và học tiếng Anh theo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục quốc dân.

Kết quả đợt khảo sát đầu tiên theo khung năng lực ngoại ngữ (theo chuẩn châu Âu) được tiến hành vào năm 2011 đối với 95 GV dạy tiếng Anh tại 3 cấp học (tiểu học, THCS và THPT) trên địa bàn tỉnh thì đa số chưa đạt trình độ B2, chỉ có 1 GV đạt trình độ B2 ở cấp THCS, còn lại đa số chỉ đạt trình độ B1, A1 và A2, thậm chí không đạt. Trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì GV thường yếu nhất ở 2 kỹ năng nghe và nói. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Thị Mỹ Quang, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT, cho biết: Khâu yếu nhất trong thực hiện Đề án này chính là yêu cầu về chuẩn năng lực ngoại ngữ của đội ngũ GV. GV đang dạy tiếng Anh tại các trường trong tỉnh được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau (GV dạy tiếng Nga, sau đó đi học chuyển sang dạy tiếng Anh; hoặc học qua các lớp đào tạo liên kết với đại học mở; đại học tại chức, chính quy). Dù về bằng cấp đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo trình độ, nhưng các kỹ năng về ngôn ngữ còn hạn chế. Trước thực tế trên, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV. Trong những năm qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên và các đơn vị có đủ năng lực thực hiện chương trình bồi dưỡng GV tiếng Anh, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ trong giảng dạy và sử dụng tiếng Anh theo quy định của Bộ GD&ĐT, mời giảng viên người nước ngoài dạy hỗ trợ các kỹ năng nghe, nói cho GV tiếng Anh theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Để tăng cường các hoạt động hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ, Sở GD&ĐT đã xây dựng 12 trường ở các cấp học là các điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ. Khuyến khích các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ để nâng cao chất lượng môn học này.

 

Chỉ tính riêng 2 năm 2015, 2016, ngành Giáo dục đã bồi dưỡng nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho 328 GV dạy tiếng Anh của các cấp học, bậc học; bồi dưỡng tập huấn cho gần 700 lượt GV về phương pháp giảng dạy trong toàn tỉnh. Tính đến tháng 12-2016, số GV đạt được yêu cầu về chuẩn năng lực ngoại ngữ sau bồi dưỡng là 363/916 người, tỷ lệ 39,62%. Tuy nhiên, vẫn còn không ít GV chưa đáp ứng được yêu cầu. Cá biệt có GV kiểm tra tới 4 lần vẫn không đạt yêu cầu. Trao đổi với một số giảng viên trực tiếp dạy các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ GV dạy tiếng Anh trên địa bàn tỉnh, họ đều khẳng định kết quả trên phản ánh đúng thực trạng đội ngũ GV tiếng Anh hiện nay. Theo đánh giá của 1 giảng viên đại học thì trong quá trình giảng dạy, các thầy, cô giáo ở cấp học phổ thông chỉ thiên về kỹ năng viết cho HS để các em thi đại học theo kiểu thi gì học nấy. Còn kỹ năng nghe và nói thì rất hạn chế, bản thân GV cũng yếu nhất về kỹ năng nghe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không đạt được lộ trình dạy và học tiếng Anh theo kế hoạch của tỉnh đề ra.

 

Phú Bình là địa phương đến thời điểm này triển khai thực hiện Đề án nằm ở top cuối của tỉnh. Đến năm học 2016-2017, toàn huyện mới có 4 trường tiểu học bắt đầu dạy tiếng Anh chương trình 10 năm cho HS lớp 3 với số lớp và số lượng HS rất khiêm tốn: tổng 14 lớp, 408 HS; cấp THCS chưa có trường nào tổ chức dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm. Lý giải về điều này theo ông Ngô Tiến Sinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho rằng: Sau nhiều năm đào tạo, đào tạo lại, qua kiểm tra, đến thời điểm này toàn huyện có 39/77 GV tiếng Anh của cấp tiểu học, THCS đạt chuẩn dạy. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học ít trường tổ chức dạy học được theo Đề án là do theo yêu cầu cấp học này mỗi tuần 1 lớp phải học 4 tiết tiếng Anh. Trong khi đó trung bình mỗi trường chỉ có 1 GV tiếng Anh nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Để thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục quốc dân theo lộ trình đề ra, thời gian tới, song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng GV tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định, ngành Giáo dục phải quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo triển khai dạy học tiếng Anh ở cấp tiểu học, THCS, THPT theo chương trình 10 năm. Căn cứ vào định mức GV theo quy định hiện hành, chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung đội ngũ GV, bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu về số lượng, cơ cấu, trình độ đào tạo. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ việc dạy và học tiếng Anh, đáp ứng đầy đủ thiết bị tối thiểu theo danh mục được Bộ GD&ĐT quy định. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường sử dụng ngoại ngữ ngoài lớp học hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh.