Ngăn chặn tình trạng bạo lực trong giới trẻ

07:49, 10/03/2017

Bạo lực học đường (BLHĐ) do thanh, thiếu niên gây ra thời gian qua khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng, đòi hỏi sự quan tâm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Chị Nguyễn Thị Thu ở phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay, con gái tôi học lớp 8, ngoài việc chăm lo ăn uống, học hành, thì hằng ngày tôi vẫn phải gần gũi, sát sao hơn để biết thêm những hoạt động của con. Có lần, con gái tôi đi học về bị một vết sưng to trên trán. Cô bé nhất quyết đòi mẹ xin chuyển trường khác. Dò hỏi mãi, cháu mới cho biết bị bạn cùng trường đánh. Nguyên nhân, là do “đàn chị” lớp trên thấy cô bé nhí nhảnh nhảy nhót trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của trường thấy ghét nên đánh”. Chị Thu đã báo việc này với nhà trường nhờ can thiệp, nhưng hằng ngày, vợ chồng chị vẫn phải thay phiên nhau đưa, đón con để cháu yên tâm, không phải lo lắng “bị trả thù” vì đã mách bố mẹ.

 

Nghiêm trọng hơn, thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện clip các nhóm học sinh ở các tỉnh như: Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế... đánh "hội đồng" bạn học vì xích mích cá nhân. Các em có những hành xử mang tính chất côn đồ, bắt bạn học quỳ xuống đất, liếm chân, nắm tóc, tát, đấm, đá, chửi bạn rất thô tục... Nạn nhân của các vụ bạo hành không thể chống cự mà chỉ biết im lặng chịu đòn, có em bị đánh đến ngất xỉu. Điều đáng lo hơn là có nhiều học sinh khác có mặt, nhưng không ngăn cản mà cổ vũ, ghi hình vụ việc và đưa lên mạng xã hội khoe như là một chiến tích. Trong clip một thiếu niên mang xăng đốt trường ở tỉnh Khánh Hòa, những học sinh đi cùng hò hét, cổ vũ, kích động bạn thực hiện hành vi vi phạm. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip một nữ sinh 15 tuổi bị đánh "hội đồng" và bắt liếm chân. Khi được hỏi, cháu gái vẫn chưa hết hoảng loạn và cho biết: Cháu không có bất cứ mâu thuẫn gì với nhóm bạn đó cả. Qua Facebook, cháu chỉ khen một nhóm bạn nam đẹp trai. Thế mà các bạn cho rằng cháu thích nhóm bạn đó, cho nên đánh cháu, giật tóc, đập đầu và bắt quỳ xuống liếm chân.

 

Theo chuyên gia về tâm lý giáo dục, tình trạng BLHĐ đang trở thành một vấn đề nhức nhối. Các loại mâu thuẫn có thể được giải quyết “nhanh gọn” bằng bạo lực. Một phút bồng bột, thể hiện cái tôi của mình để lại nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần cho gia đình của cả nạn nhân và chính các em.

 

Trong nhiều cuộc hội thảo về giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống đối với thanh, thiếu niên, phần lớn ý kiến cho rằng sở dĩ tình trạng BLHĐ xảy ra và ngày càng có xu hướng diễn biến phức tạp là do, trong quá trình hội nhập các nền văn hóa, nếp sống, phong cách nước ngoài du nhập vào Việt Nam không giới hạn, không sàng lọc thông qua rất nhiều loại hình phong phú và hấp dẫn như in-tơ-nét, phim ảnh, sách báo, thời trang... khiến cho giới trẻ bị lôi cuốn, bị đầu độc bởi lối sống thực dụng, bạo lực. Nhiều em ngộ nhận về bản thân mình và xem thường người khác, xem thường các giá trị truyền thống, có những hành vi vượt ngưỡng cho phép. Phần lớn thanh, thiếu niên không được trang bị đầy đủ kỹ năng để đối phó các sự việc xảy đến với mình. Trong khi đó, ở nhiều nơi, kỷ cương trong nhà trường quá lỏng lẻo, nhiều trường, nhiều lớp không có biện pháp xử lý kỷ luật học sinh cá biệt. Điều đó khiến cho học sinh thản nhiên đánh nhau, trấn lột nhau mà không sợ bị đuổi học. Còn về phía gia đình, tình trạng “khoán trắng” việc giáo dục con em cho nhà trường khá phổ biến. Không ít gia đình mải lo “cơm, áo, gạo, tiền”, không quan tâm các em, đẩy các em rơi vào các tệ nạn xã hội.

 

Theo Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), từ năm 2013-2016, đã xử lý hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý hơn 42.000 đối tượng, trong đó hơn 75% là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. So với trước đây, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng như tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, những hành vi bạo lực trong trường học ngày càng tăng và đa dạng.

 

Để ngăn chặn tình trạng BLHĐ, giúp thanh, thiếu niên có hướng phát triển đúng đắn về thể chất, tinh thần và trí tuệ, toàn xã hội cần chung tay giáo dục, định hướng để các em biết gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, tăng cường giáo dục lối sống trong những buổi chào cờ, sinh hoạt của trường để tuyên truyền về pháp luật nhằm răn đe, tạo môi trường lành mạnh cho các em vui chơi, giải trí. Mỗi gia đình cần quan tâm sâu sát hơn với những thay đổi trong tính cách của con để giải thích và ngăn chặn mầm mống bạo lực. Việc tu dưỡng đạo đức sư phạm cũng cần được nâng cao trong đội ngũ giáo viên để học sinh được giáo dục một cách toàn diện cả kiến thức lẫn nhân cách.