Trường Tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) là nơi nhà toán học nổi tiếng – Giáo sư Ngô Bảo Châu đã 2 lần đến thăm. Với kiến trúc độc đáo, ngôi trường từng được giới thiệu trên một tờ tạp chí kiến trúc hàng đầu nước Mỹ. Ở mái trường có tới gần 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông này, dù vẫn còn không ít khó khăn nhưng thầy giáo và các em học sinh vẫn vươn lên để dạy tốt, học tốt.
Hai năm trước, đường đến với “con chữ" của trẻ em ở Lũng Luông gian nan hơn nhiều nơi khác. Cơ sở vật chất của Điểm trường Lũng Luông và Lũng Cà (tiền thân của Trường Tiểu học Lũng Luông ngày nay) chỉ là những căn nhà gỗ, mái lá, nền bằng đất. Khi mưa dột, nền nhà giống như một bãi lầy. Các thầy, cô giáo phải soạn bài dưới ánh đèn pin… Hôm nay, đến với Trường Tiểu học Lũng Luông, mọi thứ đã đổi khác. Trên nền đất cũ, những phòng học khang trang đã “mọc” lên.
Ngôi trường mới được xây dựng với kiến trúc rất đẹp. Đây là ý tưởng của một số nhà hảo tâm đã có dịp đến thăm, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, Chủ tịch danh dự của quỹ Trò nghèo vùng cao. Cảm động khi chứng kiến những khó khăn của thầy và trò ở đây, các thành viên của Quỹ đã tích cực vận động, làm cầu nối để các những nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí hơn 6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của Nnhà trường. Dành nhiều tâm huyết thiết kế công trình này nhưng kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đã không nhận tiền công. Sau 1 năm xây dựng, đúng ngày khai giảng năm học mới (2016-2017), tổ hợp trường lớp học của Trường Tiểu học và điểm trường Mầm non Lũng Luông được khánh thành. Công trình nhìn từ trên cao giống như một đóa hóa rực rỡ với những gam màu tươi mới, hài hòa với cảnh quan núi rừng. Không ít người cho rằng, công trình này còn có hình dáng giống như cánh diều nâng đỡ ước mơ của trẻ em nghèo Lũng Luông. Khuôn viên Trường được thiết kế khá ngẫu hứng với những hành lang uốn lượn đậm chất nghệ thuật, có nhiều không gian để trồng hoa cỏ hoặc làm nơi vui chơi cho học sinh.
Trường Tiểu học Lũng Luông đã được xây dựng khang trang.
Ngày khánh thành trường mới, Giáo sư Ngô Bảo Châu trực tiếp lên chia vui và động viên thầy trò Lũng Luông. Ông đưa ra một phép toán đơn giản hỏi học trò để rồi liên tưởng đến câu chuyện về tình thương… Cô giáo Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng Nhà trường kể lại cho tôi nghe những chuyện này bằng thái độ trân trọng và biết ơn những nhà hảo tâm đã không quản ngại “cõng” tình thương lên non, quan tâm đến trẻ nhỏ ở xóm nghèo nơi vùng cao heo hút như Lũng Luông. Cô Hoa nói: Tiền thân là 2 điểm trường Lũng Luông và Lũng Cà thuộc Trường Tiểu học Thượng Nung, được chia tách thành lập tháng 8-2014, hiện Trường có 11 lớp với 127 học sinh, 23 cán bộ, giáo viên và có 1 điểm trường Lũng Cà. Dù còn không ít khó khăn, vất vả nhưng sự quan tâm của các nhà hảo tâm khiến chúng tôi có thêm động lực, trách nhiệm và tâm huyết hơn với sự nghiệp trồng người ở đây.
Không chỉ hỗ trợ hoàn toàn để xây trường mới, nhiều nhà hảo tâm ở khắp nơi thông qua quỹ trò nghèo vùng cao còn tài trợ tất cả các bữa ăn trưa trong tuần của học sinh; trao tặng nhiều sách vở, truyện thiếu nhi cho thư viện Nhà trường. Sự hỗ trợ lớn về vật chất đó cộng với tình thương và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây đối với học sinh giúp khiến điều kiện học tập và chất lượng giáo dục của Nhà trường được cải thiện rõ rệt.
Ở Lũng Luông, nhiều giáo viên đã có thâm niên “cắm bản”, được coi là tấm gương điển về tinh thần vượt khó, lòng yêu nghề, mến trẻ như thầy giáo Đỗ Văn Đài, cô Nông Thị Nơi, cô Hoàng Thanh Hà, cô Hứa Thị Mai… Dù đủ điều kiện để chuyển về nơi thuận lợi hơn nhưng có người đã xin ở lại, vì như họ nói “khó khăn cũng quen rồi” và quan trọng là đã nặng lòng với những trẻ nghèo Lũng Luông. Đặc biệt, Trường Tiểu học Lũng Luông hiện có 5 giáo viên dạy hợp đồng từ 2-3 năm với tiền lương hiện chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhưng tất cả đều tâm huyết, yêu nghề và có chuyên môn khá. Trong số đó có 2 người dân tộc Mông là con em ở Lũng Luông, Lũng Cà, là cô Lý Thị Sia và thầy Trương Văn Mình. Họ chính là những người đã trưởng thành từ mái trường Lũng Luông đơn sơ năm nào. Họ mong mỏi sớm được xét tuyển vào biên chế hoặc hưởng chế độ gì đó cao hơn hiện tại để yên tâm công tác…
Rồi đây, con em Lũng Luông sẽ nỗ lực học tập để trưởng thành như cô Sia, thầy Mình, và chắc chắn Lũng Luông sẽ không còn bị nhắc đến như là một vùng xa ngái cả về địa lý và tri thức.