Tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm qua (9-6) về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách 2017, nhiều đại biểu có ý kiến liên quan đến chủ trương xóa bỏ biên chế giáo viên và tự chủ giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Nếu bỏ biên chế làm cho ngành Giáo dục và Y tế tốt hơn thì tại sao không bỏ biên chế tất cả các ngành?
Nói về việc thực hiện tự chủ giáo dục, y tế đại biểu Hiếu cho biết, đây là mô hình mới nhưng khi mô hình tự chủ chưa vận hành đã gặp nhiều bất cập ví dụ, giáo viên vùng cao bỏ nghề, lạm dụng bảo hiểm y tế kỹ thuật cao diễn ra tràn lan... Vì vậy, Chính phủ cần thận trọng trong triển khai chủ trương này.
Ngoài ra ông Hiếu cũng lo ngại, nếu thực hiện tự chủ giáo dục, trao quyền lực lớn cho giám đốc, hiệu trưởng nếu không có sự tuyển chọn và đào tạo kỹ càng chúng ta có thể rơi vào tình trạng "giao trứng cho ác". Do đó, việc trao quyền chỉ được thực hiện khi có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm lãnh đạo các đơn vị. Song song đó là nâng cao năng lực lãnh đạo theo cơ chế mới.
“Nếu vào vùng cao ô tô không thể đi vào được thì có thể thấy những bác sĩ, giáo viên vẫn cố gắng bám trụ không chỉ vì lòng yêu nghề mà còn có niềm tin nằm trong biên chế nhà nước, là công chức trong hệ thống. Nên bỏ biên chế trong giáo dục và y tế chúng ta cần chú trọng đến tính chất vùng miền, địa phương theo đặc thù chính trị khác nhau tránh sự sụp đổ mạng lưới mất nhiều năm xây dựng”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng lưu ý, bỏ biên chế trong y tế và giáo dục chuyển sang hợp đồng không quan trọng bằng nâng cao chất lượng giáo dục. Đổi mới giáo dục là tất yếu. Tuy nhiên cần nhớ kỹ đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn những cái cũ. Ngành giáo dục nên xây dựng chương trình giáo dục mở, bỏ những tiêu chí cứng nhắc biến học sinh trở thành những nhà bác học, với mớ kiến thức khổng lồ, thay vào đó đưa vào các chương trình giáo dục kỹ năng độc lập.
Đối với giáo dục Đại học, ông Hiếu cho rằng, đổi mới cần thiết và cần siết chặt đầu ra, xóa bỏ câu chuyện xảy ra nhiều năm là chúng ta siết chặt đầu vào nhưng nới lỏng đầu ra, đầu vào 28 – 29 điểm nhưng đầu ra quá dễ, có trường sinh viên tốt nghiệp 98 -99%, trong y tế có cơ sở cần sinh viên nên hạ thấp điểm đầu vào như vậy cả đầu vào đầu ra đều dễ thì làm sao đào tạo được một bác sĩ chất lượng cao?
Ông Hiếu cũng đề xuất thêm, nếu bỏ biên chế y tế giáo dục nên bỏ hết toàn bộ hệ thống, ngoài các đơn vị an ninh quốc phòng. Nếu bỏ biên chế cần có quy định rõ ràng về chế độ an sinh như nhiều nước trên thế giới.
“Vì nếu bỏ biên chế sẽ làm cho ngành giáo dục và y tế tốt hơn thì tại sao không bỏ biên chế các ngành khác như vậy sẽ bỏ tâm lý chắc được một suất biên chế cho người nhà mình là yên ổn suốt đời”, ông Hiếu nói.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh): Không nặng nề biên chế nhưng giáo viên là nghề cao quý cần quan tâm
Cử tri rất quan tâm đến cải cách giáo dục, tinh giản biên chế, đây là lấy con người làm trung tâm, từ đó chọn ra những bậc thầy xứng đáng để làm khuôn mẫu cho cả xã hội. Giáo dục nằm ở quy trình công nghệ đặc biệt, đầu vào là con người, đầu ra cũng là con người, quá trình vận hành cũng lại là con người. Nếu quy trình này vận hành không tốt thì sản phẩm đầu ra cả xã hội phải chịu.
Đại biểu Thích Thanh Quyết cũng nhấn mạnh, với giáo viên, họ không nặng nề, phân biệt là công chức hay viên chức, trong hay ngoài biên chế, nhưng họ phải là người thầy cao quý của xã hội và mong được tiếp tục phấn đấu, thi đua công bằng, bình đẳng để cống hiến, để khẳng định mình, để có những cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn hiện nay. Rất mong Bộ Giáo dục chú trọng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long): Đầu tư cho giáo dục chưa cao
Tôi đề nghị Quốc hội nên đưa Luật nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, vì đây cũng là dự luật cần thiết và là đề nghị xác đáng đã được đại biểu và cử tri quan tâm đề xuất. Điều này thể hiện sự quan tâm, chú trọng đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục phổ thông, là sự ghi nhận vị thế và vai trò của nhà giáo với những đóng góp to lớn vào quá trình giáo dục thế hệ trẻ trong mấy mươi năm qua, là sự kế thừa và tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo, là động lực tinh thần cho hơn một triệu giáo viên trên cả nước.
Vấn đề thứ hai, về đầu tư cơ sở vật chất trong thời gian vừa qua, việc đầu tư cho giáo dục chưa cao và tương xứng giữa các địa phương. Cụ thể là chương trình kiên cố hóa trường lớp mẫu giáo, tiểu học trong kế hoạch đầu tư trung hạn chỉ được 6.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 200.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm 3,3%. Đặc biệt, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ được phân bổ 717 tỷ đồng, trong đó Vĩnh Long là thấp nhất nước, chỉ 7 tỷ đồng. Rõ ràng chưa đáp ứng, đặc biệt với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn rất nhiều khó khăn. Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày, nhưng hiện nay cả nước chỉ có 60% các trường đủ điều kiện.
Với thực tế như đã nêu, tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm và ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đạo tạo, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và các nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới và phát triển toàn diện học sinh, nhất là đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, tiến tới miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi theo mục tiêu phổ cập đã được đề ra.
Cùng với đó, bà Thanh đề xuất cần có sự quan tâm đặc biệt bởi giáo viên mầm non dễ gặp rủi ro nghề nghiệp do trẻ còn quá nhỏ, lao động khá đặc thù, có nhiều khó khăn trong quản lý giáo dục, lại chịu nhiều thiệt thòi trong chính sách tiền lương. Theo chủ trương gần đây, cho dù giáo viên đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn vẫn phải hưởng mức lương theo vị trí việc làm nên thu nhập thấp, chưa đủ trang trải cho cuộc sống, nhất là giáo viên mới ra trường. Điều này đã làm giảm động lực phấn đấu của phần lớn giáo viên mà hiện nay đến cuối năm hoặc năm 2015 - 2016, cả nước còn thiếu khoảng trên 34.000 giáo viên mầm non.