Điểm tựa tinh thần của sĩ tử

10:55, 21/06/2017

Bao khó nhọc nuôi con khôn lớn, dõi theo từng bước con đi, mẹ cha nào cũng lo lắng, thương yêu và mong con trưởng thành. Kỳ thi THTP Quốc gia – một kỳ thi quan trọng của mỗi học sinh đang bắt đầu và những đấng sinh thành lại là điểm tựa tinh thần để các con vững vàng vượt “vũ môn”.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã “khởi động”. Năm nay, toàn tỉnh có 31 điểm thi tại 31 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên 13 nghìn sĩ tử của Thái Nguyên đang tập trung cao độ cho việc thi cử. Để tạo điều kiện tốt nhất cho các con, nhiều phụ huynh luôn ở bên, động viên và chăm sóc cho con. Anh Đỗ Hữu Mạnh, tổ 10, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Con trai tôi đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Thời gian qua, cháu phải đi học ôn kín lịch. Thay vì nhắc nhở, thúc ép con ôn bài, tôi bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ cùng con những suy nghĩ trong lòng; cùng cháu xây dựng một kế hoạch ôn tập sao cho phù hợp. Khi cháu học hành căng thẳng, tôi động viên con luyện tập thể thao cho tinh thần sảng khoái. Theo tôi, cân bằng tinh thần cho con bằng những hoạt động giải trí, vui chơi sẽ giúp cho cháu ôn tập tốt hơn.

 

Không chỉ sẻ chia cùng con, nhiều phụ huynh đã tìm cách giảm áp lực cho con. Chị Lê Thị Hữu, ở xóm 14, xã Cù Vân (Đại Từ) nói: Năm nay, con gái tôi đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Dù rất mong con đỗ đạt nhưng tôi không tạo áp lực cho cháu. Tôi luôn trò chuyện, động viên và giúp con hiểu rằng vợ chồng tôi luôn đồng hành cùng con trên những chặng đường để con đến với thành công. Tuy nhiên, nếu cháu đã cố gắng nhiều mà vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, tôi vẫn luôn ở bên, đồng hành và cùng con cố gắng trong mọi chặng đường tiếp theo…

 

Cùng với sự quan tâm về tinh thần, các bậc phụ huynh còn quan tâm đến sức khỏe của sĩ tử. Chị Nguyễn Bích Hạnh, tổ 21, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) cho hay: Năm nay, con gái tôi đăng ký thi vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Đây là ngôi trường có uy tín của cả nước, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường đông nên con gái tôi đang chịu nhiều áp lực. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, những ngày qua, cháu học hành rất căng thẳng. Mỗi đêm cháu chỉ ngủ khoảng 3 tiếng rồi lại dậy học tiếp. Tôi lo con ốm, vì vậy cháu thức lúc nào, tôi thức cùng cháu lúc ấy. Tôi chuẩn bị rất nhiều đồ ăn như phở, bánh, hoa quả… để phục vụ cháu. Theo tôi bên cạnh sự chăm sóc về tinh thần thì sự chăm sóc dinh dưỡng rất cần thiết cho sức khỏe và trạng thái tinh thần của trẻ trước những căng thẳng tâm lý. Tôi cho con ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp cháu tăng cường hoạt động của trí não, làm đầu óc tỉnh táo, không bị buồn ngủ và giảm sự kém tập trung, giảm trí nhớ.

 

Không chỉ riêng anh Mạnh, chị Hữu, chị Hạnh, mà hầu hết các bậc phụ huynh đều hiểu rằng sự chăm sóc, quan tâm, động viên đúng mực sẽ là lực đẩy giúp con vươn xa. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần nhắc nhở con học hành, ăn uống và dành thời gian ôn bài hợp lý. Theo bác sĩ Hà Đức Trịnh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, để các sĩ tử có tinh thần, sức khỏe tốt khi bước vào kỳ thi, mỗi buổi tối các bậc phụ huynh nhắc nhở con không nên học quá 23 giờ, nhất là trước ngày đi thi. Thời gian học tốt nhất là dưới ba tiếng, sau một tiếng nên nghỉ từ 10 đến 15 phút để thư giãn. Buổi tối cố gắng ngủ 7 hoặc 8 tiếng để đảm bảo sức khỏe cho hôm sau.

 

Ngoài ra, cha mẹ cần hướng dẫn các em ôn đan xen giữa các môn để giúp các em có kiến thức chắc chắn hơn, tránh sự mệt mỏi, nhàm chán; khuyến cáo con em mình chú ý đến phương pháp học, không nhồi nhét, máy móc dẫn đến dồn kiến thức, hiệu quả lĩnh hội không cao. Điều quan trọng hơn nữa là cha mẹ khéo léo giúp các em phải vượt qua được tâm lý bắt buộc phải thi đỗ vì nếu kết quả đạt được không như mong muốn, trẻ rất dễ dẫn đến trầm cảm.

 

Tuy không gây áp lực cho các con nhưng cha mẹ cũng nên giải thích, động viên để các con đừng tự gây áp lực cho chính mình. Bởi việc nhiều học sinh quá coi trọng kết quả kỳ thi sẽ khiến trẻ thiếu tự tin, dễ phát sinh tâm lý tiêu cực. Trẻ càng lo lắng thì càng trở nên căng thẳng và quá tải, dẫn đến việc không nhớ nội dung học, làm bài thi không tốt và không đạt được nguyện vọng…