Đó là chủ đề cuộc hội thảo quốc tế do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 20/7 với sự tham gia của hơn 150 đại biểu là những nhà giáo dục, chuyên gia nghiên cứu về khoa học công nghệ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Pháp, Malaysia, Hoa Kỳ...
Trong 2 ngày 20-21/7, qua 6 phiên họp tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận để tìm hiểu, nghiên cứu về các mô hình giáo dục đại học hiện đại, từ việc áp dụng trên thế giới cho tới khả năng triển khai tại Việt Nam; kinh nghiệm và giải pháp đổi mới giáo dục đại học. Từ đó, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách định hình nên một nền giáo dục hiện đại có thể triển khai trong nước. Hội thảo giúp những người làm nghiên cứu khoa học, giảng dạy có góc nhìn mới mẻ, đa chiều về khoa học công nghệ, sự tác động, cách ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả.
Nhìn nhận từ thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới mọi quốc gia với tốc độ lan rộng chưa từng thấy. Theo đó, năng suất lao động được dự báo sẽ tăng cao, nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề mới sẽ xuất hiện; kéo theo đó là sự suy giảm của nhu cầu nhân lực, thay đổi cơ cấu ngành nghề, sự biến mất của các sản phẩm, dịch vụ, công việc truyền thống.
Từ thực tế đó, các chuyên gia nhận định, các trường đại học trên thế giới đang phải chịu sức ép thay đổi toàn diện các hoạt động của mình để đáp ứng những thay đổi mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến. Yêu cầu đặt ra cho các trường là phải đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo, ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin, qua đó nâng cao hiệu quả việc dạy và học, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu. Giáo dục đại học 4.0 không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của nhà trường mà còn là sự thay đổi tư duy quản lý và tiếp cận mô hình phù hợp với định hướng phát triển của từng trường. Trong giáo dục đại học 4.0, các trường không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội.
Chia sẻ về định hướng phát triển giáo dục đại học, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng, kiến thức cơ bản cùng với tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức, yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. Trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới hệ thống giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới một nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế. Cùng với đó, các trường cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nguồn nhân lực có chất lượng cao cho toàn xã hội, xây dựng thương hiệu riêng của nhà trường để thu hút người học./.