Dấu ấn một lớp học

10:08, 02/08/2017

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, ở Trường THPT Phú Bình có một lớp học mà ở đó có tới 38/39 học sinh đạt điểm trên điểm sàn xét tuyển vào các trường đại học đã khiến nhiều người không khỏi thán phục. Theo cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hương Lan, kết quả này là sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía Nhà trường - thầy cô - phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh lớp 12A1.

Nỗ lực của trò

 

Không chỉ đạt trên điểm sàn, nhiều em trong lớp còn có tổng điểm thuộc tốp cao. Cụ thể, có 4 em đạt từ 27,2-28,3 điểm; 10 em đạt từ 25-27 điểm; 19 em đạt từ 20,2-25 điểm; 5 em đạt từ 16,3-18,5 điểm. Duy nhất 1 em có tổng điểm 3 môn 14,4 điểm. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hương Lan, đây là lần đầu tiên Trường có tỷ lệ học sinh đạt trên điểm sàn xét tuyển vào đại học cao như vậy. Có được kết quả ấy trước hết là do các em đã rất nỗ lực và được gia đình quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất. Các em đã không quản ngại khó khăn, vượt lên chính mình ngày, đêm đèn sách. Nhiều em nhà cách xa trường hàng chục kilômét, đường đi lối lại khó khăn, nhưng bất kể mưa gió, trời tối, các em vẫn đều đặn ngày ngày đến trường, có hôm từ sáng sớm đến chiều muộn, thậm chí tối muộn mới về.

 

Ngoài học ở thầy cô, các em còn ham mê tìm tòi trên mạng để lấy các dạng đề thi, cũng như tìm hiểu cách giải sao cho hiệu quả nhất. Những em nhà không nối được mạng internet, luôn được các bạn khác cho mượn tài liệu để photo, rồi cùng nhau tìm cách giải. Gặp vấn đề khó, các em chưa hỏi ngay thầy cô, mà đưa lên trang Fanspage của lớp để cùng trao đổi, chỉ khi không ai giải được, các em mới hỏi giáo viên. Tôi đánh giá cao sự chủ động, độc lập của các em. Ngay bản thân tôi cũng đã học hỏi được ở chính học trò của mình nhiều điều, nhất là về công nghệ thông tin và khả năng tìm kiếm, trao đổi thông tin.

 

Bên cạnh sự nỗ lực của các em, tôi cho rằng, vai trò của gia đình ngày càng giữ một vị trí quan trọng trong kết quả học tập của mỗi em. Bởi hiện nay, khi mà xã hội ngày càng có nhiều thứ có thể cám dỗ bất cứ ai thì nếu không có sự quan tâm, sâu sát của phụ huynh sẽ khiến các em dễ bị sa vào con đường lệch chuẩn. Nhận thức được điều này nên các gia đình hiện nay, luôn thông tin kịp thời với giáo viên các biểu hiện khác thường của các em khi ở nhà, để cùng giáo viên đôn đốc, nhắc nhở kịp thời. Nhiều em, hoàn cảnh gia đình dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn được bố mẹ chắt chiu mua xe đạp điện, nối mạng internet… để các em có được điều kiện học và đi học tốt hơn.

 

Tâm huyết của cô

 

Bạn Nguyễn Thu Trang, Lớp trưởng lớp 12A1 khi trò chuyện với chúng tôi đã nhắc rất nhiều đến công lao, tình cảm mà các thầy cô và Nhà trường đã dành cho học sinh, đặc biệt là đối với cô giáo chủ nhiệm, cũng là giáo viên Toán - người mà cả lớp vẫn gọi bằng “mẹ”. Trang bảo: Cả lớp coi mẹ Lan là người mẹ thứ hai của mình. Mẹ luôn quan tâm, dạy bảo và phân tích cho chúng em điều hay lẽ phải. Một số bạn trong lớp có thời gian vì mải mê điện tử mà xao nhãng việc học tập, mẹ đã nhẹ nhàng phân tích, động viên và cả khích lệ để các bạn ấy dần lấy lại tinh thần học tập, không còn mải chơi. Có lẽ, do mẹ Lan cũng có con trai xấp xỉ tuổi của cả lớp nên mẹ hiểu rất rõ diễn biến tâm lý của từng người nên việc trò chuyện, trao đổi với mẹ rất thoải mái. Vì thế mà mọi chuyện vui buồn, thậm chí là trong lớp bạn nào có cảm tình đặc biệt với bạn nào cũng được các bạn chia sẻ với mẹ, để được mẹ tư vấn, khuyên bảo.

 

Chúng em cũng luôn biết ơn sự dìu dắt đầy trách nhiệm của các thầy, cô giáo bộ môn khác và sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà trường. Vào thời gian ôn thi tốt nghiệp, chúng em được phép chọn thầy cô mà mình thấy phù hợp. Nhiều thầy cô dạy kèm ở nhà cho chúng em suốt 3 năm liền mới thu tiền học phí vào cuối kỳ với số tiền chẳng đáng là bao. Nếu không có sự quan tâm, động viên và tạo điều kiện của các thầy, cô, chúng em đã không thể có được kết quả học tập này.

 

Kinh nghiệm người dẫn đầu

 

Với 8,8 điểm môn Toán, 9,5 điểm môn Hóa và 10 điểm môn Sinh, em Nguyễn Thị Mến đã trở thành người có số điểm xét tuyển vào đại học cao nhất của Trường THPT Phú Bình trong kỳ thi năm nay. 28,3 điểm cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên do em sinh sống ở xã 135 (xã Tân Khánh), nên Mến đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội. 3 năm học THPT, Mến đã giành được 2 giải Nhì, 1 giải Nhất ở môn thi Vật lý cấp tỉnh. Khi được hỏi về kinh nghiệm trong học tập, Mến chia sẻ: Em thấy học theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu” sẽ giúp người học nhớ vấn đề tốt hơn, chứ không nên dồn kiến thức học trong 1 khoảng thời gian ngắn. Nghĩa là, hằng ngày, em đều học thuộc và hiểu nội dung bài hôm đó luôn chứ không để dồn vào học một lúc. Chỗ nào không hiểu, em đều tìm cách để hiểu, như trực tiếp gặp hoặc gọi điện hỏi bạn bè, thầy cô hoặc tìm cách giải trên mạng internet…

 

Còn theo em Phạm Văn Huấn, người có số điểm cao thứ 2 của lớp với 27,5 điểm, thì để có được thành tích cao trong học tập, trước hết, mỗi người phải xác định được mục tiêu cho bản thân. Khi đã xác định được mục tiêu, thì mỗi người sẽ có động lực để vươn lên. Cũng như Mến, Huấn đã nộp đơn vào trường Đại học Y Hà Nội, vì từ nhỏ, em đã mơ ước được trở thành bác sĩ.

 

Con cái là của để dành của cha mẹ; học trò thành đạt là niềm tự hào của thầy cô; còn thầy cô chính là tấm gương cũng là động lực giúp các em học tập, phấn đấu… Qua kết quả kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua của lớp 12A1 trên đây có thể thấy rõ một điều, đó là, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân mỗi em, thì yếu tố gia đình - nhà trường và giáo viên là đặc biệt quan trọng. Mặc dù đây mới là kết quả bước đầu và ở phía trước mỗi em, còn nhiều gian nan, thử thách, song những năm tháng học trò, với bao kỷ niệm đẹp về thầy cô, mái trường chắc chắn sẽ là hành trang quý giá để các em vững tin bước tiếp.