Trong vài năm gần đây, chương trình thực tập nghề tại nước ngoài đang tạo nên một phong trào học tập trong các sinh viên của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên. Những khóa trước đi về, truyền lại kinh nghiệm cho khóa sau, khiến cho bạn sinh viên nào cũng mong muốn được một lần trải nghiệm bản thân nơi vùng đất mới.
Liên lạc với bạn Nguyễn Đức Duy (Khoa Nông học - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) đã có mặt tại Israel cách đây một tuần, để bắt đầu chương trình thực tập nghề của mình kéo dài 10 - 11 tháng, Nguyễn Đức Duy cho biết: “Sau khi nghe các anh chị khóa trước kể về những trải nghiệm của họ tại đất nước có khí hậu và địa lý khắc nghiệt, nhưng lại có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới đã khiến tôi quyết định thử sức để hiểu được điều gì đã giúp cho đất nước này tạo nên được một kỳ tích như vậy. Tiếp đó, tôi hy vọng khi về, bản thân sẽ trưởng thành và có nhiều cơ hội việc làm hơn”.
Thực tập nghề tại Israel chính là mô hình vừa học vừa làm do Trung tâm Đào tạo và Phát triển Quốc tế thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên triển khai từ năm 2006 dành cho các sinh viên đang học tập tại các chuyên ngành: thực phẩm, nông nghiệp, môi trường, công nghệ sinh học… trong các trường của Đại học Thái Nguyên. Trước khi đi, sinh viên phải đóng một khoản lệ phí từ 30 - 35 triệu đồng để làm visa, vé máy bay, học khóa đào tạo tiếng Anh ngắn hạn. Do yêu cầu khá cao nên “đầu vào” tuyển sinh của chương trình có những tiêu chuẩn đối với sinh viên như: độ tuổi yêu cầu từ 22-30 tuổi, sinh viên học năm thứ 3 trở lên ở các trường đại học về nông nghiệp; các cán bộ khuyến nông đã tốt nghiệp trung cấp hoặc đại học về nông nghiệp, đặc biệt giỏi tiếng Anh là một lợi thế.
PGS.TS Hoàng Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển Quốc tế Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thị trường việc làm đang đòi hỏi rất nhiều nhân viên có trình độ cao, trong khi đó sinh viên của Trường khi tốt nghiệp vẫn còn thiếu khá nhiều kiến thức thực tế. Vì vậy, Trung tâm muốn tạo cơ hội cho sinh viên trong trường sang học hỏi cách làm kinh tế nông nghiệp của các nước phát triển. Mỗi năm, nhà trường đều gửi hàng trăm sinh viên đi học tập tại các nước: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đức, Israel. Trong đó, Isarel là nước thu hút được số lượng sinh viên đông nhất, từ năm 2006- 2016, nhà trường đã gửi đi 520 em. Riêng năm 2017, số lượng sinh viên đủ điều kiện được sang thực tập nghề tăng đến khoảng 160 em”.
Các sinh viên khi tham gia sẽ được phân về 2 trung tâm theo sự đăng ký: Trung tâm Agrostudies nằm ở phía Đông và Trung tâm Quốc tế đào tạo về nông nghiệp Avara ở phía Nam của Israel. Tiếp đó, sinh viên lại được đưa về đào tạo tại các trang trại, nhà máy có mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao với hình thức học qua thực hành. Mỗi tháng chỉ có ba ngày học lý thuyết trên lớp, còn lại sinh viên được trực tiếp làm việc trong các trang trại (nhà lưới, nhà kính...) để được đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao.
Là một trong những sinh viên vừa kết thúc chuyến thực tập nghề vào tháng 6/2017, Nguyễn Tuấn Vinh (Khoa Công nghệ Sinh, Trường Đại học Khoa Học Thái Nguyên) cho biết: “Được phân công làm trong trang trại Chà Là, tôi và các bạn làm việc 8 tiếng/ngày từ 5h30’ đến 16h30’ vào những ngày thực hành tại trang trại. Chúng tôi được thực hành các công việc như: làm nhà kính, nhà lưới, trồng cây, trồng hoa, thu hoạch, đóng gói sản phẩm…. Còn những công đoạn khác họ đều sử dụng công nghệ, máy móc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được tận mắt học hỏi cách chủ động hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt trên toàn bộ trang trại sao cho tiết kiệm nước, mà vẫn cung cấp đủ nước cho cây, bởi lẽ với 70% lãnh thổ là sa mạc, nước sinh hoạt và tưới tiêu ở Israel rất hạn chế. Ngoài ra, để tiết kiệm sức lao động, họ còn lắp bộ cảm biến trên cây hoặc mặt đất để nhận biết tự động tưới nước khi đất khô”.
Hầu hết, các bạn sinh viên khi sang học tập và làm việc tại Israel đều được cung cấp kiến thức về sản xuất nông nghiệp hiện đại, cách làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả và trau dồi khả năng ngoại ngữ trong môi trường quốc tế. Có một số sinh viên sau khi trở về đã bắt tay mở cơ sở kinh doanh riêng, sử dụng một cách có chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến bên Israel. Tiêu biểu là Nguyễn Minh Tài, xã Vinh Sơn, T.P Sông Công, đã và đang phát triển trang trại dưa vàng trên quy mô 4.000 m2, đem về thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Hay Phùng Thị Ánh, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đang bắt đầu mở rộng trang trại cà chua và các loại dưa với diện tích khoảng 1.000 m2. Tuy nhiên, nhiều sinh viên sau khi trở về gặp không ít những khó khăn về vốn và những khác biệt về khí hậu hai nước, nên không phải ai cũng có thể áp dụng được những kiến thức đó để phát triển kinh tế nông nghiệp theo quy trình hiện đại tại địa phương.
Trên thực tế, những kiến thức chuyên môn chỉ là một phần các bạn có được sau chuyến đi. Bạn Quách Hưởng ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), từng là sinh viên Khoa Kinh tế và phát triển Nông thôn, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết: “Qua học tập tại Israel, tôi đã học được cách làm việc nghiêm túc, luôn có trách nhiệm với công việc của bản thân. Trong mỗi bài học trên lớp hay làm việc ngoài trang trại, họ luôn động viên các sinh viên phải tư duy độc lập, đổi mới cách tư duy để thử nghiệm mọi công việc theo nhiều cách khác nhau, từ đó ngày càng đạt được hiệu quả cao”.
Những năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân đang gia tăng ở mức báo động. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sinh viên Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc có mức lương tốt để trang trải cuộc sống. Mỗi sinh viên nên có những định hướng riêng cho mình và việc lựa chọn hình thức sang các đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến để học tập, trải nghiệm, tích lũy kiến thức cũng được coi là một xu hướng để tạo cơ hội việc làm cho mình về sau.