Thời điểm này, cơ bản các trường tiểu học trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy… phục vụ cho năm học mới. Tuy nhiên, ngoài mua đầy đủ bộ sách giáo khoa chính khóa, nhiều phụ huynh và nhiều học sinh vẫn đang loay hoay trong việc tìm mua thêm sách tham khảo (STK) nhằm bổ trợ, mở rộng kiến thức.
Khó chọn lựa vì… nhiều lựa chọn
Dạo quanh một số nhà sách lớn như: Siêu thị sách thuộc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Thái Nguyên (số 136, đường Hoàng Văn Thụ), Siêu thị sách trung tâm - Công ty CP Phát hành sách (số 65, đường Hoàng Văn Thụ)…, chúng tôi nhận thấy số lượng đầu STK các môn học khá lớn. Tính sơ sơ STK bậc tiểu học cũng phải lên đến hàng trăm cuốn, với sự góp mặt của hàng chục nhà xuất bản (NXB).
Thanh toán cho hết tốp khách này đến tốp khách khác vẫn chưa ngơi tay, chị Nguyễn Thúy Hằng, quản lý siêu thị sách thuộc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Thái Nguyên đành phải gọi thêm nhân viên hỗ trợ mới có thời gian trao đổi với chúng tôi. “Năm học mới sắp đến gần, nhưng hàng ngày chúng tôi vẫn đón hàng trăm lượt khách đến mua bổ sung sách giáo khoa, STK và đồ dùng học tập. Riêng STK, trung bình mỗi lớp có khoảng trên dưới 30 đầu sách, 1 môn học có khoảng 4-6 cuốn tham khảo kèm theo. Do vậy, nhiều phụ huynh đến mua khá lúng túng, chúng tôi vừa tư vấn, vừa hỗ trợ tìm sách và thanh toán nên khá bận rộn”. Chị Hằng chia sẻ.
Đúng như lời chị Hằng, mặc dù các nhà sách đã cẩn thận chia STK thành từng giá riêng biệt theo môn, lớp, song nếu không có định hướng trước khi mua thì các bậc phụ huynh khó có thể chọn lựa được giữa “ma trận” các loại sách với tên gọi khá hấp dẫn. Và, dường như lượng STK cũng tăng dần đều theo số lớp học. Đơn cử như môn toán lớp 5, có tới hơn 30 đầu STK, như: Toán phát triển trí thông minh; giải vở bài tập toán (tập 1,2); giải bài tập toán (tập 1,2); tự luyện Violympic toán (tập 1,2); toán nâng cao; bài tập ôn luyện, tự kiểm tra, đánh giá cuối tuần… Không chỉ đa dạng về số lượng và tên gọi, các mức giá cho STK cũng khá phong phú, dao động trung bình từ 20.000-40.000 đồng/quyển, cao gấp 3-4 lần sách giáo khoa.
Lựa chọn STK vốn đã khó, đối với bậc tiểu học thì lại càng khó hơn. Bởi ở giai đoạn này, khả năng nhận thức và lựa chọn của học sinh chưa cao, mà phụ thuộc nhiều vào sự định hướng, điều chỉnh của giáo viên và cha mẹ. Gặp chúng tôi khi đang tham khảo các loại sách tại Cửa hàng sách – văn phòng phẩm Khánh Hân, số 307, đường Cách mạng Tháng Tám, chị Nguyễn Thị Lan (tổ 3, phường Tích Lương), cho hay: Gia đình tôi có 2 cháu năm nay học lớp 1 và lớp 5 nên tôi rất quan tâm đến việc lựa chọn sách cho các con. Riêng bộ sách giáo khoa tôi đã đăng ký mua ngay tại trường, chỉ có STK là tôi khá lo lắng. Bởi có rất nhiều loại sách, trong khi chương trình học của các cháu thay đổi liên tục, sách cũ của cháu lớn nhiều khi cháu bé không tham khảo được nữa. Tôi đã xem suốt cả tiếng đồng hồ không biết nên mua những sách gì, vì có quá nhiều loại. Có lẽ, tôi sẽ chọn vài cuốn mà chủ cửa hàng giới thiệu là bán chạy, được nhiều phụ huynh và giáo viên tìm mua. Hy vọng những cuốn STK này sẽ có ích cho việc học tập của các con tôi.
Chỉ nên mua những sách cần thiết
Theo khảo sát của chúng tôi thì STK tại các siêu thị, nhà sách lớn chủ yếu đến từ các NXB có uy tín như: NXB Giáo dục, NXB Thanh niên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội… Tuy nhiên, cùng một lớp, cùng một môn học cũng có đến 10-15 loại STK của cùng 1 NXB. Bên cạnh đó, cũng có không ít các hiệu sách nhỏ lẻ khác với hàng trăm, hàng nghìn đầu sách của nhiều NXB khác nhau. Tạm chưa nói đến hình thức, chất lượng giấy…, thì hiện nay trên thị trường còn tồn tại nhiều loại sách có nội dung không đảm bảo như: “lắp ghép” giữa những đầu sách này với đầu sách khác cốt để lấy lợi nhuận, kiến thức giới thiệu không chuẩn, không sát với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo… Thậm chí, nhiều cuốn chỉ đơn thuần là giải từng bài tập trong sách giáo khoa chứ không mang tính mở rộng, bổ trợ kiến thức như các bậc phụ huynh kỳ vọng khi mua sách cho con em mình…
Theo các chuyên gia, việc sử dụng STK không “chuẩn” ảnh hưởng lớn tới nhận thức và ý thức học tập của học sinh, đặc biệt là với học sinh tiểu học. Khi đó, STK không những không giúp học sinh nâng cao kiến thức mà ngược lại, khiến các em có tâm lý lệ thuộc, ỷ lại. Nhất là việc lạm dụng các cuốn sách “giải bài tập” tất yếu sẽ dẫn đến việc các em không nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, gây tâm lý chán nản, mất phương hướng, giảm hứng thú trong học tập…
Trả lời cho vấn đề này, cô Phạm Thị Tươi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Cô Tươi cho biết: Cuối mỗi năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đều phân công nhân viên thư viện nghiên cứu chương trình học, sau đó, lựa chọn sách bổ trợ phù hợp. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ tổ chức họp chuyên môn, thống nhất danh sách các STK cần thiết và tư vấn, giới thiệu cho phụ huynh trước thềm năm học mới. Điều này vừa đảm bảo tính thống nhất trong việc dạy và học, vừa giúp tiết kiệm chi phí cho cha mẹ học sinh, tránh tình trạng mua nhiều sách nhưng lại không hữu ích và cần thiết. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên lưu ý mua cho con em mình những cuốn sách của các tác giả, nhà xuất bản uy tín.
Ông Nguyễn Văn Mùi, Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Thái Nguyên cho biết: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã nhập 1,8-2 triệu sách các loại, gồm cả sách giáo khoa và STK. Trong đó, chúng tôi đã lựa chọn nhập các loại STK từ những nguồn uy tín, cốt để sàng lọc chất lượng ngay từ đầu trước khi đưa đến tay người tiêu dùng…
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, ông Lê Duy Vỵ, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho rằng: Sử dụng STK là cần thiết nhằm bổ sung kiến thức, mở rộng hiểu biết cho học sinh. Tuy nhiên, để có hiệu quả, phụ huynh cần căn cứ vào lực học của con em mình, từ đó lựa chọn những cuốn STK phù hợp, phục vụ thiết thực cho chương trình học. Bên cạnh đó, cần bám sát hướng dẫn của ngành giáo dục để đảm bảo tính chính xác, có trọng tâm và lưu ý để các em biết sử dụng STK đúng lúc, đúng phương pháp, tránh tình trạng ỷ lại vào STK…