Năm học mới 2017-2018 đã cận kề. Trong khi các trường học trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện nốt những khâu cuối cùng để sẵn sàng cho Lễ khai giảng thì thầy và trò Trường Tiểu học Linh Thông (Định Hóa) vẫn còn bộn bề những nỗi lo.
Chúng tôi đến thực tế tại Trường Tiểu học Linh Thông vào thời điểm thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh Nhà trường đang gấp rút khắc phục hậu quả do mưa lũ để kịp đón năm học mới. Trước đó, các trận mưa lớn và kéo dài trong tháng 7, tháng 8 đã làm sạt lở hơn 1.000m3 đất đá của ta luy đồi, tràn xuống phía sau các lớp học. Toàn bộ sân trường bị ngập sâu trong sình đất, dày từ 20-50cm, khiến cho việc khắc phục phải mất nhiều ngày.
Cô Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Từ đầu tháng 8 đến nay, chúng tôi đã 3 lần huy động giáo viên, phụ huynh học sinh khắc phục việc sạt lở đất, đá xuống sân trường. Tuy nhiên, hễ sau cơn mưa lớn và kéo dài thì đất đá lại tiếp tục bị sạt lở xuống vị trí cũ. Để chuẩn bị cho năm học mới đã cận kề, trong đợt này, chúng tôi phải thuê máy để múc đất và huy động thêm lực lượng dân quân, công an xã hỗ trợ nạo vét đất ở vị trí chân tường lớp học. Đồng thời, đào mương thoát nước và đóng hơn 1.500 bao tải đất để kè trước chân đồi. Dù vậy, chúng tôi vẫn canh cánh nỗi lo tình trạng mất an toàn cho các em học sinh trong năm học mới. Bởi, Nhà trường hiện có 240 học sinh nhưng chỉ có 10 phòng học cấp bốn, trong đó có tới 7 phòng học đã bị xuống cấp từ năm học trước. Đáng nói, trong số 7 phòng học này có một dãy gồm 4 lớp nằm ngay phía dưới chân ta luy đồi cao hơn 10m có nguy cơ bị sạt lở bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão.
Quan sát tại các lớp học, chúng tôi nhận thấy, nhiều bờ tường bên trong bị bong tróc, rạn nứt, trần nhà bị thấm dột khắp nơi. Thầy Lưu Viết Tùng, giáo viên Nhà trường cho biết: Các lớp này đều được xây dựng từ những năm 2003, do các đơn vị hảo tâm hỗ trợ. Tường nhà chỉ xây bằng vật liệu cát, vôi, theo thời gian đã xuống cấp và không có đủ điều kiện bảo vệ các thiết bị bên trong. Thêm vào đó, đất đá sạt lở và thường tập trung dạt trôi, ngấm vào chân tường các lớp học khiến nguy cơ sụp đổ là rất lớn. Để khắc phục, Nhà trường cũng chỉ có khả năng thay mới 40 tấm lợp pro xi măng và mua 50 cọc tre thay cho các đòn tay (xà gỗ) bị mục nát tại những phòng học xuống cấp trầm trọng. Trước thực trạng trên, nếu mưa lũ vẫn tiếp tục kéo dài, để đảm bảo an toàn, Nhà trường sẽ phải đóng cửa 4 phòng học và cho các học sinh học ghép hoặc học thành nhiều ca. Ngoài ra, nếu muốn học một ca thì Nhà trường phải tận dụng nốt các phòng (phòng hiệu bộ, phòng sinh hoạt chung) hoặc thuê, mượn nhà văn hóa xóm thì mới đảm bảo đủ cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Linh Thông cho biết: Là một trong những xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện, Linh Thông hiện có tới trên 70% hộ nghèo. Về vấn đề đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh trường tiểu học, thời gian qua, xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân, công an xã phối hợp đào mương, kè bao cát tại vị trí sạt lở. Song, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời bởi khi mưa lớn, đất đá vẫn chảy luồn qua các khe bao và tràn xuống vị trí các lớp học. Do đó, giải pháp lâu dài cần phải xây kè chắn bằng đá hoặc mối giằng kiên cố, song bằng nguồn lực của địa phương thì chúng tôi chưa có kinh phí để thực hiện được. Còn ông Thái Văn Cương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hoá thì cho biết: Để khắc phục tình hình sạt lở ở Trường Tiểu học Linh Thông, thời gian qua, chúng tôi đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng đầu tư xây hệ thống kè đá tại ta luy phía sau trường học. Đến nay, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã có chủ trương đầu tư với tổng kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ nay cho đến trước ngày tựu trường, hệ thống kè đá chống sạt lở sẽ được hoàn thiện.
Từ thực tế trên, đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc, đôn đốc và triển khai thi công khẩn trương các hạng mục công trình để thầy và trò Nhà trường vững tin bước vào năm học mới.