Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới giáo dục cần mạnh dạn bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không phù hợp thực tiễn

15:39, 21/08/2017

Ngày 21/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết năm học 2016-2017và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018. Cùng dự hội nghị còn có lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương...

Hội nghị này là hoạt động thiết thực của toàn ngành giáo dục nhằm nhìn nhận kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý giáo dục các cấp năm học vừa qua. Đồng thời, các đại biểu thẳng thắn thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả trong năm học mới.

 

* 3 vấn đề trọng tâm của năm học mới

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong năm học 2016-2017, bên cạnh những thuận lợi, ngành giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để giải quyết trong những năm tiếp theo.

 

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cũng là nội dung mà Bộ dự kiến lựa chọn để tập trung chỉ đạo trong năm học mới. Đầu tiên là việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Các địa phương cần tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành giáo dục tập trung đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, uy tín sẽ là trung tâm. Các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh, trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.

 

Năm học mới, ngành giáo dục cũng chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 của ngành giáo dục trong năm học  mới là đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, ngành đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

 

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra 5 bất cập của giáo dục

 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam điểm lại những hoạt động nổi bật của ngành giáo dục, trong đó nhấn mạnh việc đã hoàn thành chương trình phổ cập mầm non lớp 5 tuổi, đây là nỗ lực chung của toàn xã hội, một dấu ấn quan trọng với ngành giáo dục. Ngành giáo dục cũng đã có xây dựng được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hiện đang biên soạn sách giáo khoa. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, kết hợp với tuyển sinh. Tự chủ đại học được từng bước thực hiện; quản lí giáo dục đã tiến bộ khi bỏ bớt các hoạt động, kì thi không cần thiết; bước đầu gỡ dần những bất cập của toàn ngành nhiều năm dồn lại…

 

Phó Thủ tướng đã đề cập đến 5 vấn đề bất cập của ngành giáo dục của ngành giáo dục. Đó là vấn đề về quản lí nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông, mầm non còn nhiều quy định cứng nhắc, không còn phù hợp với thực tiễn. Còn không ít các tiêu chuẩn, hoạt động, kỳ thi… mang bệnh thành tích, chưa thực sự vì học sinh.

 

Bất cập thứ hai là ngành đã bước đầu làm chương trình sách khoa nhưng triển khai còn chậm ở nhiều khâu, đặc biệt là chậm “thấm” tinh thần đổi mới xuống dưới cơ sở. Ngành giáo dục đã có nhưng chưa chú ý nhiều đến việc dạy toàn diện. Một hiện tượng đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm là thừa, thiếu giáo viên cục bộ và đặc biệt là giáo viên mầm non. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ mà còn là của các địa phương. Cuối cùng là giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn, phục vụ học tập suốt đời chưa được chú ý…

 

Phó Thủ tướng đề nghị cần làm mạnh mẽ, thực chất việc giáo dục con người, nhất là ở cấp phổ thông, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học một cách thiết thực, để các cháu có trí tuệ phát triển, là người tốt, yêu nước, có ý thức công dân... Các bậc phụ huynh học sinh cần tăng cường chia sẻ với giáo viên. Thêm vào đó,  công tác quản lí nhà nước phải theo hướng đổi mới, phát huy tính sáng tạo, cần mạnh dạn bãi bỏ các quy định cứng nhắc áp đặt từ trên xuống, không phát huy tính chủ động ở cấp dưới, không còn phù hợp với thực tiễn…Việc thực hiện tự chủ ở các trường cần làm một cách đúng nghĩa, tự chủ không chỉ ở giữa trường với bộ chủ quản mà xuống đến từng giáo viên…

 

Với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình sách giáo khoa mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Đổi mới làm một lần và áp dụng cho nhiều năm nên chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Phải làm với tinh thần khẩn trương, chất lượng, các giáo viên có thể áp dụng ngay cách dạy, học mới vào chương trình hiện hành chứ không cần chờ đến lúc chính thức thực hiện chương trình mới. Các thầy cô giáo ở các vùng miền phải tự đổi mới, có đổi mới thì giáo dục mới đi lên…

 

* Đánh giá cao kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia

 

Một trong những điểm sáng trong năm học 2016-2017 là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia được đánh giá là chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và tổ chức an toàn, nghiêm túc, đảm bảo khách quan, trung thực, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

 

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định: Năm học 2016-2017, ngành giáo dục đã đạt được nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Trong đó, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã có bước tiến lớn, nhẹ nhàng hơn, giảm áp lực cho thí sinh, phụ huynh và xã hội. Kỳ thi đã hoàn thành đánh giá kết quả học sinh phổ thông sau 12 năm học; công tác phân luồng cũng đã có độ chuyển nhất định.

 

Đại diện các địa phương cũng đánh giá rất cao kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Đại diện thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Năm 2017 là năm thứ 3 thực hiện lộ trình đổi mới thi cử nhưng là năm đầu tiên kỳ thi quốc gia được giao cho các tỉnh, thành phố chủ trì, chịu trách nhiệm ở tất cả các khâu của kỳ thi. Các địa phương, trong đó có Cần Thơ đều hết sức nỗ lực để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế và thành công. Kỳ thi kết thúc đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của toàn xã hội, nhất là các bậc phụ huynh, thí sinh dự thi năm nay.

 

Các đại biểu cũng cho rằng: Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 diễn ra hết sức nghiêm túc, không tạo áp lực nặng nề cho thí sinh, người nhà bởi không phải di chuyển quá xa, tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian như những năm trước. Mặt khác, với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ, kết quả kỳ thi được đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời…Việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng cũng diễn ra nhanh gọn, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được lựa chọn các nguyện vọng theo sở thích, phù  hợp với năng lực.

 

Các đại biểu đề nghị năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức chỉ đạo kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như năm 2017 trên cơ sở phát huy thành công của kỳ thi vừa qua, đồng thời tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa những vấn đề kĩ thuật để kỳ thi hoàn thiện hơn, đặc biệt là ở khâu ra đề thi...

 

* Chuẩn bị kĩ lưỡng để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

 

Tại hội nghị lần này, đại diện một số tỉnh, thành phố đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nên bắt đầu từ năm học 2019-2020 thay vì năm học 2018-2019 như dự kiến.

 

Các đại biểu đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nghiêm túc, bài bản lộ trình chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.  Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ thông qua đã khá hoàn chỉnh; đáp ứng dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Các môn học, dung lượng kiến thức, phân bổ thời gian từng môn học và trong tổng thể chương trình được tính toán cân đối, phù hợp.

 

Tuy nhiên, đại diện nhiều địa phương cũng cho rằng: Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trên toàn quốc cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giáo viên và như cơ sở vật chất. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai chương trình đúng hạn là từ năm học 2018-2019 thì địa phương sẽ gặp khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, nơi khó có điều kiện thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn  lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo lại đội ngũ giáo viên... Do đó, Bộ nên cân nhắc lùi thời gian thực hiện để các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, đảm bảo thực hiện hiệu quả và thành công.

 

Đại diện tỉnh Vĩnh Long đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dành thời gian đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ đáp ứng chuẩn chương trình mới trực tiếp, không chỉ đào tạo qua hình thức gián tiếp.../.