Khi kỳ nghỉ hè sắp kết thúc, cũng là lúc các cô giáo Trường Mầm non xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) bận rộn công việc sửa chữa phòng học, chế tạo đồ dùng, thiết bị dạy học và đồ chơi cho trẻ chuẩn bị đón một năm học mới. Mỗi giáo viên tự thực hiện một ý tưởng, đóng góp bằng việc làm cụ thể để tạo cho môi trường giáo dục nơi đây luôn tươi mới, giữ vững danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia. Đó chính là một trong những kinh nghiệm xây dựng và nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia bắt đầu từ tư duy phát huy nội lực.
Chỉ là những chai nhựa, lốp xe, thùng kẽm phế liệu được chế tác thành những chiếc đồng hồ, lọ hoa, chậu cảnh qua bàn tay khéo léo của các cô giáo đã tạo nên góc học tập sinh động và hấp dẫn với trẻ em. Cô giáo Luân Thị Son và cô giáo Đỗ Thị Giang mặc dù bận rộn lựa những món đồ chơi mới được chế tác từ những chiếc vỏ thùng sơn, hộp sữa để tạo góc học tập mới, nhưng rất hào hứng chia sẻ: Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” cho con trẻ sẽ trở thành hình thức và nhàm chán khi giáo viên không tự chuẩn bị cho mỗi buổi học những điều hấp dẫn đến với học sinh. Chính vì vậy, mỗi giáo viên đều phải tự mình có trách nhiệm làm mới và làm sinh động không gian học tập, sinh hoạt cho học sinh, để ngày nào các em nhỏ đến lớp như được đón nhận những điều mới lạ và thú vị.
Cô giáo Hoàng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Hóa Trung là một xã chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, nên kinh tế còn khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây rất quan tâm đến việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ngay trong năm 2015, thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, Trường đã vượt qua chuẩn mức độ 1 để tiến thẳng về đích đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng để tạo dựng một môi trường giáo dục hiện đại thì đều bắt đầu từ sự đồng thuận của xã hội và chắt chiu, đóng góp của bản thân mỗi giáo viên. Mỗi năm học, đội ngũ giáo viên của Trường đều tự chế tạo các đồ dùng học tập cho lớp học. Đặc biệt, gần 70% đồ dùng thị phạm, đồ chơi đều được tái chế, sưu tầm từ các vật dụng phế liệu. Điều này đồng nghĩa với việc giảm các chi phí mua sắm đồ dùng học tập, giảm bớt gánh nặng đóng góp của phụ huynh. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, hằng ngày các cô giáo chia tổ, nhóm để tự tăng gia, chăm sóc vườn rau sạch bản đảm bữa ăn an toàn cho bếp ăn của Trường. Nhưng điều quan trọng hơn là cả cô, trò đều say sưa với lớp học, nêu cao tinh thần, trách nhiệm và phát huy được tính chủ động sáng tạo trong dạy và học, nhằm bảo đảm chất lượng một ngôi trường chuẩn quốc gia”.
Nói về quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc mầm non, đồng chí Phạm Văn Bảy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hóa Trung cho biết: Trước năm 2015, hệ thống giáo dục mầm non của xã còn rất tạm bợ. Hầu hết các lớp học đều mượn nhà văn hóa xóm để giữ và trông trẻ là chính. Từ khi có chủ trương đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhân dân đều đồng tình ủng hộ. Nhưng khó nhất là nguồn lực đầu tư huy động tại địa phương là rất khó, trong mức độ đóng góp của nhân dân thì có hạn. Đồng chí Chủ tịch UBND xã nhớ lại: “Khi mới có chủ trương cấp có thẩm quyền ghi vốn, chưa có kinh phí đầu tư, mọi người đều lo ngại, trong khi yêu cầu thực tế là xây dựng mới hoặc nâng cấp trường mầm non là cấp thiết, vì các lớp học tạm đã xuống cấp. Các cô giáo Đào Thị Minh (nguyên Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường), Đào Thị Nguyệt, Phó hiệu Trưởng từng gắn bó nhiều năm với Trường đã mạnh dạn đề xuất: Cán bộ, đảng viên và giáo viên chủ động quyên góp, vận động huy động nội lực trước rồi vận động quần chúng nhân dân. Chính tập thể Hội đồng sư phạm Nhà trường đã gom từng tấm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình, thế chấp lương với ngân hàng để ứng vốn đầu tư khi ngân sách chưa bố trí kịp thời. Cô Đào Thị Nguyệt tâm sự: “Để có mặt bằng trên 3.000m2 đất xây trường học bấy giờ thì phải thanh toán tiền ngay cho các hộ dân đã chấp thuận bán, hiến đất họ mới có điều kiện tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Nếu không quyết tâm sẽ mất cơ hội và người dân sẽ còn vất vả tìm lớp học cho con em mình”.
Hiệu ứng từ cách làm đầy trách nhiệm của tập thể Hội đồng sư phạm Nhà trường đã lan tỏa đến từng người dân. Chỉ chưa đầy 3 tháng, gần 2 tỷ đồng đã được các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ. Đặc biệt, đã có những hộ dân hiến không gần 300m2 đất cho công trình. Công trường 3.000m2 nhanh chóng được các doanh nghiệp hỗ trợ hàng nghìn công lao động và hàng trăm ca máy san lấp mặt bằng để kịp thi công. Có mặt bằng thi công, các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội tại địa phương đồng loạt đăng ký tham gia hỗ trợ vào các hạng mục xây dựng. Các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn hỗ trợ lực lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia vào thi công xây dựng sân vườn, mái che, trồng cây xanh tạo khuôn viên bóng mát và sân chơi. Với tổng kinh phí đầu tư trên 9 tỷ đồng, trong đó nguồn huy động nội lực và huy động xã hội hóa được gần 2 tỷ đồng, đầu tư trong gần 1 năm đã tạo ra một môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện tại xã miền núi của huyện Đồng Hỷ.
Phát huy những thành tích đã đạt được, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường hôm nay luôn tự rèn luyện ý chí phấn đấu với tinh thần phát huy nội lực để tiếp tục giữ vững thành tích chuẩn quốc gia mức độ 2. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên của Trường hiện nay đã có gần 90% vượt chuẩn và Nhà trường luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của huyện Đồng Hỷ.