"Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đã có vi phạm thì kiên quyết xử lý theo đúng quy định hiện hành, không phân biệt cơ sở đào tạo lớn hay nhỏ" - đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT trong cuộc trao đổi với báo chí xung quanh kết luận thanh tra của Bộ về hàng loạt sai phạm của Học viện Khoa học Xã hội thời gian qua.
Trả lời câu hỏi, Học viện Khoa học xã hội sai phạm trong việc phân công đội ngũ hướng dẫn nghiên cứu sinh vượt quá quy định nhiều lần, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng các luận án?, bà Nguyễn Thị Kim Phụng bày tỏ: Việc phân công người hướng dẫn khoa học vượt quá quy định trước hết là sự vi phạm quy chế đào tạo. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng luận án ở góc độ luận án không được thực hiện trong điều kiện tốt nhất, với chất lượng cao nhất có thể. “Để đạt được chất lượng cần thiết, nghiên cứu sinh và người hướng dẫn sẽ phải nỗ lực rất lớn, thậm chí nghiên cứu sinh có thể phải tìm đến các nguồn hướng dẫn không chính thức khác. Cũng như các sai phạm khác, Học viện Khoa học xã hội sẽ phải báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra này về Bộ GD&ĐT (qua Thanh tra) trước ngày 30/9/2017”- bà Kim Phụng khẳng định.
Đề cập đến câu chuyện phải chăng Việt Nam đang “bội thực” thạc sĩ, tiến sĩ?, bà Kim Phụng chia sẻ: Nếu nói “chúng ta đang “bội thực” thạc sĩ, tiến sĩ là chưa có cơ sở vì không dựa vào chuẩn nào để nói có bao nhiêu là thiếu, là đủ, là thừa… Trong lĩnh vực giáo dục đại học thì số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện là 16.541, mới chỉ đạt 22,68% tổng số giáo viên, vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Số giảng viên có trình độ thạc sĩ là 43.065, chiếm 59,16%. Hiện nay, cả nước có 37 viện nghiên cứu được giao đào tạo tiến sĩ, với quy mô khoảng 1.500 nghiên cứu sinh. Trung bình, quy mô của mỗi viện khoảng 40 nghiên cứu sinh và đang có xu hướng giảm. Như vậy, vấn đề cần đặt ra là đảm bảo chất lượng chứ không phải giảm số lượng trong điều kiện dư thừa.
Chia sẻ thêm về những quy định của Quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện hành, bà Kim Phụng cho hay, trước khi được ban hành, Quy chế đã được công bố công khai để lấy ý kiến của dư luận xã hội. Tuy nhiên, việc chú trọng chất lượng trong đào tạo sẽ tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt là khi trình độ và chất lượng đào tạo giữa các cơ sở, các lĩnh vực đào tạo chưa đồng đều. Mặc dù vậy, nếu xem xét đến bối cảnh sự phát triển của giáo dục đại học khu vực thì cần phải thực hiện.
Để đảm bảo cho người có kế hoạch theo học ở trình độ tiến sĩ có thời gian chuẩn bị về chuyên môn và ngoại ngữ cũng như các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải có hướng đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng (về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực) thực hiện những thay đổi nói trên, Quy chế đào tạo tiến sĩ mới có điều khoản chuyển tiếp quy định rõ lộ trình công bố quốc tế đối với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh theo hai giai đoạn: Từ khi quy chế có hiệu lực đến hết 31/12/2018 và từ sau ngày 01/01/2019 đối với những nhóm ngành có tính hội nhập cao và với nhóm chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội đặc thù của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết thêm, thời gian qua, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học là một trong những nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD&ĐT. Hằng năm, Bộ đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể các cơ Sở GD&ĐT. Trong điều kiện các cơ sở đào tạo càng được tự chủ thì càng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở đào tạo vi phạm.
“Điều quan trọng là phải dựa trên tinh thần tự giác của các cơ sở đào tạo; trong đó, đặc biệt quan trọng là người đứng đầu cơ sở đào tạo, hội đồng khoa học đào tạo và cá nhân các nhà khoa học để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, văn hoá chất lượng tại các cơ sở đào tạo”- bà Kim Phụng nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ GD&DT xây dựng cơ chế công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng, các sản phẩm khoa học… và chuẩn bị xếp hạng chất lượng các cơ sở đào tạo để người học lựa chọn và xã hội giám sát. Trước hết là xây dựng cơ sở dữ liệu để công khai về các điều kiện đảm bảo chất lượng, các sản phẩm khoa học trong đào tạo như: Đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất; các đề tài khoa học, luận văn, luận án kèm theo tên tác giả, người hướng dẫn và hội đồng thẩm định để gắn trách nhiệm của các nhà khoa học với sản phẩm khoa học của nghiên cứu sinh…/.