Ngày 21-9, tại Đại học Thái Nguyên đã diễn ra chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Thái Nguyên, Đại học Nông Lâm và Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực.
Trước đó Đoàn Đại sứ quán Úc đã đến thăm, chào xã giao lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tại Văn phòng UBND tỉnh và báo cáo tổng quan chương trình hợp tác với Đại học Thái Nguyên. Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tring tỉnh đã tiếp Đoàn.
Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skill) là một hợp phần của Chương trình Hợp tác Phát triển Australia - Việt Nam (Aus4Vietnam) giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ dân tộc thiểu số là nữ giới. Theo thỏa thuận được ký kết, Chương trình sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ thành công của sinh viên dân tộc thiểu số và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Đây cũng là cơ hội nhằm thiết lập các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức giáo dục của Australia.
Tại Lễ ký kết, bà Stacey Nation - Tham tán của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn thực hiện thí điểm năm 2017-2018, Chương trình sẽ tập trung một số hoạt động chính: Đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản trị và lập kế hoạch cho lãnh đạo và các nhà quản lý cấp cao của các trường; kiểm định chất lượng giáo dục đại học và đổi mới chương trình giảng dạy dành cho các trưởng khoa và nhà quản lý cấp cao; phương pháp hòa nhập dành cho giáo viên, hỗ trợ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả cao trong học tập; tham dự các hội thảo về giảng dạy kỹ năng cho sinh viên là người dân tộc thiểu số và nghiên cứu về khoảng cách giữa kỹ năng của sinh viên của các trường sau khi tốt nghiệp và yêu cầu của người sử dụng lao động ở khu vực miền núi phía Bắc...
Về phía Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm khi tham gia Chương trình này, dự kiến sẽ hỗ trợ học tập cho khoảng 28.000 sinh viên dân tộc thiểu số và khó khăn một cách hiệu quả hơn. Điều này cũng góp phần tăng tỷ lệ thành công trong học tập của sinh viên dân tộc thiểu số và khó khăn, giúp các em nhanh chóng tìm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.