Góp phần phát triển giáo dục vùng khó: Nhìn từ các điểm trường lẻ (Kỳ 1)

07:52, 04/09/2017

Theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện nay toàn tỉnh còn trên 2.980 phòng học bán kiên cố, phòng tạm, học nhờ (chiếm 35,61%). Hệ thống cơ sở vật chất của nhiều trường mầm non, tiểu học ở các xã vùng sâu, xa, đặc biệt là các điểm trường lẻ còn rất khó khăn. Chính vì vậy, việc tỉnh quyết định đầu tư cấp bách xóa 33 phòng học tạm cho 11 trường mầm non, tiểu học ở 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết trước mắt mà còn góp phần tạo điều kiện để các em học sinh (HS) vùng cao có cơ hội tiếp cận và học tập ngang bằng với trẻ em miền xuôi.

Do địa hình đồi núi chia cắt, các thôn, bản ở xa trung tâm xã, giao thông cách trở nên nhiều HS ở các huyện miền núi, vùng cao như Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa gặp rất nhiều khó khăn trong việc đến lớp. Để khắc phục tình trạng này, các điểm trường lẻ đã được thành lập. Tuy nhiên, phần lớn những điểm trường lẻ trên địa bàn tỉnh hiện nay đều trong tình trạng thiếu phòng học, các phòng chức năng, nhà vệ sinh, điện, nước sinh hoạt...

Nhớ lại thời điểm cuối tháng 12-2016, chúng tôi đã vượt suối, băng rừng để đến hai điểm trường Khe Rịa và Khe Cái, thuộc Trường Tiểu học Vũ Chấn (Võ Nhai). Hai điểm trường này đều dựng tạm bằng gỗ, mái lợp cỏ tranh, được ngăn thành các phòng học cho các em HS từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi phòng học chỉ rộng chừng 15m2,  tổng diện tích của 4 phòng khoảng 60m2, nhưng lại trở nên quá rộng khi số HS của điểm trường Khe Rịa chỉ có 18 em, còn điểm trường Khe Cái là 9 em. Các điểm trường đều không có điện, nước nên mùa hè thì nóng còn mùa đông thì lạnh lẽo, tối tăm. Các phòng học đơn sơ, tạm bợ đến mức nao lòng. Mỗi lớp học ghép đều có 2 bảng viết, hai dãy bàn ghế để các em HS ngồi quay lưng lại với nhau, 1 cái bàn cho giáo viên; nền đất, bờ tường được che chắn bằng những tấm ván bưng đã úa màu theo thời gian...

“Điểm trường Khe Cái có 4 lớp, trong đó lớp 1 có 3 HS, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 đều có 2 em, riêng lớp 2 không có HS nào. Do không đủ HS nên chúng tôi phải tổ chức học ghép giữa các lớp. Cả cô và trò cùng cố gắng khắc phục khó khăn, song do thiếu thốn về cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, có trang thiết bị dạy học cũng không sử dụng được nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng dạy và học” - cô Nguyễn Thị Minh Thoa, giáo viên ở điểm trường Khe Cái cho biết.

Điểm trường Khe Rịa có số HS nhiều hơn Khe Cái, với 18 em, trong đó lớp 1 có 6 HS, lớp 2, lớp 3 và lớp 5 đều có 4 em, riêng lớp 4 không có HS nào. Do quá ít HS, Nhà trường cũng phải tổ chức thành 2 lớp học ghép giữa trình độ lớp 1 và 2; ghép trình độ lớp 3 và 5. “Trường được xây dựng từ năm 1997 nên giờ mục nát lắm rồi, lại không có điện, nước, thầy giáo Nông Văn Đỗ, người đã có 18 năm trong nghề và bám điểm trường Khe Rịa liên tục 5 năm nay cho biết thêm...

Chứng kiến sự khó khăn, vất vả ở từng điểm trường, chúng tôi càng khâm phục các thầy, cô giáo đang hàng ngày bám bản “gieo” con chữ. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thoa chia sẻ thêm: HS của điểm trường này 100% là con em đồng bào dân tộc Dao. Mặc dù điểm trường đặt ở trung tâm của bản nhưng vì các gia đình ở rải rác trong khe núi nên đường đến điểm trường rất xa, có em phải thức dậy từ 5 giờ 30 phút sáng để trèo đèo, lội suối đến trường. Có nhiều đoạn đường xấu quá các em phải bỏ dép, đi chân trần, nhiều hôm chân tóe cả máu, trong khi đó bụng không một hạt cơm mà các em vẫn ham học, vì thế chúng tôi không ai bảo ai đều phải nỗ lực vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để dạy tốt hơn, hy vọng các em sẽ có một tương lai sáng nhờ những con chữ. Các em người dân tộc thiểu số khi ra lớp 1 nhiều từ tiếng Việt không nói được. Chúng tôi vừa phải dạy vừa dỗ, vừa tìm hiểu phong tục tập quán, học tiếng bản địa để có thể phiên âm cho các em dễ hiểu hơn...

Được biết, cô Thoa tốt nghiệp Trung cấp sư phạm năm 1987, sau nhiều năm dạy ở các xã Nghinh Tường, Bình Long, từ năm 2007 cô được phân công về xã Vũ Chấn giảng dạy. 11 năm gắn bó với ngôi trường này hơn ai hết cô thấm nỗi vất vả của các em HS. Mặc dù điểm trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất phòng học, các phương tiện dạy học, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt… nhưng cô cũng như các thầy cô khác đều kiên trì bám bản để gieo ước mơ xanh cho các thế hệ trẻ. Buổi sáng các cô tổ chức cho học chính khóa theo quy định, buổi chiều ôn lại bài cũ cho HS. Vì dạy một lớp 2 trình độ, các cô phải soạn 2 giáo án, trong khi đó chế độ cũng không có gì khác. Bù đắp lại sự vất vả đó, các em HS rất ngoan, đi học đều, 100% các em học hết lớp 5 đều đủ điều kiện vào lớp 6. Với sự kiên trì bám bản, gieo chữ của các thầy cô, nhiều năm nay ở điểm trường này không có HS bỏ học, các em tốt nghiệp THCS đều học tiếp các trường phổ thông, nhiều em tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Chúng tôi rời Điểm trường Khe Cái để đến Điểm trường mầm non xóm Tân Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai). Điểm trường này khối mầm non có 47 cháu. Để tổ chức được lớp học, các cô giáo phải mượn nhà văn hóa của xóm và lớp tạm của Trường Tiểu học Thần Sa để giảng dạy. Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Trường Mầm non Thần Sa có 7 điểm trường ở các xóm: Trung Sơn, Hạ Sơn, Ngọc Sơn 1, Ngọc Sơn 2, Xuyên Sơn, Tâm Kim, Thượng Kim thì có tới 3 điểm trường phải đi học nhờ nhà văn hóa, các phòng của khối tiểu học là điểm Tân Kim, Ngọc Sơn 1, Ngọc Sơn 2. Việc đi học nhờ rất khó khăn vì các cháu mầm non không như tiểu học, các cháu còn nhỏ nên việc vệ sinh cá nhân cũng như mọi hoạt động cô giáo gần như làm hết. Các cháu nhà ở xa, muốn tổ chức ăn bán trú cũng không thể làm được, vì học tại nhà văn hóa thì làm gì có chỗ nấu nướng. Chưa kể, khi xóm có các cuộc họp, cô giáo lại phải cho HS nghỉ… Tuy khó khăn là vậy, song tập thể sư phạm Nhà trường luôn nỗ lực cố gắng, vì thế tỷ lệ huy động trẻ ra lớp năm sau đều cao hơn năm trước. Nếu như năm học 2016-2017, toàn trường huy động được 210 HS ra lớp, thì năm học 2017-2018 tăng thêm được 7 HS.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, những năm qua, huyện Võ Nhai đã huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, đường xá đi lại khó khăn nên trên địa bàn huyện còn rất nhiều điểm trường ở các thôn, bản vẫn là phòng học tạm. Vì thế, đến hết năm 2016 mới có 34 trên tổng số 64 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó, cấp học mầm non là 14/20 trường, đạt tỷ lệ 70%; cấp tiểu học là 15/22 trường, đạt 68,2%; cấp THCS là 5/22 trường, đạt 22,7%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn của huyện ở tốp cuối các huyện, thành, thị trong tỉnh. Năm 2017, huyện phấn đấu xây dựng thêm 5 trường đạt chuẩn Quốc gia là: Mầm non Trúc Mai, Tiểu học Thượng Nung, Tiểu học Liên Minh, Tiểu học Đông Bo và THCS La Hiên. Để các trường này đạt chuẩn thì các điểm trường lẻ phải được đầu tư xây dựng kiên cố. Phòng Giáo dục đã tích cực tham mưu cho UBND huyện để trình tỉnh thực hiện xóa toàn bộ các điểm trường tranh tre nứa lá trên địa bàn huyện. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, hiện đại; tạo ra môi trường giáo dục tương đối đồng đều giữa các địa bàn, góp phần khắc phục khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thành thị và nông thôn...

(Còn nữa)