Huy động các nguồn lực xây dựng trường chuẩn Quốc gia

17:09, 01/09/2017

Xác định xây dựng trường chuẩn Quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục, những năm qua, huyện Đại Từ đã huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Qua đó, từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học ngày càng cao ở địa phương.

Đại Từ là một trong những địa phương có số lượng trường học nhiều nhất tỉnh, với 96 trường; trong đó, có 33 trường mầm non, 33 trường tiểu học và 30 trường THCS. Để nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, Đại Từ cần có nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Đồng chí Trần Đăng Minh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cho biết: Khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở địa phương chính là thiếu kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất. Để giải quyết khó khăn này, những năm qua, Phòng đã tham mưu cho địa phương đưa nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, có kế hoạch lồng ghép các nguồn lực, vận động các doanh nghiệp, nhân dân đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa trường lớp học.

Hằng năm, Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn Quốc gia huyện đều thực hiện rà soát thực trạng các trường học, áp vào tiêu chí xây dựng trường chuẩn, từ đó chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đặc biệt là tập trung làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều thấy được lợi ích thiết thực của việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Từ đó, vận động các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia đóng góp đầu tư xây dựng trường lớp, tạo môi trường học tập khang trang, sạch đẹp cho con em. Trung bình mỗi năm, huyện vận động nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng để tu sửa, mở rộng, nâng cấp trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học. Chỉ tính riêng năm học 2016-2017, huyện đã huy động được gần 12 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ công tác giảng dạy ở các cấp học. Từ nguồn kinh phí này, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều trường đã được đầu tư tu sửa, nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, huyện đã đưa vào sử dụng 7 nhà lớp học 2 tầng, với 50 phòng học, trị giá trên 30 tỷ đồng tại các trường: Mầm non Minh Tiến, Mầm non Phú Cường, Mầm non Phục Linh, Tiểu học Phú Thịnh, Tiểu học Phục Linh, THCS Mỹ Yên và THCS Vạn Thọ.

Trước khi được xây dựng thêm phòng học, Trường Mầm non Phục Linh có quy mô về cơ sở vật chất khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc cho khoảng 350 cháu theo học. Tháng 6-2017, được Tổng Công ty Thép Việt Nam hỗ trợ 100 triệu đồng cùng 300 triệu đồng do cán bộ, công nhân viên Mỏ than Phấn Mễ đóng góp, Nhà trường đã xây dựng công trình 2 phòng học cấp 4 khép kín, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng tăng ở địa phương.

Cùng với việc chuẩn hóa về cơ sở vật chất, huyện đã từng bước nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ theo hướng chuẩn hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2.368 cán bộ, giáo viên thì 100% đã đạt chuẩn, trong đó 70% đạt trình độ trên chuẩn. Ngoài ra, các nhà trường thường xuyên đẩy mạnh việc bồi dưỡng học sinh, cải thiện môi trường giáo dục, qua đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Đối chiếu với các tiêu chí trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia, hiện nay, hầu hết các trường đều đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng đội ngũ, học sinh và môi trường giáo dục... Để đạt được kết quả này, ngoài sự quan tâm của các cấp, ngành, còn có sự nỗ lực của các nhà trường và mỗi cán bộ, giáo viên trong cuộc chạy đua xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

Được thành lập từ năm 1999, đến nay, Trường Mầm non Phúc Lương có 8 nhóm trẻ với 210 học sinh, được tách lớp theo độ tuổi. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có 23 người đều đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Những năm qua, Nhà trường đã thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hằng năm, 100% trẻ đến trường đều được ăn bán trú tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng liên tục giảm, hiện còn 5,2%, 100% số cháu đạt bé khỏe, bé ngoan. Đến nay, Nhà trường có 8 phòng học, đủ các phòng chức năng và trang thiết bị đầy đủ trên diện tích gần 4.000m2 theo đúng tiêu chí của trường chuẩn Quốc gia.

Được biết, toàn huyện Đại Từ hiện có 91/96 trường đã đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 13 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Đại Từ cũng là địa phương thứ hai trong tỉnh có 100% số trường mầm non và tiểu học đã đạt chuẩn. Với điều kiện của Đại Từ, để có được kết quả như trên không hề dễ dàng, đó là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực, có sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đến sự ủng hộ của các cấp, ngành và người dân địa phương.

Hiện nay, ngoài việc phấn đấu những trường còn lại sẽ được công nhận đạt chuẩn, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đối với các trường đã đạt. Nhận thức rõ, việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia đã khó, việc duy trì cũng khó khăn không kém, nên tập thể cán bộ, giáo viên các nhà trường vẫn luôn nỗ lực trong mọi hoạt động, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.