Lũng Hoài còn nhọc nhằn con chữ

14:45, 18/09/2017

Đời sống vật chất của bà con đã khá hơn, cơ sở hạ tầng đã và đang được quan tâm đầu tư… đó là những tín hiệu đáng mừng ở bản Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai). Nhưng ở bản có 100% người dân tộc Mông này vẫn còn rất nhiều khó khăn, chuyện học hành của học sinh nơi đây vì thế mà không ít gian nan, thiệt thòi.

Đoạn đường từ xã Thượng Nung lên trung tâm bản Lũng Hoài dài khoảng 4km đã được đổ bê tông và trải nhựa, nhưng phải tay lái “cứng” mới dám đi xe máy qua đây vì dốc rất cao và cua nhiều. Tuyến đường này được đầu tư, đối với người dân Lũng Hoài như một giấc mơ thành hiện thực, bởi bao năm bà con thường phải đi bộ xuống núi. Tuy vậy, đường vào từng nhà nhiều hộ dân ở rải rác vẫn rất khó đi. Đã vài lần lên Lũng Hoài, tôi được nghe nói đến một chòm dân cư có cái tên khá lạ - Lũng Chó, nơi có 8 hộ dân, cách trở và khó khăn nhất bản. Cách duy nhất đến lũng này là phải đi bộ mất gần 1 giờ đồng hồ qua “rừng đá” tai mèo.

Trưởng bản Lý Văn Sinh và thầy giáo Lương Thành Chính, giáo viên Trường Tiểu học Thượng Nung, Tổ trưởng phụ trách điểm trường Lũng Hoài dẫn tôi vào Lũng Chó để thấy rõ những khó khăn của người dân, nhất là nỗi nhọc nhằn của lớp trẻ trên đường tìm con chữ. Giữa bốn bề núi đá là một thung lũng khá bằng phẳng, thấp thoáng những mái nhà sàn lợp lá lụp xụp, những con người đang lầm lũi kiếm cỏ, kiếm rau rừng hoặc thu nốt vài quả bí đỏ trên nương. Lũng Chó không có ruộng cấy, người dân sống dựa chủ yếu vào một vụ ngô hàng năm, đời sống còn nặng tính tự cung tự cấp, chưa có điện lưới và sóng điện thoại.

Nhà chị Ngô Thị Xía và anh Hoàng Văn Giàng (đều sinh năm 1993) rất nghèo, nguồn thu từ việc trồng 9kg ngô giống một vụ nhiều lúc không đủ để bán mua gạo và chi tiêu lặt vặt. Năm học mới này, con lớn của anh chị là cháu Hoàng Thanh Diêu bước vào lớp 1, con nhỏ Hoàng Thị Thơ học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Chị Xía nói vẻ ngượng ngùng: Khó lắm nhưng phải cố gắng cho con đi học thôi, tiền đóng học vài trăm nghìn đồng cũng chưa có đâu, lại phải đi bộ đưa đón chúng hàng ngày nữa…

Cũng ở Lũng Chó, gia đình chị Ngô Thị Tống đã và đang có nhiều con đi học nhất. Trong khó khăn, vợ chồng anh chị “gồng mình” nuôi 4 người con ăn học, 2 cháu lớn học hết lớp 9 đã nghỉ; con thứ 3 vừa mới nhập học vào một trường chuyên nghiệp sau khi học hết lớp 9; con út là Hoàng Văn Inh bước vào lớp 6. Chị Tống bảo: Để đủ tiền đóng học đầu năm cho các con, cả nhà phải cùng nhau gánh ngô vài buổi xuống chợ bán. Giờ chúng lớn tự đi được chứ trước toàn phải đưa đón, cõng hoặc bế đi học… Thầy giáo Lương Thành Chính cho biết: Vì đường đến trường rất khó đi nên những năm học trước, hễ mưa là cháu Inh lại nghỉ học, có tuần chỉ đi học được một, hai buổi. Vì vậy, các thầy cô nhiều lần phải tranh thủ phụ đạo ngoài giờ để cháu theo kịp các bạn và chương trình học.

Trong điều kiện sống gần như tách biệt với bên ngoài, các gia đình đều nghèo nên học sinh ở Lũng Chó cũng như bản Lũng Hoài nói chung không có hè, vì phải phụ giúp gia đình đủ thứ việc. Hôm chúng tôi đến Lũng Hoài là thời điểm sắp đến ngày khai giảng nhưng cháu Lý Đồng Dạng (học sinh lớp 5) vẫn phải ngày ngày lên nương thu hoạch bí đỏ, kiếm củi, chăn bò cùng cha mẹ, không có thời gian ôn tập. Đeo gùi bí đỏ nặng trĩu trên vai, gặp người lạ, cháu ngượng ngùng, đưa tay quệt mồ hôi rồi khó nhọc bước đi. Mẹ cháu, chị Sùng Thị Sái bảo: Nó bé thế mà làm được nhiều việc lắm đấy…

Bản Lũng Hoài thành lập năm 1993 với khoảng 20 hộ người Mông đều di cư từ tỉnh Cao Bằng đến. Con em không được đi học vì đời sống kinh tế và đường sá quá trắc trở, nhiều người lớn cũng mù chữ. Năm 1995, do khát khao con chữ, lại được một thầy giáo tự nguyện đến dạy xóa mù, người dân Lũng Hoài góp tiền mua đất, lên rừng xẻ gỗ về dựng 2 phòng học tạm, đến năm 2000 thì mỗi hộ đóng góp thêm 1 triệu đồng để làm thêm 2 phòng học nữa. Có lớp, có thầy cô nhưng một số gia đình vừa do nhận thức, vừa bởi quá khó khăn nên không cho con đi học hoặc bắt chúng bỏ học giữa chừng. Các thầy cô giáo và cán bộ của bản phải nhiều lần lặn lội đến từng nhà vận động phụ huynh.

Trưởng bản Lý Văn Sinh cười bảo: Nói mãi thì họ cũng cho con đi học. Xưa thôi, giờ thì ít phải vận động như thế, người dân đều cho con đi học đúng tuổi, các cháu ít bỏ học giữa chừng, thường cố gắng học hết cấp 2. Năm học này, điểm trường mầm non có 20 cháu, điểm trường tiểu học có 27 cháu. Bản giờ đã có khá nhiều người học hết cấp 3, một số người còn đi học chuyên nghiệp.
Qua nhiều năm, cơ sở vật chất của 2 điểm trường mầm non và tiền học ở Lũng Hoài đã bị xuống cấp, gần đây được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và một số tổ chức thiện nguyện, các phòng học mới được xây dựng khá khang trang. Tuy vậy, vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ, phòng ở của giáo viên và khu nấu ăn bán trú cho học sinh vẫn tạm bợ, chưa có nhà vệ sinh, chưa có điện… Đời sống kinh tế của người dân tuy đã khá hơn nhưng bản vẫn còn 40/43 hộ nghèo (3 hộ cận nghèo) và vẫn có nhà thiếu gạo ăn. Đó là những khó khăn, thiệt thòi lớn đối với học sinh và cả giáo viên cắm bản ở đây. Không nhắc nhiều đến những vất vả, thầy giáo Lương Thành Chính (người có thâm niên xung phong cắm bản ở Lũng Hoài) bày tỏ sự lạc quan: Giai đoạn khó khăn nhất chúng tôi đã trải qua, giờ đây, dân bản cũng đã quan tâm nhiều đến việc học của con cái. Mong sao, các cấp, ngành có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa cho bản đặc biệt khó khăn này, để cải thiện điều kiện học tập cho các cháu.