Sự học ở Mỏ Ba

11:05, 13/09/2017

Cho xe máy ì ạch leo hơn 10km đường đèo dốc mấp mô với những khúc cua tay áo chúng tôi mới đến được Điểm trường tiểu học Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ). Ngắm nhìn những phòng học khang trang, sạch sẽ, chúng tôi hiểu các thầy, cô giáo ở đây đã phải cố gắng rất nhiều.

Anh Lăng Văn Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Long hôm nay được phân công đến điểm trường Mỏ Ba để theo dõi tình hình hoạt động trong những ngày đầu năm học. Đưa chúng tôi đi thăm quan cơ sở vật chất của điểm trường, anh chia sẻ: Hiện nay, Điểm trường Tiểu học Mỏ Ba có 78 em học sinh (chia làm 5 lớp) và 100% học sinh là dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông), còn lại là Dao, Tày, Nùng. Dù cơ sở vật chất của Điểm trường đã tốt hơn nhiều so với chục năm trước nhưng điều kiện dạy học của các giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn.

Mỏ Ba có gần 100% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó trên 70% là dân tộc Mông. Nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế nên đa phần đồng bào ít chăm lo cho con cái, không chú trọng tới việc học tập của con em mình. Sau các dịp nghỉ dài như nghỉ hè, Tết Nguyên đán các em thường nghỉ học rất nhiều. Tổ trưởng Tổ chuyên môn, cô giáo Triệu Thị Trinh kể: Một lớp có gần 20 học sinh nhưng chục năm nay hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải đến nhà để vận động các em đi học. Các cô giáo còn phải lên nương, vào rừng để vận động các em đến lớp. Như trường hợp của em Vương Văn Mông (lớp 5), một năm chúng tôi phải đến nhà 3 lần để vận động. Lần thứ nhất không nghe, lần thứ hai không gặp và phải đến lần thứ ba mới gặp được phụ huynh, các cô nói khéo mãi gia đình mới đồng ý cho em đi học.

Khác với trẻ em thành phố được gia đình nâng niu, chăm sóc thì trẻ em ở đây dù còn nhỏ tuổi đã phải giúp cha mẹ làm việc nhà. Nhiều em còn phải đi làm thêm tại các mỏ đá, mỏ quặng để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Như trường hợp của em Đào Văn Tu (lớp 5), mẹ bỏ đi từ khi em còn bé nên em sống cùng bố. Bản thân em chưa tự ý thức được việc học, trong khi bố em không quan tâm mà lại ủng hộ việc cho Tu đi làm thuê tại các mỏ quặng nên em bỏ học giữa chừng. Cô Triệu Thị Trinh tâm sự: Biết được hoàn cảnh của Tu, tôi đã đến vận động em đi học. Tuy nhiên, bố em không hợp tác đuổi tôi về. Một phần thương học sinh không được đến trường, một phần giận cha mẹ các em, tôi thấy nản lòng vô cùng nhưng vẫn động viên mình phải nhẫn nại. Hy vọng được học hành, sau này học sinh của tôi có cơ hội làm chủ cuộc đời mình.

Không chỉ lo vận động học sinh đến trường, các cô giáo còn quyên góp tiền để mua đồ dùng học tập cho các em. Cô giáo Phùng Thị Kiều (sinh năm 1989) cho biết: Bước vào năm học mới, do không được sự quan tâm của bố mẹ nên các em đều trong tình trạng thiếu vở và đồ dùng học tập. Vì thế năm nào giáo viên cũng phải quyên góp số tiền khoảng 2 triệu đồng/người để mua đồ dùng học tập cho các em. Năm nay, đã có một đoàn từ thiện đến tặng đồ dùng học tập (mỗi em 10 quyển vở, 10 chiếc bút, 1 chiếc áo mưa,…) nên số tiền quyên góp của chúng tôi đã giảm bớt đi.

Đối với các giáo viên ở Mỏ Ba, việc truyền dạy kiến thức cho học sinh gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các em mới vào lớp 1. Các em học sinh người dân tộc Dao, Tày, Nùng được bố mẹ quan tâm hơn nên đã biết giao tiếp bằng tiếng Kinh. Riêng học sinh người dân tộc Mông thì không biết nói tiếng Kinh. Cô Phùng Thị Kiều chia sẻ: Mới vào lớp 1, em nào cũng ngơ ngác không hiểu lời cô giáo giảng. Chúng tôi chỉ có thể dùng hành động, cử chỉ để hướng dẫn các em. Tuy những ngày đầu khá vất vả nhưng hầu như hết năm lớp 1 các em đều biết nói tiếng Kinh nên dễ dàng tiếp thu bài giảng hơn.

Hôm chúng tôi đến Điểm trường Mỏ Ba cũng là thời điểm trường bước vào ngày đầu tiên của năm học mới. Học sinh đến khá đông đủ, chỉ vắng có 6 em. Các thầy cô giáo bảo, hiếm khi trường có đông đủ học sinh đi học như hôm nay. Ở đây, học sinh chủ yếu đi bộ đi học, nhà em xa nhất cách trường 5km. Mỗi khi mưa xuống học sinh nghỉ nhiều hơn. Em nào đội mưa đến lớp thì ướt sũng, mặt mũi nhem nhuốc. Vì vậy, các cô giáo luôn phải chuẩn bị sẵn quần áo khô để đón các em.

Đến giờ ăn trưa, cô giáo và các em học sinh đều phải tự túc mang thức ăn từ nhà đi. Các cô giáo luôn phải dự trữ sẵn vài thùng mì tôm phòng khi các em không mang theo đồ ăn. Điều kiện vật chất của trường còn thiếu nhiều thiết bị dạy học, thiếu bếp ăn trưa và nước sinh hoạt.

Tuy điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả học tập năm 2016-2017 của các em rất khả quan, gần 100%  học sinh đã hoàn thành chương trình học. Trong đó số lượng được khen từng mặt là 19/76 em. Khi chúng tôi hỏi về mong muốn trong năm học này, anh Lăng Văn Thìn nói: Năm học mới chúng tôi chỉ mong phụ huynh không còn bắt trẻ phải đi nương, nhặt quặng… để thầy cô không phải tới nhà vận động nữa, mong đường được đổ bê tông để việc đi lại của giáo viên và học sinh thuận lợi hơn. Mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm, hỗ trợ sản xuất để 140 hộ dân ở xóm Mỏ Ba có cuộc sống tốt hơn, tạo điều kiện cho các em yên tâm tới trường.