Được triển khai trong ba năm qua, mô hình thư viện thân thiện do “Room to read” (một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ) tài trợ đã trở thành “điểm nhấn” trong chương trình xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Mô hình đã tạo hiệu ứng, định hướng văn hóa đọc, đem đến, sự hứng khởi cho học sinh, giáo viên và phụ huynh của các trường tiểu học trên địa bàn huyện Phú Bình.
Trong một lần về Trường Tiểu học Nga My 1 (xã Nga My), ngang qua phòng thư viện của trường, tôi bị cuốn hút ngay bởi hình ảnh rất đông các em học sinh chăm chú, trật tự ngồi đọc sách, truyện. Trong phòng, các kệ sách, bàn được sắp xếp gọn gàng, khoa học, trang trí đẹp mắt. Các em học sinh được chủ động chọn sách và chỗ ngồi đọc…
Em Nguyễn Trung Sơn, học sinh lớp 5C có mặt tại thư viện chia sẻ với chúng tôi: Đây là tiết đọc thư viện của lớp em, một tuần chỉ có 1 tiết nên chúng em tranh thủ tìm, đọc những quyển sách mà mình yêu thích. Chúng em rất vui khi thư viện của trường ngày càng có nhiều loại sách, truyện hay. Ngoài việc được tự do lựa chọn loại sách mình thích, chúng em còn được mượn sách về nhà đọc, một tháng được mượn từ 1-2 quyển, em rất thích đến thư viện của trường.
Theo Cô giáo Vũ Thị Phương, Hiệu trưởng Nhà trường: Trước kia, thư viện thường vắng bóng học sinh bởi số đầu sách trong thư viện không nhiều, chủ yếu là sách giáo khoa; cơ sở vật chất trong phòng đọc có nhiều đồ chưa phù hợp, giá, kệ sách cao hơn học sinh, bàn ghế không đồng bộ, không đáp ứng được việc đọc tại chỗ… khiến cho học sinh không thích thú. Khi thực hiện xây dựng thư viện thân thiện, nhờ việc trang trí đẹp mắt, sắp xếp khoa học thoáng mát, bàn đọc, sách, truyện phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học nên thư viện thực sự đã trở thành “sân chơi” bổ ích của học sinh trong trường.
Được biết, năm 2014, mô hình thư viện thân thiện do tổ chức Room to read (viết tắt là RTR) triển khai trên địa bàn huyện Phú Bình. 5 trường tiểu học: Đào Xá, Tân Khánh, Nga My 1, Úc Kỳ, Dương Thành được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện lựa chọn áp dụng. Đây đều là những trường có đông học sinh, thuộc các xã khó khăn về công tác thư viện. Tham gia mô hình này, mỗi trường học được RTR hỗ trợ 3 đầu sách/học sinh/năm; tặng các trang thiết bị như thảm, bàn đọc, kệ sách phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học; cán bộ quản lý nhà trường, cán bộ thư viện và đại diện phụ huynh học sinh được tham gia tập huấn về cách xây dựng, quản lý mô hình thư viện theo hướng thân thiện. Sau một thời gian triển khai, các thư viện trường học đã thực sự phát huy vai trò, là điểm đến lý tưởng của các em học sinh trong giờ giải lao.
Năm học 2015-2016, mô hình được nhân rộng ra thêm 10 trường tiểu học trên địa bàn. Tổng kinh phí RTR hỗ trợ cho 15 trường học thực hiện mô hình này là trên 1 tỷ đồng. Nhận thấy những hiệu ứng tích cực của việc xây dựng thư viện thân thiện, năm 2016-2017, dù không nhận được nguồn tài trợ của RTR, ngành Giáo dục huyện vẫn tiếp tục triển khai nhân rộng thêm ở 6 trường tiểu học của các xã: Bảo Lý, Bàn Đạt, Thượng Đình, Hà Châu, Xuân Phương, Tân Đức, nâng tổng số trường tiểu học trên địa bàn áp dụng mô hình này là 21/22 trường (còn Trường Tiểu học Thanh Ninh chưa áp dụng do Nhà trường chưa có thư viện). Khi triển khai, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn đều hưởng ứng nhiệt tình hoạt động này. Không chỉ có sự quan tâm từ các cấp, ngành, nhà trường, mà các bậc phụ huynh học sinh cũng cùng tham gia đóng góp, hoàn chỉnh cơ sở vật chất của thư viện.
Đơn cử như Trường Tiểu học Bảo Lý. Năm 2015, do ảnh hưởng bởi cơn bão, thư viện của Trường bị đổ sập, năm 2016, huyện Phú Bình đã đầu tư gần 700 triệu đồng xây dựng phòng thư viện cho Nhà trường. Những năm qua, nhà trường đã huy động từ các nguồn để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho thư viện. Riêng năm học 2016-2017, Nhà trường đã đầu tư 16 triệu, trong đó Quỹ cha mẹ học sinh đóng góp 7 triệu đồng. Ông Trần Văn Sâm, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh trường Tiểu học Bảo Lý cho biết: Tham gia lớp tập huấn, tôi hiểu được ý nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng thư viện thân thiện cho học sinh. Khi triển khai tới các bậc phụ huynh trong trường, mọi người đều rất ủng hộ chủ trương này. Có thư viện khang trang, tôi thấy các cháu học sinh trong trường chăm đọc sách hơn, có thêm nhiều tài liệu bổ sung kiến thức. Những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chung sức cùng nhà trường để hoàn thiện cơ sở vật chất thư viện ngày càng tốt hơn.
Ông Ngô Tiến Sinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình cho biết: Việc xây dựng thư viện thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong học sinh, nhất là ở bậc tiểu học là một trong những định hướng, mục tiêu của ngành Giáo dục. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai, huy động sự chung sức của nhà trường, cộng đồng để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các thư viện, giúp học sinh có môi trường học tập, rèn luyện tốt hơn.