Các trường đại học ngoài công lập hiện đang gặp phải thách thức lớn nhất là khó tuyển, hoặc không tuyển được sinh viên. Trước thực tế đó, nhiều trường đang tìm mọi nỗ lực để "hút" sinh viên, cũng là vì sự sống còn của mình.
Nỗ lực đổi mới đào tạo
Ngay đầu năm học mới 2017-2018, Trường Đại học Thành Đô đã tổ chức mời PGS, TS, Bác sĩ Phan Toàn Thắng, hiện đang là Giáo sư tại Trường đại học Y khoa Yong Loo Lin - Đại học Quốc gia Singapore, tới giảng bài, gặp gỡ với các giảng viên, sinh viên của trường. Bác sĩ Thắng được cả thế giới biết đến vì là người đầu tiên tìm ra công nghệ tách tế bào gốc từ cuống dây rốn.
TS Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường chú trọng hàng đầu phương pháp đào tạo sinh viên học đi đôi với hành, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thực hiện kết nối doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường. Tại lễ khai giảng năm học 2017-2018, trường Thành Đô cũng đã ký kết hợp tác đào tạo cùng sáu đơn vị giáo dục, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cũng giống như Trường đại học Thành Đô, Trường đại học Nguyễn Tất Thành trong những năm gần đây đẩy mạnh các hoạt động kết nối với các đơn vị, tổ chức để tạo môi trường thực tiễn cho sinh viên. Sinh viên có thể tham gia vào các mô hình nghiên cứu công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng trên thị trường, các mô hình khởi nghiệp… qua các đơn vị vệ tinh của trường như: Viện Công nghệ 4.0; Sàn tri thức Novelind; Viện Sinh học nông nghiệp…
Một trường hợp nữa là Trường đại học Thành Tây, sau quá trình 10 năm hoạt động đã quyết định “đổi chủ”, với 75% cổ phần thuộc về Công ty cổ phần Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE). Trường đại học Thành Tây cho biết sẽ áp dụng mô hình đào tạo mới từ đầu đối với sinh viên, nhằm mang lại những giá trị mới về học thuật và chất lượng theo tiêu chuẩn mới.
Tân Hiệu trưởng của trường, TS Đàm Quang Minh cho biết: "Trường đại học cần mang được hơi thở thời đại vào từng bài giảng, tiết học. Chương trình có sự cập nhật thường xuyên và có sự tham gia đào tạo từ doanh nghiệp. Chương trình của nhà trường được xây dựng trên ba nền tảng kiến thức, kỹ năng, thái độ. Giảng viên sẽ có 20 - 30% là các doanh nhân đến từ doanh nghiệp và sinh viên được khuyến khích giải quyết những bài toán của xã hội ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường…".
Đối với sinh viên mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2018, nhà trường sẽ áp dụng mô hình đào tạo mới từ đầu. Hiện nay, Trường đại học Thành Tây tập trung vào các khối ngành đào tạo chính gồm: chăm sóc sức khỏe, khoa học kỹ thuật, kinh tế, công nghệ truyền thông.
Mở rộng cơ hội việc làm
Nhìn chung, những vấn đề mà nhiều trường ngoài công lập đang gặp phải cũng là vấn đề của không ít các trường đại học công lập như: cơ cấu quản lý, quản trị các trường đại học chưa hiệu quả, chất lượng đào tạo của giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế… Nhưng các trường ngoài công lập còn gặp khó khăn hơn ở chỗ một số trường đại học quy mô nhỏ, đầu tư ít nên chất lượng thấp và khó phát triển. Đặc biệt, khó khăn hàng đầu của các trường ngoài công lập là việc khó tuyển, hoặc không tuyển sinh được sinh viên.
Số liệu đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng năm nay cho thấy có những trường đại học ngoài công lập không có thí sinh đăng ký, trường nào cao cũng thì nhận được ở mức một vài nghìn hồ sơ đăng ký. Mặc dù với phương thức tuyển sinh đa dạng, nhiều trường tuyển sinh không sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, nhưng số lượng tuyển sinh năm nay cũng không khả quan hơn so với những năm trước.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong tổng số gần 1.768.000 sinh viên của năm học 2016-2017, có tới 1.524.000 sinh viên theo học tại 170 trường công lập, chỉ có gần 244.000 sinh viên theo học tại 65 trường ngoài công lập (trong đó có 5 trường 100% vốn nước ngoài). Nhiều trường đang trong tình trạng không có sinh viên vào học. Một số trường đang có tình trạng bị mua đi bán lại trên bờ vực phá sản.
Trước thực tế đó, nhiều trường ngoài công lập đang nỗ lực theo nhiều cách thức để thu hút sinh viên, cũng chính là vì sự sống còn của mình.
Cách thức thường thấy là họ tập trung vào những vấn đề như: xây dựng chất lượng, nâng cao năng lực quản trị nhà trường; phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tổ chức cho sinh viên thực hành, gắn việc học lý thuyết với thực hành để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; thực hiện kết nối với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên ra trường…
Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Thành Tây cho biết, để thu hút sinh viên, trường sẽ đưa ra lộ trình về đầu ra, bởi hiện nay, xã hội vẫn coi việc làm là chỉ tiêu để đánh giá về một trường đại học. Bên cạnh đó, không chỉ là tỷ lệ việc làm - ông nhấn mạnh - yếu tố trưởng thành của sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhà trường hướng tới.
TS Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô cho biết, mục tiêu đào tạo mà trường hướng tới là: "Học thật - Thi thật - Ra trường làm thật". Để làm được điều này, trường đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên, trong đó, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi giảng viên, sinh viên, chương trình, giáo trình với các đối tác Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Đài Loan…, tạo cơ hội học tập, làm việc, tác động tích cực đến hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên.
Nếu trong thời gian tới, các trường ngoài công lập làm được đúng như những gì tuyên bố thì họ có thể sẽ trở thành những nhân tố quan trọng giúp cho môi trường giáo dục đại học năng động và phát triển tốt hơn.