Trong những năm qua, giáo dục bậc tiểu học của tỉnh đã và đang có sự chuyển biến tích cực, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và đặt nền móng vững chắc cho mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện. Nhiều phương pháp dạy học mới theo hướng tiếp cận và nâng cao năng lực người học, phát huy tính tích cực, sáng tạo của cho học sinh được các nhà trường áp dụng.
Vài năm trở lại đây, hệ thống các trường tiểu học của tỉnh đã tăng cường đổi mới phương pháp và hình thức dạy học như: Dạy học ngoài không gian lớp học, dạy học gắn liền với thực tế của địa phương, dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm thực tế. Đồng thời, nâng cao vai trò của hoạt động sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn tại các trường, giao cho các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề, chủ điểm phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương. Cùng với đó, tăng cường việc làm và sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học tự làm, tích cực tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và sinh hoạt chuyên môn… Nhờ đó, kỷ cương nền nếp, chất lượng dạy học ngày càng được nâng cao, không có hiện tượng học sinh không đạt chuẩn lên lớp.
Theo ông Nguyễn Hà Sơn, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục - Đào tạo): Năm học 2016-2017, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, việc áp dụng Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT, ngày 22-9-2016 thay Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28-8-2014 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về đánh giá học sinh tiểu học đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Ðể triển khai đến tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, Phòng đã chỉ đạo các trường tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của phụ huynh trong việc đánh giá học sinh. Bên cạnh đó, thông qua việc dự giờ, tiếp tục tư vấn, hỗ trợ để giáo viên nắm chắc Thông tư, chuẩn đánh giá, cách thức nhận xét, ghi nhận xét và thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, xếp loại học sinh.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ cho biết: “Để chất lượng dạy và học tốt, nhà trường và gia đình cần phối hợp quan tâm chăm lo cho các cháu, tạo được sự vui thích trong học tập, tránh áp lực về thành tích. Ngoài ra, giáo dục toàn diện về kiến thức và kỹ năng sống là một trong những nội dung quan trọng đối với học sinh, nhất là với học sinh tiểu học. Việc được tham gia các hoạt động nhóm, hoạt động tập thể, được đọc truyện, xem ti-vi, học âm nhạc... cùng các hoạt động ngoại khóa giúp các em bạo dạn hơn trong giao tiếp và phát triển toàn diện hơn”.
Kết quả năm học 2016-2017 cho thấy, số học sinh xếp loại phẩm chất, năng lực tốt toàn tỉnh vượt chỉ tiêu so với bình quân trung của cả nước và cụm thi đua trên 10%, trong đó chất lượng hoàn thành chương trình đạt trên 99%. Các giáo viên đã thay đổi về nhận thức và bước đầu chủ động, chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục trên cơ sở kế hoạch của cá nhân và tổ chuyên môn lập ra. Học sinh đã quen dần với việc tự học, tự trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu tài liệu để có được kiến thức phù hợp yêu cầu thực tiễn. Phẩm chất và năng lực học sinh có sự chuyển biến, ý thức tự giác, tự chủ, năng lực giao tiếp, hợp tác, tự đánh giá được hình thành và phát triển…
Đặc biệt, năm học 2016-2017, giáo dục bậc tiểu học của tỉnh được xếp thứ 5 trong toàn quốc, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu và được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Bằng khen. Trong đó, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt so với chỉ tiêu chung của cả nước cũng như cụm thi đua các tỉnh trong khu vực. Toàn bộ 227 trường trên địa bàn tỉnh đều triển khai học tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục, trong khi bình quân trung cả nước mới đạt 52%. Mô hình trường học mới đã có 81 trường triển khai thực hiện, đạt gần 36%, trong khi bình quân chung cả nước mới đạt 29%; số học sinh các lớp 3,4,5 được học tiếng Anh đạt tỷ lệ gần 98%, cao hơn bình quân chung cả nước trên 10%. Số học sinh lớp 3,4,5 được học tin học đạt tỉ lệ gần 75%, trong khi tỷ lệ này cả nước mới đạt 54%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm trên 94%, cao hơn bình quân trung cả nước 40%.
Năm học 2016-2017, nhiều học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh đã tham gia và đoạt giải tại các cuộc thi giải Toán, Olympic tiếng Anh trên Internet. Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng được các nhà trường thực hiện đổi mới với các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm, các hoạt động giao lưu… nhằm giáo dục truyền thống dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho học sinh và tạo cơ hội cho các em tham gia tích cực, tự giác vào các hoạt động xã hội… Công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, thư viện đạt chuẩn tiếp tục được các trường tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả tốt, tạo được môi trường giáo dục lành mạnh và thân thiện đối với học sinh.
Với những kết quả đạt được, giáo dục tiểu học đã và đang tạo đà vững chắc để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Đây cũng là việc cụ thể hóa chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó giáo dục bậc tiểu học phải tạo nền móng vững chắc phát huy tính tích cực, sáng tạo trong học tập cho học sinh.