Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Khuyến học, ngành Giáo dục với các địa phương, đơn vị, các tổ chức đoàn thể… phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh đã trở thành hoạt động thường xuyên, khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội.
Ngày 13-4-2007, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/BCT về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/BCT của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 20-CT/TU của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai tới cán bộ chủ chốt các cấp. Công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được thực hiện thường xuyên. 10 năm qua, công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội không ngừng phát triển sâu rộng và vững chắc. 100% các huyện, thành, thị xã và 180 xã, phường, thị trấn đều có Hội Khuyến học, tổ chức Hội phát triển đa dạng ở các địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp... Tổng số chi hội khuyến học cơ sở và số hội viên tăng nhanh qua các năm.Đến tháng 6 năm 2007, toàn tỉnh đã có 3.016/3.031 chi hội ở các xóm, bản, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 99,5%; số hội viên hiện có là 337.000 người, đạt 28 % so với số dân (cao hơn tỷ lệ bình quân 15% của cả nước).
Phong trào xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH), dòng họ hiếu học (DHHH), cộng đồng khuyến học (CĐKH) được phát động từ năm 2004 và nhanh chóng nhân rộng, phát triển mạnh mẽ. Năm 2007, toàn tỉnh có 86.746 hộ gia đình dăng ký trở thành GDHH (65% đạt danh hiệu GDHH). Từ năm 2015, thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phong trào xây dựng GĐHH, DHHH, CĐKH được phát triển theo tiêu chí danh hiệu Gia đình học tập (GĐHT), Dòng họ học tập (DHHT), Cộng đồng học tập (CĐHT). Đến tháng 6 năm 2017, toàn tỉnh bước đầu đã có 147.500 số gia đình được công nhận (bằng 48,3% tổng số gia đình). 477 dòng họ đã được công nhận (bằng 71, 2% số dòng họ). 1.277 cộng đồng (xóm, bản, tổ dân phố) được công nhận, bằng 42,1% số cộng đồng trên toàn tỉnh. Thái Nguyên đã thực hiện vượt chỉ tiêu về công nhận GĐHH, DHHT, CĐHT của Trung ương Hội đề ra cho năm 2017.
Trong 10 năm qua, hoạt động khuyến học, khuyến tài được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Hội Khuyến học các cấp đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng… tuyên truyền, vận động tạo nguồn lực để khen thưởng học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, các em có thành tích cao trong học tập, các em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và các thầy cô giáo đạt thành tích cao trong công tác. Việc khen thưởng con em học giỏi được các gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ dân cư… tiến hành cuối mỗi năm học đã góp phần động viên tinh thần hiếu học của các em. Đặc biệt là từ năm 2013 đến nay, hằng năm tỉnh ta đều tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường, vì em hiếu học”. Qua 5 năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ 67.282 lượt học sinh nghèo với tổng số tiền là 20.615.435.000đ. Trong đó, riêng Công ty Viễn thông quân đội Viettel Thái Nguyên đã hỗ trợ học sinh nghèo ở các xã vùng 135 với số tiền 3 tỷ đồng. Trong việc khen thưởng học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh nghèo, Hội Khuyến học các cấp đứng ra làm nhiệm vụ tổ chức chương trình và mời các nhà tài trợ đến trực tiếp trao cho từng học sinh nên các chương trình được thực hiện công khai, minh bạch và được lòng tin của xã hội.
Không chỉ quan tâm đến việc học tập của con em, Hội Khuyến học còn quan tâm đến việc học tập của người lớn bằng việc vận động xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng. Từ năm 2005, 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập được trung tâm học tập cộng đồng. Với vai trò của mình, Hội Khuyến học tham gia vận động bà con đến học các lớp chuyên đề khác nhau theo nhu cầu cần gì học nấy; vận động cán bộ kỹ thuật, giáo viên tham gia làm báo cáo viên và chủ tịch Hội Khuyến học cơ sở trực tiếp tham gia quản lý, điều hành để nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm.
Nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/BCT và Chỉ thị số 20-CT/TU, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển bền vững. Phong trào đã góp phần xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công nhân viên chức; phổ biến khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, nhằm nâng cao dân trí, hỗ trợ và khuyến khích phát triển tài năng, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian tới cần phát triển phong trào khuyến học đồng đều hơn nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, trong cơ quan, doanh nghiệp; cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của việc xây dựng xã hội học tập.