Nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDÐH), ngày 8-6-2017, Quốc hội thông qua đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật GDÐH. Ngày 11-8-2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1183/QÐ-TTg, giao Bộ Giáo dục và Ðào tạo xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH.
Luật GDÐH được ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ năm 2013, góp phần cụ thể hóa các quy định về GDÐH, để các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ sở đào tạo áp dụng thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Sau 5 năm, với sự thay đổi nhanh chóng trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, Luật GDÐH đã bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng quá trình đổi mới GDÐH.
PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ÐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, Luật Giáo dục năm 2005 và Luật GDÐH năm 2012 bộc lộ rõ năm bất cập, đó là: Các mô hình cơ sở GDÐH chưa được quy định rõ ràng và đầy đủ; mô hình ÐH, trường ÐH hay học viện chưa được định nghĩa và phân biệt rõ ràng, dẫn đến sự vận dụng tùy tiện, thiếu nhất quán, không tương thích với quốc tế… Thứ hai, sự thiếu nhất quán và chưa hội nhập về ngôn ngữ, điển hình là thuật ngữ ÐH được dùng trong nhiều tên gọi khác nhau (giáo dục ÐH, ÐH, trường ÐH, bằng ÐH) nhưng lại với nghĩa hoàn toàn khác nhau, bằng tốt nghiệp ÐH ngành kỹ thuật thì gọi là kỹ sư, kiến trúc sư, ngành y, dược thì gọi là bác sĩ, dược sĩ, cử nhân, một số ngành thì gọi là bằng ÐH… Thứ ba, các chức danh giảng viên GS, PGS… chưa được quy định, định nghĩa rõ ràng dẫn đến quan niệm khác nhau về các chức danh này với các chức danh giảng viên khác. Thứ tư, cơ chế quản trị ÐH, vai trò của bộ chủ quản và của hội đồng trường, quyền và trách nhiệm của các cơ sở GDÐH chưa được làm rõ. Thứ năm, cơ chế tài chính cho GDÐH chưa được quy định rõ trong luật, gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở GDÐH, nhất là khi được giao cơ chế tự chủ.
Theo GS,TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường ÐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Luật GDÐH quy định phải phân tầng nhưng mới chỉ dừng lại ở bước kiểm định chất lượng. Việc quy định hội đồng trường chưa rõ ràng, nhất là tiêu chuẩn chức danh chủ tịch hội đồng trường không cụ thể. Các quy định về giảng viên có liên quan đến Luật Lao động, dẫn đến việc ký hợp đồng còn nhiều thủ tục mang tính hành chính, mất thời gian. Ðại diện Bộ Công thương (đang quản lý chín trường ÐH) đánh giá, Luật GDÐH hiện hành còn một số quy định chưa phù hợp, thiếu cụ thể, chưa đáp ứng được thực tiễn quản lý. Thí dụ, quy định tự chủ trong cơ sở GDÐH là điều quan trọng khi triển khai luật, nhưng còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa thật sự gắn liền với đổi mới quản trị ÐH và trách nhiệm giải trình xã hội.
Ðể thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật GDÐH hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn đổi mới, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những quy định cụ thể. Từ thực tiễn trong đào tạo ngành y tế, Phó Cục trưởng Khoa học, Công nghệ và Ðào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi cho rằng: Khi sửa đổi, Luật GDÐH cần quy định đặc thù đào tạo y tế, để có cơ sở thực hiện trong thực tiễn. Ðào tạo ngành y có hai bộ phận quan trọng là đào tạo tại trường và đào tạo lâm sàng tại cơ sở y tế. Vì vậy, nội dung này cần được thể chế hóa trong Luật GDÐH. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dù đã được chỉnh sửa, cập nhật, nhưng chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn chưa cụ thể, cho nên cần xác định theo tiêu chí của từng ngành đào tạo. Hiện nay, nhiều trường ÐH đa ngành cũng đào tạo khối ngành sức khỏe, nhưng có sự chênh lệch về năng lực so với các trường đào tạo chuyên ngành.
TS Nguyễn Ðức Nghĩa, Phó Giám đốc ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh kiến nghị, sửa đổi luật cần chi tiết, rõ ràng, minh bạch sẽ tránh được kiện tụng, vướng mắc, khó giải quyết khi thực thi. Hiện nay, nhiều trường vi phạm pháp luật, nhưng chế tài xử lý không rõ, gây nên nhiều bất cập. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Các trường ÐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung luật, cần định hướng hình thành một hệ thống GDÐH phân tầng, thống nhất, đa dạng và hiệu quả, khẳng định việc tạo thuận lợi để phát huy tự chủ và trách nhiệm của cơ sở GDÐH; triệt tiêu mọi vấn đề mang tính xin - cho trong quá trình thực thi, cũng như khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với GDÐH.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Bùi Văn Ga, thời điểm Luật GDÐH năm 2012 được ban hành, đã có những bàn thảo kỹ lưỡng, quy định nhiều điểm mới, với mục tiêu cốt lõi nâng cao chất lượng GDÐH. Tuy nhiên, quá trình triển khai bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi. Luật sửa đổi sắp tới cần xác định rõ việc lập hội đồng trường với mục tiêu thực hiện tự chủ; xác định mô hình trường ÐH mới sắp tới thế nào cho phù hợp; quy hoạch mạng lưới ra sao. Luật mới sẽ có hiệu lực thi hành lâu dài, không phải một vài năm, cho nên cần đặt nền tảng pháp lý, đặt đường hướng đổi mới cho tương lai. Việc sửa đổi luật phải dựa trên tinh thần đánh giá những mặt được và những điểm yếu cần khắc phục để bổ sung phù hợp tình hình mới trong GDÐH…