Đồng thời thực hiện hai giải pháp chống quá tải và tinh giản biên chế các trường học

11:05, 07/12/2017

Không tăng biên chế, nhưng vẫn bảo đảm ổn định quy mô trường lớp và hạn chế quá tải trong các cơ sở giáo dục công lập, nhất là bậc học mầm non, đó là một trong những yêu cầu cấp thiết cho năm 2018. Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh, theo cơ chế khoán định mức sẽ là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo thống kê của toàn ngành Giáo dục, năm học 2017-2018, các địa phương đang thực hiện dạy học và chăm sóc 2.907 nhóm, lớp mầm non, 3.640 lớp tiểu học, 1.866 lớp trung học cơ sở, 848 lớp trung học phổ thông. Số lượng biên chế giáo viên, nhân viên đáp ứng đủ quy mô trường, lớp, lượng học sinh này là 7.312 biên chế cấp mầm non (tăng 1.542 biên chế so với số đã giao); 7.021 biên chế cấp tiểu học (tăng 483 biên chế); 5.245 biên chế cấp THCS; 2.453 biên chế THPT (tăng 132 biên chế). Tuy nhiên, theo quy định giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tỉnh là 5.770 biên chế với bậc mầm non, 6.538 biên chế bậc tiểu học và 7.566 biên chế bậc THCS và THPT. Trên thực tế, để đáp ứng số lớp,nhóm mầm non, lớp tiểu học, THCS tăng theo từng năm, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện hợp đồng thêm giáo viên để đảm nhận công tác giảng dạy tại các nhà trường.

Năm học 2016-2017, để giải quyết tình trạng vượt định mức, quá tải, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về số lượng và hỗ trợ kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng làm giáo viên nhân viên các trường tiểu học, mầm non công lập. Số hợp đồng là 3.036 người gồm giáo viên mầm non, tiểu học và nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp năm 2017-2018, trong đó ghi rõ: “Có kế hoạch, biện pháp giải quyết dứt điểm trong năm 2018 số công chức, viên chức, người lao động vượt quá số biên chế được giao… Đối với lĩnh vực giáo dục phổ thông, do số lượng học sinh tăng mà cần thiết phải thành lập trường mới thì ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế được giao”. Như vậy, phương án hợp đồng đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát sinh năm học 2017-2018 là không thể thực hiện.

Để hạn chế quá tải và thực hiện giảm biên chế 2,5% các bậc học (496 biên chế), UBND tỉnh đã xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí đối với công tác giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập năm 2018, trong đó thực hiện cơ chế khoán định mức kinh phí. Điểm mới trong phương án này chính là khoán định mức kinh phí, thay vì cấp kinh phí theo số lượng hợp đồng như trước đây. Định mức khoán cũng được nới rộng, nâng cao tính chủ động cho các nhà trường trong việc quản lý, tuyển dụng và sử dụng lao động. Khoảng thời gian hưởng hỗ trợ này áp dụng 10 tháng trong năm cho mỗi lao động.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế là hoàn toàn đúng đắn. Việc tỉnh hỗ trợ chính là sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục, trong khi nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế và phải bảo đảm an sinh xã hội trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu phướng án hỗ trợ kinh phí cho năm 2018 được áp dụng thì đối với nhà trường sẽ có những thuận lợi, như: Chủ động tuyển dụng và cân đối nguồn nhân lực hiệu quả để sử dụng khoán định mức kinh phí tốt sẽ góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người lao động. Theo cơ chế khoán theo chỉ tiêu của lớp học và giáo viên như trước, khi thiếu giáo viên thì các trường phải chờ, đợi các thủ tục xét tuyển, phân bổ kinh phí cấp trên, nên kông kịp thời. Trường Mầm non Đồng Quang thiếu 10 giáo viên từ tháng 1-2017, nhưng theo cơ chế cũ thì đến tháng 10-2017 Trường mới được tiếp nhận đủ. Nhưng nếu theo cơ chế mới, nếu thiếu thì hiệu trưởng có thể ký hợp đồng 10 tháng được ngay và giải quyết được tình trạng quá tải trong các lớp”.

Còn cô Lưu Thị Bích Hân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trại Cau (Đồng Hỷ) cho rằng: “Trước đây cơ chế khoán định mức là 2,0, nghĩa là cứ 4 lớp thì tương ứng với 8 giáo viên, nay nâng lên 2,5 thì định mức khoán tăng lên thành 10 giáo viên, như vậy sẽ giảm áp lực quá tải trong một lớp. Về lý thuyết sẽ không còn tình trạng một lớp có đến 45 trẻ (3-4 tuổi), trong khi quy định trường chuẩn chỉ là 25-30 trẻ. Như vậy chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên. Bên cạnh đó việc nâng hệ số mức lương cơ sở sẽ cải thiên thu nhập giáo viên và nhân viên. Trước đây nhân viên nấu ăn được tính hệ số 1,5 tương đương 1,75 triệu đồng/tháng, nay nâng lên 1,85 sẽ tương đương khoảng trên 2,1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất là về nguồn tuyển dụng. Cơ chế thì rất ưu việt và thực sự là quan tâm cho sự nghiệp, nhưng tính bền vững không cao, khi các lĩnh vực lao động khác luôn thu hút bằng các hình thức trả lương cao, không yêu cầu bằng cấp chuyên môn. Mà nói đến nâng cao chất lượng giáo dục thì không thể tính theo hợp đồng thời vụ. Giáo viên phải thường xuyên, liên tục được rèn luyện trong một môi trường sư phạm có tính ổn định”.