Kỹ năng “mềm” – Điều kiện cho sinh viên khởi nghiệp

10:30, 20/12/2017

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại khá, anh Phạm Văn Duy - sinh viên Khoa Công nghệ Hóa, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) nghĩ rằng mình sẽ tìm được một việc làm tốt, mức lương cao. Thế nhưng khi đi phỏng vấn tuyển dụng, anh đã bị thất bại do thiếu nhiều kỹ năng “mềm” cần thiết. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng anh Duy mà là tình trạng chung của không ít sinh viên đã ra trường và bắt đầu khởi nghiệp hiện nay.

Anh Phạm Văn Duy nhớ lại: “Ra trường được 2 tháng, tôi cùng bạn bè nộp đơn xin việc vào Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Tuy  nhiên, khi bước vào phòng phỏng vấn, tôi cảm thấy lo sợ vì thiếu quá nhiều kỹ năng về: thuyết trình, giao tiếp, tin học văn phòng… Do vậy, dù đã chuẩn bị trước những câu hỏi cần thiết nhưng tôi vẫn run, trả lời ấp úng và bị đánh trượt. Đến nay đã hơn nửa năm ra trường, tôi nộp hồ sơ xin việc khắp nơi và vẫn đang chờ các công ty gọi đi làm”.

Học cùng lớp với Duy, sau khi ra trường anh Nguyễn Xuân Thái định xin vào Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên nhưng nhận thấy mình còn thiếu kỹ năng về chuyên môn và giao tiếp nên đã rút lại hồ sơ. Anh Thái nói: Tôi quyết định dành 2 năm tới để học cao học, đồng thời tự mình trang bị thêm các kỹ năng “mềm” để có thể tự tin hơn khi đi xin việc lần sau.

Có một thực tế đáng buồn hiện nay là tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng cao, đặc biệt là ở các ngành khoa học cơ bản. Một trong những nguyên nhân khiến họ bị “đánh bại” ở khâu tuyển dụng là còn thiếu và yếu ở các kỹ năng giao tiếp, trả lời phỏng vấn, nhiều bạn trình độ tin học văn phòng hạn chế. Nguyên nhân là khi học ở trường chuyên nghiệp, các sinh viên chỉ chăm chăm vào chuyên môn, ít áp dụng những lý thuyết đã học vào cuộc sống, cũng chưa coi trọng rèn luyện kỹ năng “mềm” cho bản thân.

Anh Hoàng Văn Cường, Chuyên viên nhân sự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: “Nhiều sinh viên đến ứng tuyển tại Ngân hàng có chuyên môn tốt, bảng điểm đẹp, nhưng không đạt yêu cầu tuyển dụng. Trải qua các vòng phỏng vấn, họ bộc lộ những yếu kém trong khả năng làm việc nhóm, thuyết trình và giao tiếp với khách hàng chưa thành công. Với tư cách là một nhà tuyển dụng, tôi đánh giá cao những người vừa chắc kiến thức chuyên môn, vừa có kỹ năng “mềm” tốt để giải quyết các tình huống trong công việc, đặc biệt phải phù hợp với vị trí ứng tuyển”.

Kỹ năng “mềm”là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng của mỗi người như: giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, quản lý thời gian... Những kỹ năng này là điều kiện cần thiết mà bất cứ ai cũng cần hoàn thiện để giúp bản thân tự tin và nắm bắt được nhiều cơ hội phát triển trong cuộc sống. Với mong muốn nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, trong những năm gần đây, một số trường đại học trên địa bàn tỉnh, trong đó có Trường Đại học Khoa học đã chú trọng đổi mới công tác đào tạo để phát triển toàn diện kỹ năng cho sinh viên trước khi tốt nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Từ 2015, chúng tôi đều tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm để sinh viên có cơ hội được trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng, giúp sinh viên hiểu được bản thân đang còn thiếu những kỹ năng gì. Với những khóa sinh viên mới nhập học, Trường sẽ cung cấp các thông tin về quá trình học tập, cách giải quyết những vấn đề xã hội, trang bị cho họ những kỹ năng đầu tiên trên giảng đường đại học. Trong quá trình học tập, sinh viên được định hướng tham gia các câu lạc bộ, hoạt động đoàn, hội để rèn luyện sự tự tin, nâng cao khả năng giao tiếp, cách làm việc tập thể… Trước khi tốt nghiệp, Trường còn mời nhà tuyển dụng đến nói chuyện, hướng dẫn cho sinh viên cuối khóa các kỹ năng xin việc, viết đơn xin việc, trả lời phỏng vấn…”.

Chị Mai Thị Ngọc An, chuyên viên phòng đào tạo, phụ trách tư vấn và hỗ trợ sinh viên, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) phấn khởi khi nhắc đến thành quả của trường: “Từ năm 2010, Trường kết hợp với các trung tâm đào tạo kỹ năng “mềm” mở được 10 khóa đào tạo các kỹ năng cho sinh viên. Trường mở phần mềm quản lý, khuyến khích đoàn viên tham gia các hoạt động đoàn, hội. Mỗi sinh viên tham gia sẽ được tích điểm, là cơ sở để xét điểm rèn luyện và sinh viên 5 tốt. Đặc biệt, từ năm 2017, Trường đã đưa môn Kỹ năng “mềm” vào giảng dạy ở tất cả các chuyên ngành. Kết quả đáng mừng là 5 năm gần đây, 80% sinh viên của Trường tốt nghiệp đều đã có việc làm”.

Trước sự đòi hỏi gắt gao của các nhà tuyển dụng, gần đây, nhiều sinh viên đã nhận thức được kỹ năng “mềm” là chìa khóa quan trọng để thuyết phục nhà tuyển dụng và chủ động tham gia hoạt động xã hội, đăng ký học các lớp kỹ năng do trường tổ chức. Bởi vậy mà sau khi ra trường họ đã kiếm được những công việc ưng ý. Tốt nghiệp Khoa Chăn nuôi thú y, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên), chị Bùi Thị Ngọc Quỳnh đã có được công việc mà nhiều người mơ ước ở Công ty Japfa Comfeed Việt Nam với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ: “Trong Hội chợ việc làm do Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức, qua nhiều vòng phỏng vấn, tôi đã chuẩn bị rất kỹ những kiến thức chuyên môn để hoàn thành tốt các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Nhưng thật bất ngờ, Giám đốc công ty chủ yếu hỏi tôi về kỹ năng sống, sự kiên trì, khả năng chịu áp lực công việc, nhiệt huyết của bản thân… Nhờ những kỹ năng “mềm” đã rèn luyện được qua nhiều hoạt động tình nguyện hè của Khoa, các công việc làm thêm, mà tôi đã tự tin khẳng định mình sẽ trở thành một nhân viên tiềm năng của công ty trong tương lai”.

Kinh tế phát triển mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho mọi người. Và một điều tất nhiên là để đáp ứng đủ yêu cầu về trình độ, kỹ năng của nhà tuyển dụng, có một công việc tốt với mức thu nhập cao, bên cạnh việc học tập trang bị kiến thức chuyên môn, mỗi sinh viên cần phải tự trang bị cho bản thân các kỹ năng “mềm” phù hợp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường…