Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến hết tháng 6-2018 các trường đại học (ĐH) phải hoàn tất việc đánh giá và công nhận kiểm định chất lượng cấp cơ sở. Việc tham gia kiểm định đã trở thành vấn đề “sống còn” với nhiều trường. Thế nhưng, đã có những trường ĐH từ chối chọn đối tác kiểm định trong nước. Phải chăng, các đơn vị này chưa đủ uy tín?
Cuộc đua cấp tập
Theo Thông tư số 12/2017 của Bộ GD&ĐT quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH, đến hết tháng 6-2018 các trường ĐH phải hoàn tất việc đánh giá và công nhận kiểm định chất lượng cấp cơ sở. Kết quả này là một trong các tiêu chí xem xét hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ, thực hiện phân tầng xếp hạng, giao quyền tự chủ và sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục. Trường tham gia kiểm định nhưng chưa được công nhận sẽ bị hạn chế quyền tự chủ, ba năm liên tục không đạt chuẩn sẽ bị áp dụng chế tài hạn chế hoặc đình chỉ tuyển sinh.
Với quy định này thì việc tham gia kiểm định đã trở thành vấn đề “sống còn” với nhiều trường. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 30-6, cả nước có 208 cơ sở giáo dục ĐH được thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng năm 2017. 24 cơ sở giáo dục ĐH khác do đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15-4-2017 nên được miễn thẩm định. Mục tiêu đến hết năm 2017 kiểm định 35% số trường ĐH và 10% số trường CĐ sư phạm.
Hiện nay có bốn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội); Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam); Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Đà Nẵng) và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Với số lượng trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ít ỏi như vậy, nên nhiều ý kiến e ngại công tác kiểm định không đạt được mục tiêu Bộ GD&ĐT đề ra. Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, kiểm định là việc đáng lẽ phải làm từ lâu. Giáo dục ĐH là một lĩnh vực có điều kiện, đơn vị nào đã qua kiểm định mới được phép cung cấp dịch vụ cho xã hội. “Mình hoạt động rồi mới kiểm định là ngược. Hiện cả nước chỉ có bốn trung tâm kiểm định, trong khi số lượng trường đông (271 trường) thì không biết bao giờ mới kết thúc và việc kiểm định lại mang tính hình thức khiến các trường dùng dằng không muốn làm. Đến khi Bộ “thúc” thì một loạt trường “tăng tốc” nên dễ rơi vào tình trạng tháo khoán”, ông Tùng cảnh báo.
Còn PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng các trường phải xác định mục tiêu kiểm định không phải là để đạt hay không đạt mà là thông qua hoạt động kiểm định để nhận thức mình còn yếu chỗ nào, từ đó có kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo.
GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cũng cho rằng thật ra kiểm định chỉ là một thủ tục có tính pháp lý, còn để tạo được uy tín, vị thế trong hệ thống giáo dục ĐH thì các trường phải làm rất nhiều việc khác, phải phát triển theo xu hướng thúc đẩy chất lượng. “Cũng sẽ có chuyện “mượn” kiểm định để đánh lừa dư luận xã hội nhưng cũng chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn. Thực tế cho thấy, việc chọn trường hiện nay của thí sinh không phải vì kết quả kiểm định mà là dựa trên hiệu quả thực tế đào tạo của mỗi trường”, GS Sơn nhìn nhận.
Vì sao “bụt chùa nhà không thiêng”?
Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH được lựa chọn tổ chức kiểm định trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD&ĐT công nhận để kiểm định chất lượng. Nhưng hiện tại, có hai cơ sở giáo dục ĐH là Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng không hợp tác để thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Theo một lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường này đang kiểm định theo chuẩn HCERES (Hội đồng quốc gia giáo dục Pháp) và chuẩn AUN-QA (Mạng lưới các trường ĐH Đông - Nam Á). Vị lãnh đạo này cho biết, trước đây trường này từng là một trong những đơn vị đăng ký kiểm định trong nước sớm nhất và đã hoàn tất hồ sơ tự đánh giá từ năm 2007. Nhưng đến nay, dù đã trải qua 10 năm Bộ vẫn chưa triển khai đánh giá ngoài. Từ năm 2015 sau khi được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, trường đã quyết định chỉ kiểm định nước ngoài theo đúng chủ trương khuyến khích kiểm định quốc tế để hội nhập của Chính phủ.
Lý giải quyết định trên, Trường ĐH Tôn Đức Thắng nêu ba nguyên nhân: “Kiểm định quốc tế để thực hiện hội nhập quốc tế, là thực hiện chủ trương khuyến khích kiểm định quốc tế của Nhà nước. Hơn nữa, trường không tin cách kiểm định hiện nay của Bộ”.
Theo vị lãnh đạo nêu trên, kiểm định trong nước hiện nay cần phải chấn chỉnh từ tiêu chí đến quy trình, quy định. Có những trường cơ sở vật chất không đủ, thuê mướn nhiều nơi vẫn đạt chuẩn. “Cách kiểm định hiện nay của Bộ khiến nhân dân khó tin được. Những trường ĐH đàng hoàng sẽ không tham gia và đó là quyền tự chủ của họ. Bộ không có quyền bắt buộc các trường phải đi theo hệ thống kiểm định của Bộ. Khi đó trường tốt sẽ chọn tổ chức kiểm định đẳng cấp, trường trung bình và yếu hơn sẽ chọn tổ chức dễ dãi hơn”, người này nhấn mạnh.
Đại diện trường này cho biết thêm, trong vòng hai năm, trường phải đón 12 đoàn kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, ban, ngành làm việc với trường.
Theo Thông tư số 12/2017 của Bộ GD&ĐT, bộ tiêu chuẩn đánh giá một trường ĐH gồm 25 tiêu chí về chiến lược, hệ thống, thực hiện chức năng và kết quả đạt được. Đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng phải có ít nhất một khóa sinh viên tốt nghiệp, tham gia đánh giá ngoài và sau khi thẩm định phải có điểm trung bình các tiêu chuẩn từ 3,5 trở lên và không tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, bộ tiêu chuẩn và cách thực hiện còn nhiều hạn chế.
Đơn cử, khác với hệ thống các trường ĐH trên thế giới, một số trường ĐH ở nước ta còn đào tạo cả bậc THPT, trung cấp và cao đẳng. Mỗi bậc học sẽ có mục tiêu, chiến lược khác nhau. Khi đó, việc sử dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dành cho cơ sở giáo dục ĐH (được quy định trong Thông tư 12/2017) cho các trường ĐH có dạy cả THPT sẽ là không phù hợp.
Đừng để “quân ta đánh giá quân mình”
Theo TS Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam: “Nếu để các trung tâm kiểm định thuộc ĐH kiểm định, tôi cho rằng tác động còn thấp hơn trước đây. Trên thế giới không có chuyện ĐH này kiểm định trường ĐH khác mà phải là các tổ chức độc lập. Ở các nước, nếu giao kiểm định độc lập thì độc lập từ bộ tiêu chuẩn kiểm định. Còn chúng ta hiện nay chỉ có một bộ tiêu chuẩn kiểm định nhưng sử dụng chung cho bốn cơ quan khác nhau. Vì vậy nên có nhiều bộ tiêu chuẩn để phù hợp với nhiều loại trường khác nhau”.
Còn theo GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, lẽ ra phải làm như các nước, tổ chức kiểm định là những đơn vị độc lập, nằm ngoài các đơn vị GD&ĐT. Việt Nam hiện có bốn trung tâm, trong đó có tới ba trung tâm là trực thuộc các đơn vị ĐH, thành thử việc kiểm định là “quân ta đánh giá quân mình”.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nếu cơ quan kiểm định thiếu đội ngũ chuyên gia, hoạt động không nghiêm túc… thì chất lượng kiểm định cũng sẽ thấp. Hiện nay không có chế tài xử lý các cơ sở kiểm định nếu kiểm định không trung thực, khách quan. “Các trung tâm kiểm định có quyền rất lớn. Quyền to thì trách nhiệm phải lớn, vì thế cần có các quy định chặt chẽ kèm theo chế tài về tổ chức hoạt động của các cơ quan này”, GS Thiệp đề nghị.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cũng đặt vấn đề: “Tổ chức kiểm định đi kiểm định các trường, vậy ai kiểm các tổ chức kiểm định?”. Theo ông Tùng, tổ chức kiểm định cần được các đơn vị chức năng và xã hội giám sát. Muốn thế thì bộ tiêu chí kiểm định đừng có quá nhiều tiêu chí như hiện nay vì xã hội dẫu muốn cũng chẳng biết giám sát kiểu gì. “Các tiêu chí phải hết sức rõ ràng, để xã hội có thể giám sát được. Thí dụ, nói trường phải có tầm nhìn và sứ mệnh thì cơ sở kiểm định đánh giá kiểu gì chẳng được và xã hội sẽ giám sát cái gì ở tiêu chí này, khi mà nó chẳng đo đếm được cái gì”, ông Tùng nói.
GS Thiệp thì lo ngại: “Dự thảo quy định về kiểm định có yêu cầu trường nào muốn kiểm định phải ký hợp đồng kinh tế với cơ quan kiểm định. Điều này tiềm ẩn sự thiếu nghiêm chỉnh trong hoạt động kiểm định. Khi anh ký hợp đồng kinh tế nghĩa là anh thiết lập quan hệ mua bán với đối tác, như vậy sẽ nảy sinh nguyên tắc “thuận mua vừa bán”. Có hay không việc tôi trả cho anh nhiều tiền thì anh sẽ làm theo yêu cầu của tôi?”.
Trước tình thế này, một số trường đang tính toán xem có nên đăng ký kiểm định quốc tế thay cho việc kiểm định trong nước.