Cho trẻ làm quen với tiếng Anh: Vận dụng vào thực tế còn khó khăn

15:11, 06/01/2018

Ngày 22-12-2017, Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh Đề án ngoại ngữ 2020, theo đó sẽ mở rộng độ tuổi làm được tiếp cận, làn quen và học tập ngoại ngữ đến trẻ mẫu giáo. Thực tế tại các trường mầm non trên địa bàn TP.Thái Nguyên việc triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh còn gặp nhiều khó khăn.

Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, nhu cầu học tập để sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) trong xã hội ngày càng tăng, nhất là khu vực thành thị, các khu công nghiệp. Chính điều này đã tác động mạnh đến các bậc phụ huynh học sinh, tạo ra áp lực tìm thầy, tìm lớp học tiếng Anh cho con trẻ ngay từ độ tuổi mầm non. Đây cũng là nhu cầu từ thực tế, song việc dạy và học, nhất là ngoại ngữ với mỗi lứa tuổi có phương pháp, giáo trình, học liệu khác nhau mà điều này thì ít phụ huynh thấu hiểu. Trên thực tế, hiện nay toàn tỉnh chưa có đội ngũ giáo viên chuyên ngoại ngữ (tiếng Anh) đạt chuẩn cho bậc học mầm non. Điều này đồng nghĩa với việc các trường mầm non muốn tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh thì phải đi thuê giáo viên chuyên tiếng Anh, hoặc phụ huynh tự tìm gia sư, đưa con đến các cơ sở dạy tiếng Anh, các trung tâm ngoại ngữ học thêm.

Chị Nguyễn Thu Hà, trú tại tổ 6, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên chia sẻ: “Con tôi chuẩn bị đủ 5 tuổi, tôi thấy sốt ruột khi nghe các phụ huynh có con cùng lứa kể về chuyện các cháu bi bô nói tiếng Anh, đếm số vanh vách bằng tiếng Anh, tôi cũng cho con theo học ngoài giờ và ngày nghỉ tại Trung tâm Anh ngữ có người nước ngoài dạy. Ban đầu cũng thật vui và bất ngờ khi con mình có thay đổi khi vỡ vạc tiếng Anh, cháu lại hứng thú học. Nhưng sau gần 2 tháng, tối thấy cháu có nguy cơ học lệch, trong khi các kỹ năng khác bỗng dưng quên hết, thậm chí lầm lì hơn, ít chào hỏi, vào mâm ăn không biết mời, hỏi ai…Mà năng lực tiếng Anh cũng chỉ ở mức độ chào hỏi, hát vài câu. Nguy hại hơn là con trẻ đã bị đưa vào môi trường học tập quá nặng so với tâm lý lứa tuổi.  Vì lớp học lứa tuổi không đồng đều, giáo viên lại không có chuyên môn sư phạm mầm non, lớp học chật hẹp, trẻ không có không gian vui chơi giải trí, dẫn đến chúng bị gò bó và nặng về học hành, nguy cơ stress, nên tôi quyết định dừng lại không cho con theo học kiểu như vậy nữa”.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thúy, Trường phòng Mầm non (Sở GD&ĐT) cho biết: “Mục tiêu Đề án ngoại ngữ quốc gia là đúng đắn và không thể dừng lại để tụt hậu, thậm chí là sẽ lạc hậu. Khó khăn nhất hiện nay chính là thiếu đội ngũ giáo viên chuyên ngoại ngữ, học thuật, học liệu cho bậc mầm non và cơ sở vật chất, phòng học ngoại ngữ cho trẻ, trong khi hầu hết các trường mầm non trong tỉnh đều trong tình trạng quá tải, thiếu diện tích, lớp học. Trước mắt, chúng tôi tham mưu với ngành chỉ đạo các trường mầm non lựa chọn giáo viên dạy tiếng Anh đủ tiêu chuẩn; tổ chức lớp học trong điều kiện bố trí được phòng học riêng và chỉ học 2 buổi/tuần dưới hình thức làm quen với tiếng Anh, mỗi buổi tổ chức lớp không quá 30 phút. Đặc biệt, việc tổ chức lớp dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh, không ảnh hưởng đến khung chương trình dạy học của trường, đồng thời phải có giáo viên sư phạm mầm non hỗ trợ tổ chức, quản lý lớp học. Trên thực tế từ thàng 12-2017 đến nay toàn tỉnh mới có 4 trường tổ chức được theo dạng thí điểm, mỗi trường chỉ có 30-50 cháu theo học”.  

Theo Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mâm non Tân Lập (TP.Thái Nguyên): “Do chưa có đội ngũ giáo viên chuyên, nên Trường thuê Trung tâm ngoại ngữ cho giáo viên đến tổ chức lớp theo nhu cầu của phụ huynh, nhưng thực tế rất khó thực hiện. Đó là: Nếu thực hiện ngoài giờ thì chỉ có ngày nghỉ, vì ngày thường mà học thêm nữa thì không được, con trẻ sẽ căng thẳng. Làm ngày nghỉ thì phải huy động giáo viên chuyên sư phạm mầm non hỗ trợ giáo viên ngaoij ngữ, huy động thêm bộ máy phục vụ…phát sinh công lao động, dễ nảy sinh tiêu cực từ phụ thu làm ngày nghỉ…Khung thời gian quy định chỉ cho trẻ làm quen ngoại ngữ 30 phút/buổi học, như vậy mỗi hôm tổ chức lớp, phụ huynh lại phải đưa và chờ sau 30 phút lại đón trẻ về, rất bất tiện, nhất là trẻ nhà ở xa, hoặc phụ huynh đi làm các ngày thứ 7. Khó khăn nữa là nhận thức trong xã hội chưa đồng đều, thu nhập còn thấp, khi thuê giáo viên ngoại ngữ thì phải nộp học phí, nhiều phụ huynh hiểu là lạm thu. Chính vì vậy, Trường có quy mô trên 500 trẻ, nhưng khi đăng ký chương trình thí điểm làm quen tiếng Anh có hơn 70 phụ huynh đồng ý và khi tổ chức lớp chỉ có 25 cháu theo học, nên Trường đã dừng chương trình này”.

Từ thực tế mục tiêu, nhiệm vụ Đề án ngoại ngữ quốc gia, có thể thấy bên cạnh việc bổ sung các cơ chế, chính sách như: Khung chương trình, chuẩn đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất…rất cần sự vào cuộc từ phía gia đình, xã hội tạo sự đồng thuận nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ, tránh tạo áp lực và mọi trẻ em đều được bình đẳng học tập, làm quen tiếng Anh tạo nền tảng cho tương lai.

Bài và ảnh: Trinh An

 Mô hình Hè trải nghiệm tiếng Anh cho trẻ mầm non xã Tức Tranh (Phú Lương) được sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên tổ chức với sự cộng tác của sinh viên quốc tế cần được nhân rộng.