Chiều 19-1, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) công bố dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình phổ thông mới, bắt đầu lấy ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân trước khi ban hành chính thức để triển khai từ năm 2019.
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) bao gồm Chương trình GDPT tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Trước đó, vào tháng 7-2017 Chương trình GDPT tổng thể đã được thông qua, căn cứ vào đây, dự thảo chương trình môn học ở các cấp học phổ đã được xây dựng.
Chương trình môn học ở các cấp học gồm có 20 môn học và hoạt động giáo dục (19 môn học và 1 hoạt động trải nghiệm/hướng nghiệp) trong đó, các môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 gồm: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Đạo đức/Giáo dục công dân/Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm/hướng nghiệp.
Bên cạnh một số môn học tích hợp như: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên…, lần đầu tiên, Hoạt động trải nghiệm/hướng nghiệp được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc ở tất cả các cấp học. Đáng chú ý, bên cạnh một số môn học bắt buộc, một số môn học học sinh được chủ động lựa chọn (tùy theo cấp học) như: Ngoại ngữ 2 Âm nhạc, Mỹ thuật…
Việc cho phép học sinh được tự chọn môn học được các chuyên gia giáo dục đánh giá là một trong những nội dung quan trọng thể hiện tinh thần tiến bộ của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
GS. VS Đào Trọng Thi, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã đánh giá đây là một “bước tiến mới”. Ông cho rằng, trong tương lai, để đạt được yêu cầu là dạy học sinh để các em định hướng nghề nghiệp thì cùng với việc cho học sinh tự chọn môn học, chúng ta cần hướng tới việc ngày càng phải mở rộng danh sách môn học cho học sinh lựa chọn.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông mới cho biết chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể. Những người làm chương trình môn học đã phân giải năng lực chuyên môn của từng môn học là gì để xác định mức độ học sinh cần đạt ở mỗi lớp, mỗi cấp học.
Chương trình mới chủ trương phân hóa sớm và rõ rệt, thực hiện ngay từ cấp tiểu học và càng ở các cấp học cao, phân hóa càng sâu theo định hướng nghề nghiệp của học sinh. Bên cạnh đó, chương trình mới có tính tích hợp cao để giảm tải cũng như giúp học sinh tổng hợp kiến thức để vận dụng trong cuộc sống. Một điểm mới nữa là Chương trình môn học tăng cường thực hành cho học sinh thông qua những nội dung được chọn lựa thiết thực, thực sự cần thiết cho con người.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Dự thảo Chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình phổ thông mới đã bám sát tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông với mục tiêu được nhấn mạnh là nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp. Chương trình giáo dục phổ thông thay đổi nhằm góp phần tạo sự chuyển biến, chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển mạnh mẽ về phẩm chất, năng lực người học. Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ cũng được xây dựng theo hướng được đề ra là phải phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, dự thảo các chương trình môn học được công bố đã được các vụ, cục có liên quan thuộc Bộ GD-ĐT và một số chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm, giáo viên cốt cán tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đại diện cho đội ngũ giáo viên trên phạm vi cả nước góp ý. Sau khi chỉnh sửa trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý của một số tổ chức, cá nhân trên, từ ngày 19-1, dự thảo các chương trình môn học được Bộ GD-ĐT đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ GD-ĐT để tiếp tục xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.