Nâng cao chất lượng đào tạo đại học để đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ cao là đòi hỏi cấp thiết cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và nhiều ngành nghề, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và nhanh chóng như hiện nay. Với phương châm đào tạo nguồn nhân lực theo thực tế nhu cầu phát triển của xã hội, các trường đại học thành viên Đại học Thái Nguyên đã và đang chủ động nâng cao chất lượng đào tạo.
Khi doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo
Trong nền kinh tế thị trường phát triển, nhất là xu thế ngày càng hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa trong khu vực và trên thế giới thì mối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là rất quan trọng. Xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích từ ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, những năm gần đây, trong các nhà trường của Đại học Thái Nguyên luôn có sự đồng hành của các doanh nghiệp.
Với quan điểm lấy nhà tuyển dụng đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp cũng như chất lượng đào tạo, từ năm 2011, Khoa Chăn nuôi Thú y (Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên) đã bắt tay vào việc cải tiến phương pháp và nội dung chương trình đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp tuyển dụng sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp.
Liên tục từ năm 2012 đến nay, Khoa Chăn nuôi Thú y đã tổ chức hàng trăm diễn đàn, hội thảo với quy mô khác nhau, trong đó chủ yếu dành cho các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp cho chương trình đào tạo của các bộ môn trong Khoa. Điển hình như các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Japfa Comfeed, Công ty Thuốc thú y Marphavet, Công ty Thuốc thú y xanh Việt Nam, Công ty Biovet…Sự tham gia cộng tác của các doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo đã đem lại những thông tin hữu ích cho cả giảng viên, sinh viên. Trong đó có những thông tin về bệnh dịch mới, phương pháp phòng dịch, thuốc thú y, quy trình sản xuất, chăn nuôi mới theo hợp đồng của các đối tác nước ngoài liên kết với doanh nghiệp, hoặc công nghệ mới…
Dựa trên nền tảng kiến thức và kinh nghiệm đào tạo của Khoa Chăn nuôi Thú y, các doanh nghiệp không chỉ tham gia bổ sung các kiến thức mới, kỹ năng và yêu cầu làm việc theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, châu Âu…mà còn đón nhận mỗi năm hàng trăm sinh viên thực tập, đồng thời, hỗ trợ cho sinh viên học bổng hàng tháng từ 3-5 triệu đồng/người. Điểm mới chính là các doanh nghiệp rèn luyện sinh viên nâng cao chất lượng thực hành, làm chủ thiết bị và công nghệ mới, tăng thời gian học trong nhà máy, trang trại. Nếu như năm 2011, Khoa Chăn nuôi Thú y mới chỉ có 68% sinh viên đến thực tập, rèn nghề, 25% sinh viên thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp, thì từ năm 2015 đến nay đã có 100% sinh viên được tham gia thực tập. Thực tế, từ mô hình đào tạo của Khoa Chăn nuôi Thú y gắn với doanh nghiệp, từ năm 2014 đến nay, 100% sinh viên đạt chuẩn tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp “trải thảm” đón nhận vào làm việc trong nước và quốc tế theo hợp tác liên kết của doanh nghiệp.
Đối với sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, năm 2015, khi toàn trường thực hiện mục tiêu chuẩn hóa ngoại ngữ đầu ra tốt nghiệp (tiếng Anh) Toefl ITP 400 điểm, thì các doanh tham gia quá trình đào tạo với Trường cũng yêu cầu sinh viên phải đảm bảo tiêu chuẩn ngoại ngữ trước khi đăng ký thực tập. Từ những tiêu chí này của doanh nghiệp, sinh viên đã nhận thấy muốn có môi trường làm việc hiện đại, chuẩn quốc tế và có thể tham gia thị trường lao động trình độ kỹ sư tại các nước trên thế giới, thì đồng nghĩa với việc phải cập chuẩn.
Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên Nhà trường - Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Từ năm 2014 đến nay, Nhà trường được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổng công ty lớn trong nước đến tham gia vào quy trình đào tạo kỹ sư cơ khí và điện, điển hình như: Cannon, Toyota, Samsung, Tổng công ty Lilama, Tổng công ty Sông Đà…Doanh nghiệp đến nhà trường tìm nhân lực, đồng thời khuyến nghị đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo với giảng viên, trang bị kỹ năng cho sinh viên. Các doanh nghiệp cũng thẳng thắn đưa ra các ý kiến là đào tạo đại học cũng cần phân luồng, sàng lọc kỹ để đào tạo chuyên biệt theo nghiên cứu riêng và thực hành, ứng dụng riêng. Điểm mới đó là sinh viên thực tập tăng từ 6 tuần lên đến 12-15 tuần tại doanh nghiệp, đồng thời nhà trường cũng đồng bộ hóa khoảng thời gian thực tập đó chinh là “công xưởng và giảng đường là một”.
Sinh viên Đặng Văn Tú, khoa Điện K49 tâm sự: “Em xác định từ đầu là học để tìm kiếm cơ hội làm việc trong các liên doanh nước ngoài, nên em đã dành nhiều thời gian học tiếng Anh ngay từ năm đầu. Tại môi trường làm việc của Cannon, lần đầu tiên em được đứng bên hàng chục Robot tự động mà thấy choáng ngợp, khác xa với các phòng thực hành. Vận dụng kiến thức đã học và vốn tiếng Anh, nên em nhanh chóng quen với môi trường làm việc, đồng thời giám sát kỹ thuật Công ty đã tiến cử em được hưởng hỗ trợ hàng tháng 5 triệu đồng, sau 3 tuần chuyển vị trí vận hành sang điều khiểu và giám sát”. Được biết, hàng năm Trường cử trên 200 sinh viên tham gia thực tập, thực hành tại các doanh nghiệp trên. Đặc biệt, 100% sinh viên sau khi hoàn thành thực tập tại các doanh nghiệp này, sau khi tốt nghiệp đều được tuyển dụng, và được trả lương từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Đào tạo theo “đơn đặt hàng”
Là doanh nghiệp có nhiều năm gắn bó với hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với Trường Đại học Nông lâm, Tiến sĩ Trần Đức Hạnh Chủ tịch Tập đoàn BMG, Công ty cổ phần Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet (TX. Phổ Yên) nhận xét: “Chất lượng đào tạo chỉ có thể được nâng cao khi quá trình đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của người sử dụng lao động nói riêng và nhu cầu xã hội nói chung”. Xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, mỗi năm, Tâp đoàn cần tuyển dụng hàng trăm vị trí làm việc với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng, đích thân Chủ tịch Tập đoàn BMG đã đến “đặt hàng” với Khoa Chăn nuôi Thú y đào tạo kỹ sư và bác sĩ thú y cho doanh nghiệp. Được biết, từ năm 2012, đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư trên 3 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động đào tạo định hướng nghề nghiệp, xây dựng bệnh xá thú y cộng đồng…Bên cạnh đó, từ năm 2011, đến nay, các doanh nghiệp khác cũng đã tài trợ trên 2,5 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo “đặt hàng” cho trên 600 sinh viên.
Mặc dù năm 2017, Trường Đại học Y dược mới “bắt tay” với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực là bác sĩ điều dưỡng theo “đặt hàng” của Công ty cô phần Work Support Y (Nhật Bản), nhưng có thể thấy sự lựa chọn của các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo chính là sự tin tưởng về chất lượng đào tạo của các trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo hợp tác đào tạo, phía Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ trả phí đào tạo, hỗ trợ học bổng cho sinh viên và khi đạt chuẩn chất lượng theo cam kết sẽ tuyển dụng toàn bộ bác sĩ sang làm việc tại Nhật Bản. Đây chính là thực tế và vận dụng trong đổi mới giáo dục đại học trước bối cảnh hội nhập quốc tế, là liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng.
Tương tự như vậy, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp khi được các doanh nghiệp lựa chọn đặt hàng đã hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên học bổng, hỗ trợ kinh phí cho giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn. Bên cạnh đó, sinh viên gần như đã có việc làm ngay từ năm cuối, khi hoàn thành thực tập tốt nghiệp. Mặc dù mô hình đào tạo theo “đặt hàng” mới chỉ được các doanh nghiệp lựa chọn ở một số ngành nghề đào tạo trong các trường đại học, nhưng điều dễ nhận thấy là su hướng đào tạo mở. Từ thực tế này cho thấy môi trường đào tạo bắt buộc phải nâng cao chất lượng và cập chuẩn quốc tế. Đồng thời xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách và đang là đòi hỏi của xã hội.