Điều kiện để trẻ vào tiểu học là phải biết tiếng Việt, từ đó mới có thể tiếp thu kiến thức các môn học khác. Thế nhưng, ở nhiều điểm lẻ các trường tiểu học có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc thực hiện điều kiện này lại rất khó khăn. Để giao tiếp được bằng tiếng Việt, nhiều em phải trải qua quá trình rèn luyện cùng sự kiên trì của giáo viên đứng lớp. Tiếng Việt đối với học sinh vùng cao giống như một môn ngoại ngữ. Chính vì vậy để trò thông thạo tiếng Việt, thì giáo viên cũng phải học tiếng dân tộc thiểu số để lên lớp…
Học tiếng Việt ở vùng cao
Sau gần 2 tiếng đồng hồ bám lưng cánh xe ôm miền sơn cước vượt đèo để đến với Phân trường Mầm non và Tiểu học Bản Tèn xã vùng cao Văn Lăng của huyện Đồng Hỷ, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được mùa Đông vùng cao. Gần 8h sáng, bản Tèn vẫn chìm trong lớp sương mờ buốt lạnh. Mặt trời đã nhô lên khỏi đỉnh núi, nhưng dường như không đủ ấm để phá tan sương, mà chỉ chiếu thành những vệt sáng nhạt nhòa, loang lổ trên sân trường. Lớp học đã mở cửa, nhưng nhóm trẻ mầm non vẫn thưa vắng so với sĩ số 35 cháu.
Cô giáo Đỗ Thị Tình chốc chốc lại ra cửa đón trẻ vào lớp và luôn nhắc nhở phụ huynh đi tất, thêm áo ấm vào túi dự phòng cho trẻ chống rét, khi thì bằng tiếng Việt, lúc thì dùng tiếng Mông một cách trôi chảy. Không hỏi, có lẽ ai cũng ngỡ cô giáo Tình là người dân tộc Mông của bản Tèn. Cô vào chuyện say sưa: “Em là người dân tộc Kinh, từ dưới huyện lên nhận nhiệm vụ tại bản Tèn này đã được hơn hai năm. Hai năm gắn bó nơi đây, nên em cũng đã khá thành thạo tiếng địa phương. Không học không thể đứng lớp được, vì 100% trẻ ở đây đều là dân tộc Mông, cha mẹ các em nói tiếng Việt, hoặc nghe mình nói tiếng Việt cũng chậm. Mọi giao tiếp ngoài trường học này hầu như người dân vẫn dùng tiếng địa phương, nên trẻ em làm quen với tiếng Việt rất khó. Học trước rồi quên sau, vì về nhà lại dùng tiếng mẹ đẻ (tiếng Mông). Ngày đầu đến nhận lớp, nghĩ lại mà tức cười: Nói gì với các con trẻ, chúng đều ngơ ngác và co cụm lại với nhau thì thào bằng tiếng Mông. Bất đồng ngôn ngữ nên vừa nói vừa ra hiệu như múa rối. Giờ giải lao cho xếp hàng chơi ngoài trời thì gặp phải mấy thầy giáo tiểu học vui tính dạy mình nói “Mùa chế”, thế là cả lớp bỗng dưng bỏ về sạch. Càng gọi, các con càng chạy sâu vào trong khe núi. Sau mới biết mình bị trêu vì không biết tiếng, nên dùng từ đó là “đi về”. Giờ cũng tạm ổn, nhưng khó nhất là đạt chuẩn phát âm. Từ càng khó thì con trẻ càng ngại luyện âm và dễ tái sử dụng tiếng Mông trong giao tiếp dẫn đến nhanh quên”.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Tình cho biết: “Nhiều khi phải vận dụng cách phát âm từ các tình huống khác để con trẻ có sự liên tưởng, tái hiện. Khó nhất chính là dạy trẻ phát âm chuẩn. Với trẻ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, chắc chắn làm quen với tiếng Việt sẽ chậm hơn các vùng khác, vì vậy chúng tôi đặt ra yêu cầu là trẻ em chỉ cần phân biệt được đồ dùng, phát đúng âm tiếng Việt chứ không gò ép phải chuẩn ngay, vì đó còn là quá trình luyện thanh và tạo thói quen nữa”.
Trở ngại... từ thói quen
Là vùng có đến 1/3 dân số là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán chí cùng sinh sống, Phân trường Mầm non Khánh Kim, xã Quy Kỳ (Định Hóa) nằm sâu trong khe núi có gần 90 trẻ theo học. Cô giáo Lý Thị Thanh Chinh là người tại địa phương, dân tộc Dao, nhưng cô có thể giao tiếp thành thạo ngôn ngữ của các dân tộc trong vùng cho biết: Giao thông đi lại khó khăn cũng là rào cản vô hình khiến cho trẻ ít cơ hội giao tiếp thường xuyên bằng tiếng Việt. Có nhiều gia đình phải lội 7, thậm chí 10 lần qua một con suối quanh co (khuổi Tát) mới đưa trẻ đến được lớp học, trong khi cha mẹ các cháu lại đi làm ăn xa, phó thác nhiệm vụ chăm sóc trẻ cho ông, bà. Mà người già ở vùng cao, miền núi lại không biết chữ, có thói quen nói tiếng dân tộc của mình trong giao tiếp, một số có tư tưởng không muốn cháu “mất gốc” nên không khuyến khích trẻ nói tiếng Việt. Cuộc sống của con trẻ ngày thì đến lớp làm quen tiếng Việt, tối về ở với ông, bà lại sử dụng tiếng dân tộc bản địa, nên trẻ tiếp thu tiếng Việt rất chậm. Không ít ông bà đưa con đến lớp, hỏi thăm nhau thường hỏi: “Năm nay đấy được bao nhiêu bao thóc?” thay vì hỏi được mấy tạ, vì họ không thông thạo con số, phép toán tiếng Việt. Chính từ thực tế này, đòi hỏi giáo viên phải thông thạo nếp sống tại địa phương và tự phải rèn luyện kỹ năng tiếng dân tộc bản địa để vừa phiên dịch, vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thói quen của gia đình, học sinh mà điều chỉnh đưa các em về chuẩn ngôn ngữ tiếng Việt.
Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn tình còn trên 44 nghìn trẻ (trên 33% ) là dân tộc thiểu số trong độ tuổi mầm non, trong đó mỗi năm có trên 10 nghìn trẻ cần được tăng cường chương trình làm quen với tiếng Việt. Mặc dù các phân trường cắm bản còn nhiều khó khăn, song bằng sự kiên trì, tâm huyết và kinh nghiệm “nằm vùng” của đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa, đến nay toàn tỉnh 100% giáo viên bậc học mầm non đều đạt chuẩn nghề nghiệp, trong đó có gần 1.000 giáo viên biết tiếng dân tộc thiểu số và giao tiếp thành thạo với người dân địa phương. Đó chính là những nhân tố tích cực, chủ động làm cầu nối để trẻ em vùng cao nhanh chóng hòa nhập thông thao tiếng Việt trươc khi bước vào lớp 1 và tiếp tục nâng cao trình độ dân trí cho vùng cao.