Chú trọng giáo dục lịch sử địa phương

10:27, 11/03/2018

Lịch sử địa phương và một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc. Dạy và học lịch sử địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra và lớn lên, hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống..., trách nhiệm công dân mà còn là cách giúp học sinh nhận thức sâu sắc thêm lịch sử dân tộc. Xác định rõ tầm quan trọng đó, trong những năm qua, ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy.

Thực tế 1 tiết giảng lịch sử địa phương bài “Thái Nguyên từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV” của cô và trò lớp 7A2, Trường THCS Độc Lập T.P Thái Nguyên chúng tôi nhận thấy các em học sinh rất hào hứng. Mở đầu tiết học học sinh được xem 1 đoạn video ngắn về Di tích Đền Đuổm giúp các em nhớ lại sự kiện lịch sử mà bài học đề cập đến. Tiếp đến, thay vì cô giáo truyền đạt một chiều, lớp học được chia theo 2 nhóm và các em đã có sự chuẩn bị kiến thức từ trước để trình bày tại tiết học. Nhóm thứ nhất trình bày hiểu biết về Dương Tự Minh và công lao của ông đối với quê hương, dân tộc; nhóm thứ hai trình bày về Lễ hội Đền Đuổm và sự thay đổi địa danh Thái Nguyên thời Lý - Trần, công lao của nhân dân Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống quân Tống và Nguyên Mông xâm lược. Thông qua hoạt động nhóm giúp học sinh tự tìm hiểu, khắc sâu kiến thức, đặc biệt rèn cho các em kỹ năng quan sát, miêu tả lịch sử, nhận xét nhân vật lịch sử. Về kiến thức, các em nắm được những nét cơ bản về tiểu sử của Dương Tự Minh và công lao to lớn của ông đối với quê hương, dân tộc; biết được vị trí, thời gian, kiến trúc Đền Đuổm cũng như nghi lễ, trò chơi, văn nghệ dân dan tổ chức tại Lễ hội Đền Đuổm hằng năm.

Từ tiết học của lớp 7A2 cho thấy việc lồng ghép kiến thức lịch sử địa phương được đội ngũ giáo viên đặc biệt quan tâm thông qua các bài giảng tích hợp, liên môn. Thông qua những tiết học như thế này, lịch sử địa phương trở thành kiến thức cầu nối mang tính thực tiễn và có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Anh, trực tiếp dạy tiết học này cho biết: Để tiết giảng hiệu quả, giáo viên phải chọn ra những hoạt động nhóm phù hợp với năng lực của các em. Và thậm chí nếu nguồn tư liệu ít thì bản thân giáo viên phải là người định hướng, kiểm chứng, giúp các em có những bài viết tốt và nhận xét trong quá trình học sinh chuẩn bị nhiều thì mới có tiết học hay được.

Được biết, Trường THCS Độc Lập rất quan tâm đến việc đưa nội dung lịch sử địa phương vào trong chương trình giảng dạy môn lịch sử. Nhà trường đã tổ chức họp nhóm giáo viên giảng dạy môn lịch sử để thống nhất xây dựng kế hoạch dạy học, sử dụng tài liệu và định hướng những nội dung cần tích hợp trong quá trình lên lớp và tổ chức các hoạt động ngoại khóa thăm quan di tích lịch sử địa phương. Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Lương Thị Kim Yến, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Phòng thiết bị của nhà trường có đầy đủ máy chiếu di động có thể di chuyển lắp đặt tại các phòng học phục vụ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên. Vì thế rất thuận lợi cho giáo viên trong việc khai thác những tư liệu như hình ảnh, băng đĩa tuyên truyền về lịch sử địa phương, để giờ học thêm sinh động. Mặt khác, mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức đưa học sinh đi thăm quan các điểm di tích trong và ngoài tỉnh, thăm tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng; tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào dịp 22-12 như: “Những mốc son lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam”, “Âm vang Điện Biên”, “Vang mãi khúc quân hành”… qua đó, các em được xem các phóng sự, phim về lịch sử; được hóa thân thành các nhân vật anh hùng trong lịch sử thông qua việc tái hiện bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật… Không riêng Trường THCS Độc Lập, mà rất nhiều các trường học trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy.

Được biết, căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ biên soạn và phát hành để sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh nội dung giáo dục đạo đức, lịch sử địa phương ở cấp tiểu học từ năm học 2012-2013; lịch sử địa phương ở cấp THCS từ năm học 2014-2015. Nội dung lịch sử địa phương cấp THPT được chỉ đạo cho các nhà trường căn cứ vào hoàn cảnh thực tiễn, các tổ/nhóm chuyên môn tự tiến hành biên soạn và giảng dạy theo chương trình nhà trường và được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo các nhà trường thường xuyên bổ sung vào thư viện những tài liệu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, lịch sử địa phương và các tài liệu liên quan để giáo viên có tài liệu tham khảo bổ sung cho bài giảng của mình được sinh động. Đặc biệt, năm học 2017-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tập huấn cho 250 giáo viên cấp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh về nội dung biên soạn và giảng dạy Lịch sử địa phương.

Trong quá trình thực hiện cho thấy việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường giúp cho học sinh nhận thức sâu sắc các sự kiện, hiện tượng, nhân vật điển hình của lịch sử dân tộc. Mối liên hệ mật thiết giữa lịch sử địa phương với lịch sử dân tộc là cơ sở để học sinh nhận thức sâu sắc bước phát triển chung lịch sử dân tộc song vẫn ghi đậm những dấu ấn đặc thù của địa phương. Hình thành cho học sinh khái niệm khoa học hiện đại về sự thống nhất giữa "tự nhiên - con người - xã hội" giúp học sinh hình dung cụ thể vai trò con người trong mối quan hệ với môi trường xung quanh; có ý thức đầy đủ bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá và môi trường sống. Nguồn tài liệu lịch sử địa phương, với những loại hình đa dạng, phong phú, sinh động, là cơ sở cho học sinh hiểu được những biểu tượng lịch sử và các khái niệm, các sự kiện, hiện tượng được đúc kết ở các bài. Góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào về quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, thực tế quá trình đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy ở một số trường, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn do thiếu các đồ dùng, thiết bị phục vụ dạy học như: Máy chiếu, đĩa CD, tranh ảnh… còn ít chưa đủ để đáp ứng cho công tác giảng dạy. Việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học ở một vài giáo viên còn chậm do khả năng cập nhật, sử dụng công nghệ thông tin chưa tốt...

Để thực hiện tốt nội dung đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy, thời gian tới ngành Giáo dục cần tiếp tục quan tâm làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử. Tích hợp môn đạo đức, giáo dục công dân với các môn lịch sử, địa lý, ngữ văn để giờ giảng có nội dung giờ giảng bớt khô cứng. Tăng cường hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, chuyển một số nội dung trong sách giáo khoa ra ngoài trời với hình thức sân khấu hóa để hiệu quả giáo dục đối với học sinh cao hơn. Xây dựng các tủ sách lịch sử dùng chung hỗ trợ cho việc giảng dạy môn học... giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.