Cựu giáo chức nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc: Ăn cơm nhà lo việc làng việc xã (Bài 2)

10:27, 31/03/2018

“Nhà giáo với đặc thù nghề nghiệp: Khi trên bục giảng là người tiếp lửa, truyền thụ kiến thức, văn hóa đưa lớp lớp các thế hệ học trò đến với tri thức nhân loại. Trong cuộc sống nhà giáo là người mẫu mực về đạo đức. Khi trở về địa phương, nhà giáo vẫn luôn là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Chính vì vậy, cựu giáo chức vẫn luôn được nhân dân quý mến và tín nhiệm”.- Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Thái Nguyên Bùi Điệp chia sẻ.

Năm 2010, thầy giáo Tạ Văn Thái nghỉ chế độ sau hơn 30 năm công tác tại các Trường THPT Phú Bình và Trường THPT Lương Phú, về sinh hoạt tại Tổ dân phố Nguyễn 1, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình). Đầu năm 2011, thầy Thái được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Tổ dân phố. Gần 10 năm đảm nhiệm công việc này, thầy Thái đã cùng cấp ủy chi bộ lãnh đạo tổ dân phố ngày một đổi thay, được nhân dân tin tưởng đồng thuận. Ông Dương Văn Tín, người dân Tổ dân phố Nguyễn 1 nhận xét “Từ khi làm Bí thư Chi bộ, thầy Thái luôn phát huy tinh thần dân chủ được nhân dân tin tưởng. Một trong những phần việc quan trọng mà thầy Thái và bà con trong tổ dân phố làm được vừa qua đó là đổ bê tông được trên 1 km đường giao thông nội xóm, nội đồng bằng nội lực sức dân. Để có được kêt quả này, với cương vị là Bí thư Chi bộ, thầy đến từng nhà vận động, phân tích điều hay, lẽ phải và quan trọng là công tâm và công bằng vì lợi ích chung".

Cũng có trên 30 năm công tác trong ngành Gáo dục huyện Phú Bình, khi nghỉ hưu, thầy Nguyễn Văn Cương ở xóm Cô Dạ xã Bảo Lý tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ từ năm 2012 đến nay. Luôn trăn trở làm thế nào để xóm ngày một phát triển, thầy Cương đã cùng cấp ủy chi bộ đưa xóm Cô Dạ từ một xóm nghèo trở thành xóm dẫn đầu về xóa đói, giảm nghèo của xã Bảo Lý. Không chỉ làm tốt công tác xã hội, thầy Cương còn luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Với hơn 1ha đất vườn đồi, thầy Cương đã trồng trên 300 gốc bưởi, ổi, táo, mít trái vụ, chăn thả trên 200 con gà đồi và nuôi ong lấy mật. Đến nay, các loại cây trồng, vật nuôi này đã cho thu hoạch, mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng.

Thầy Cương tâm sự: “Kiến thức làm kinh tế chủ yếu từ đọc sách, xem ti vi, nghe đài. Khi đi vào làm, ban đầu ai cũng đắn đo, nhưng mình hiểu đến đâu thì làm đến đó. Và tôi đã gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế vườn đồi, kết hợp chăn nuôi, rồi vận động bà con cùng làm theo. Ban đầu là quy mô nhỏ, rồi tăng dân lên và đầu tư lớn theo sức lực của mình. Cứ như vậy, kinh tế hộ được nâng lên và nhân dân có điều kiện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng như xây Nhà văn hóa xóm, bê tông hóa đường liên xóm, lắp điện thắp sáng đường quê…trong 4 năm (2011, đến 2014), sức dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng cùng đạt hàng tỷ đồng. Nhưng nếu không tổ chức lại sản xuất kinh tế gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa thì lấy đâu ra nguồn huy động và đóng góp. Điều quan trọng là thuyết phục, vận động nhân dân đồng thuận”.

Đã 77 tuổi, vốn là nhà giáo nghỉ hưu, gần 20 năm nay, thầy Nguyễn Văn Diễm ở xã Đào Xá (Phú Bình) tự nguyện “vác tù và hàng tổng” và được mọi người gọi vui là “cựu giáo chức nhiều chức nhất”…Với quan điểm khi được giao bất cứ việc gì mình đều phải có trách nhiệm và phải cố gắng hoàn thành, vì thế, khi tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, thầy luôn hoàn thành công việc được giao. Mỗi công việc mà thầy Diễm hoàn thành đều tạo được sức lan tỏa rộng trong quần chúng, nhân dân. Thầy chia sẻ kinh nghiệm: “Phải cùng làm và tổ chức cho mọi người làm, chứ không phải làm cho mình, hoặc mình làm xong nghĩa là hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Mặc dù tuổi cao, nhưng năm 2011, thầy đã vận động nhân dân địa phương thành lập Câu lạc bộ cứu nạn Chữ thập đỏ sông Đào. Nhiều người cho rằng đấy là bệnh hình thức, khi chưa có địa phương nào thành lập, cũng chưa có sự chỉ đạo của địa phương… Nhưng thầy đã đưa ra những thuyết minh rất thấu tình, đạt lý, trong khi vùng sông nước nguy hiểm luôn ẩn họa tai nạn đuối nước, nhất là với học sinh. Khi cần làm cách nào báo động và tìm ai cấp cứu, tìm ai biết bơi giỏi… Dọc tuyến sông, thầy đã thiết lập được 45 tình nguyện viên và sau đó ra mắt Câu lạc bộ. Sau gần 10 năm hoạt động với những quy tắc cảnh báo, báo động hết sức đơn giản, Câu lạc bộ đã trực tiếp cứu hộ cho 63 trường hợp tai nạn lao động, tại nạn giao thông và đuối nước. Hiện tại thầy Diễm được tín nhiệm đảm trách các công việc: Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Ủy viên Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện; Ủy viên Thường vụ Hội Cựu giáo chức huyện; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Văn phòng HĐND, UBND huyện và Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện viên Cứu nạn cứu hộ Chữ thập đỏ sông Đào.

Thầy Diễm chia sẻ: “Còn được người khác tin tưởng, nhờ cậy nghĩa là mình còn có ích cho xã hội. Đơn giản vì đều là việc giúp dân”.

Hội Cựu giáo chức huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên hiện có 708 hội viên. Từ năm 2005 đến nay, huyện Phú Bình có 48 nhà giáo về hưu tiếp tục tham gia làm Bí thư chi bộ, trưởng xóm, 165 nhà giáo tham gia làm chủ tịch các Hội: người cao tuổi, Cựu chiến binh, khuyến học… Dù ở vị trí nào, các thầy cô đều nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể nói, phát huy truyền thống tốt đẹp của người giáo viên nhân dân, những cựu nhà giáo vẫn tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống nhân văn- Dạy chữ đi đôi với dạy người. Chính vì vậy cựu giáo chức hôm nay nghỉ hưu mà không nghỉ việc. Họ đã và đang góp công sức trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của địa phương.