Thời gian gần đây, một số sự việc đáng tiếc liên quan tới đạo đức học đường liên tục xảy ra tại một số trường học trong cả nước đang là vấn đề "nóng", gây bức xúc dư luận xã hội. Khi truyền thống tốt đẹp "tôn sư trọng đạo" của dân tộc có dấu hiệu bị xem nhẹ, rất cần các cơ quan chức năng và ngành Giáo dục sớm vào cuộc, kiên quyết xử lý, đồng thời có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mọi người đều biết, mới đây ngày 28-2, một giáo viên ở Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) bị một phụ huynh bắt quỳ gối "chuộc lỗi" vì trước đó đã phạt con mình phải quỳ gối do vi phạm nội quy. Chưa bàn về hình thức cô giáo xử phạt học sinh là đúng hay sai nhưng thái độ và cách hành xử của vị phụ huynh này là không thể chấp nhận. Ngày 2-3, tại Trường THCS Tân Thạch (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), một học sinh lớp 8 không chỉ có lời lẽ xúc phạm nặng nề mà còn bóp cổ cô giáo chỉ vì cô nhắc nhở một học sinh khác không tập trung trong giờ học. Ngày 22-3, tại Trường Mầm non Việt - Lào, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, một phụ huynh cho rằng giáo sinh thực tập đánh con mình nên đã xông vào kéo tóc, đánh giáo sinh này, dùng chân đạp nhiều lần vào lưng, bụng khiến giáo sinh bị đau bụng và ra nhiều máu. Mặc dù giáo sinh đã van xin và nói đang có thai nhưng phụ huynh này cũng không tha, buộc giáo sinh phải quỳ gối. Ngay sau đó, nhà trường đã kịp thời can ngăn và đưa giáo sinh này đến Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trên mạng xã hội và một số kênh thông tin thời gian gần đây phản ánh nhiều vụ việc học sinh các cấp do khúc mắc cá nhân, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay trên giảng đường hoặc trong lớp học... Ngay trên địa bàn tỉnh, ngày 16-3 vừa qua, tại Trường Mầm non Độc Lập, thuộc tổ 3, phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên, một phụ huynh học sinh cũng đã có những hành vi vô văn hóa đối với một cô giáo khi nghi ngờ cô giáo đánh con mình.
Điểm qua vài vụ việc nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy dường như đạo đức học đường đang có biểu hiện xuống cấp với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nếu trước đây, sự việc thường chỉ dừng ở mức độ gây gổ, đánh nhau giữa học sinh với học sinh thì nay một số vụ việc đã xảy ra giữa phụ huynh với giáo viên, có biểu hiện nhuốm màu bạo lực. Môi trường học đường đang có nguy cơ thiếu an toàn với chính thầy cô và học sinh; vai trò của người thầy có phần bị xem nhẹ. Lẽ ra, khi có sự việc, hiện tượng xảy ra cần cẩn trọng tìm hiểu, thảo luận, bàn bạc một cách thấu đáo, có trách nhiệm, cùng tháo gỡ thì một số phụ huynh lại lựa chọn giải quyết bức xúc bằng những hành vi thiếu văn hóa, cố ý xúc phạm giáo viên của con em mình. Trong bối cảnh mạng xã hội trở thành phương tiện truyền tải có tính chất phổ biến với sức lan tỏa thông tin mạnh mẽ như hiện nay, một số sự việc thường lập tức được đưa lên mạng xã hội theo góc nhìn phiến diện, đôi khi chưa được kiểm chứng đã làm méo mó bản chất sự việc, hiện tượng và tác động xấu đến cộng đồng xã hội.
Biểu hiện xuống cấp của đạo đức học đường chủ yếu tập trung ở nhóm đối tượng học sinh. Bạo lực không chỉ diễn ra ngoài nhà trường qua hình thức gây gổ, đánh nhau mà nay nhiều sự việc còn có sự manh động, có khi sử dụng đến cả vũ khí như dao, kiếm... Trong trường học, một số học sinh có biểu hiện coi thường nội quy, cư xử thiếu lễ phép, không tôn trọng, thậm chí hỗn láo với thầy cô. Bên cạnh sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh thì đáng buồn là cũng có một số sự việc liên quan nhân cách giáo viên đã xảy ra như tiền nong không sòng phẳng, vướng mắc về vật chất với phụ huynh và đồng nghiệp, thiếu trong sáng trong nâng đỡ và đánh giá học sinh; thậm chí có cô hiệu trưởng lái xe trong sân trường gây thương tích cho học sinh nhưng không dám nhận trách nhiệm; thầy giáo tát học sinh thủng màng nhĩ, cô giáo phạt học sinh ăn ớt... gây phẫn nộ trong dư luận. Những hành vi đó rất cần được xem xét, xử lý nghiêm khắc để răn đe.
Những biểu hiện lệch chuẩn trong môi trường giáo dục thời gian gần đây không phải là mới xuất hiện. Nguyên nhân của các hiện tượng này cũng từng được chỉ ra. Song, có lẽ vì thiếu hành động quyết liệt, đồng bộ từ các cơ quan chức năng và cả ngành giáo dục nên những tiêu cực chưa được giải quyết triệt để. Một số người lại đổ lỗi do ảnh hưởng của kinh tế thị trường làm thay đổi mối quan hệ thầy - trò. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự tác động của yếu tố kinh tế thị trường đến môi trường giáo dục là có; đây đó, lối sống thực dụng lên ngôi khiến một số giá trị đạo đức, tinh thần có xu hướng xuống cấp, chưa kể tới sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai, các yếu tố kích động bạo lực, đồi trụy từ internet cũng tác động đáng kể đến giới trẻ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng chương trình giáo dục trong nhà trường chưa phù hợp, nhất là nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực, gần gũi với lứa tuổi học sinh…
Có thể khẳng định, dù điều kiện kinh tế xã hội - văn hóa có thay đổi đến đâu thì nhà trường vẫn phải là môi trường an toàn, lành mạnh cho cả thầy cô, học sinh. Mỗi giáo viên hãy tự ý thức để trở thành tấm gương về đạo đức, nghề nghiệp, chuẩn mực trong ứng xử với học sinh, với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp khéo léo, linh hoạt, thường xuyên giữa nhà trường và phụ huynh để tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và gia đình, nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục. Dù vì lý do gì đi chăng nữa thì hành vi bạo lực của học sinh đối với giáo viên cũng không thể chấp nhận được. Và khi ngay cả phụ huynh cũng không có sự tôn trọng cần thiết với thầy cô thì tất yếu sẽ đẩy tới cách hành xử thiếu chuẩn mực của chính con em họ với thầy cô giáo và sau này là với những người khác.