Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

15:56, 02/04/2018

Sau 2 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo, 90% trường mầm non trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã có sự đổi mới trong việc xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ. Nhờ đó, tất cả trẻ đều hứng thú học tập   và mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non phải tạo được môi trường mang tính “mở” để kích thích tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả hoạt động chơi và trải nghiệm. Trước đây, các hoạt động học tập của bé Dương Anh Thư, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) tại Trường Mầm non Liên cơ thành phố chủ yếu diễn ra trong lớp, bắt chước những gì cô giáo dạy. Bé thường xuyên được học kỹ năng tại các góc học tập nhưng học cụ phần lớn là mô hình, không có sự thay đổi. Hoạt động ngoài trời chủ yếu là tập thể dục hoặc chơi trò chơi vận động khi tan học nên nhiều khi gây nhàm chán cho bé. Nhưng giờ đây đối với bé mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Bé không chỉ được chủ động lựa chọn các góc học tập trong lớp với nhiều học cụ đa dạng mà còn được thỏa sức trải nghiệm, vui chơi ở góc tự nhiên bên ngoài lớp học mỗi ngày.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên cơ thành phố chia sẻ: Thực hiện dạy học theo chuyên đề, chúng tôi đã tăng cường cải thiện môi trường giáo dục cho trẻ. Trong lớp, các góc đã được sắp xếp khoa học, phong trào dùng vật liệu trong tự nhiên, tái chế vật dụng gia đình thành đồ dùng, đồ chơi được đẩy mạnh. Đặc biệt, so với thời gian trước, môi trường vật chất ngoài trời chúng tôi đã chú trọng xây dựng hơn, gồm: khu vận động cho trẻ rèn luyện thể lực, khu thiên nhiên có vườn hoa, cây cảnh để trẻ được tự chăm sóc; khu vực cát và nước giúp trẻ trở vui chơi sáng tạo hơn. Bên cạnh đó, khi tham gia vào mô hình trường học lấy trẻ làm trung tâm, các yếu tố liên quan tới môi trường xã hội được trường vận dụng rất hiệu quả. Thông qua các hoạt động ngoại khóa hay ngày lễ, thầy cô giáo sẽ tổ chức các cuộc thi ngoài trời giữa các lớp với nội dung như: múa hát, tập bán hàng, đóng kịch… để tạo sự gần gũi giữa cô và trẻ.

Ngoài môi trường giáo dục, hoạt động giảng dạy của cô giáo tại các trường cũng đã có sự thay đổi theo nội dung của chuyên đề. Trẻ là trung tâm nên cô giáo chỉ đóng phải trò định hướng và quan sát quá trình học tập của từng cá nhân. Để hiểu hơn nội dung này, chúng tôi đã tham dự một buổi học âm nhạc của lớp 24-36 tháng tuổi, Trường Mầm non Quang Trung. Bài học được thiết kế như một hội thi với tên chương trình là “Ngôi nhà thân yêu”. Tiết học được chuẩn bị một sân khấu nhỏ, trang trí hoa đẹp mắt với nhiều đạo cụ âm nhạc như: đàn, míc hát, mũ đội đầu cho các “ca sĩ” nhí lên biểu diễn. Sau khi chia lớp thành 2 đội thi, cô giáo bật một đoạn nhạc lên, trẻ là người đoán tên bài hát và lên sân khấu biểu diễn. Với việc thay đổi hình thức tổ chức buổi học như vậy, không khí học tập trong lớp lúc nào cũng sôi nổi, cô giáo có thể quan sát được hết khả năng tiếp thu bài học của từng trẻ.

Theo cách dạy mới, mỗi giáo viên bắt buộc phải thay đổi nhận thức, nhanh nhạy, tư duy sáng tạo không ngừng. Cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung cho biết: Trước mỗi buổi học, cô giáo cần suy nghĩ hoặc tham khảo trên mạng để tìm kiếm ý tưởng mới trong tổ chức lớp học, xây dựng bài tập “mở” và làm học cụ nhằm tạo cơ hội cho tất cả trẻ ở các mức độ nhận thức khác nhau đều tham gia hoạt động hiệu quả.

Không chỉ vậy, từ khi thực hiện chuyên đề đến nay, công tác phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh để tạo sự thống nhất trong việc chăm lo cho trẻ ngày càng được chú trọng đề cao. Quan sát con trai chăm sóc các chậu cây trong khuôn viên nhà trường, chị Nguyễn Thị Thơm, phường Quang Trung cho biết: Mỗi lần đến đón cháu, tôi đều được cô giáo giới thiệu các hoạt động ở trường, lớp, cách sinh hoạt và mời đến trực tiếp dự giờ, chơi với con trong một số tiết học và tham gia các hội thi, hoạt động ngoại khóa của trường… Ngoài ra, tôi và nhiều phụ huynh khác còn thường xuyên đóng góp nguyên vật liệu cùng giáo viên làm đồ dùng học tập cho trẻ như chai, lọ, thùng giấy, tạp chí cũ… Qua đó, tôi đã hiểu con mình đã và đang được học những gì trên lớp. Bản thân tôi nắm được một số kiến thức giáo dục, rèn luyện kiến thức, kỹ năng cho con ngay tại nhà, để giúp bé mạnh dạn, tự tin và thích ứng dần với đời sống xã hội.

Có thể thấy, mới trải qua một nửa giai đoạn thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” nhưng đã đem lại những hiệu quả giáo dục tích cực. Qua các trải nghiệm khám phá, hoạt động nhóm, trẻ đã được vui chơi, học hỏi nhiều hơn, thích đến trường mỗi ngày. “Con tôi ngày nào về cũng hát và đọc thơ cho cả gia đình nghe. Mỗi tối khi nhìn thấy mẹ nấu cơm là chạy vào ngồi nhặt rau, rửa rau cùng” - anh Đặng Ngọc Lâm, xã Quyết Thắng hào hứng chia sẻ.