Xây dựng một số ngành học chất lượng cao, một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ (KHCN) mạnh mang tính đặc thù của vùng là một trong những mục tiêu của Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025. Song song với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học, chiến lược lâu dài phát triển đại học vùng của Đại học Thái Nguyên còn có nhiệm vụ quan trọng nữa là nâng cao năng lực cạnh tranh trong giáo dục, đào tạo và KHCN thời kỳ hội nhập quốc tế.
Những năm gần đây, trong bối cảnh giáo dục và đào tạo gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới, cạnh tranh trong tuyển sinh và đào tạo ngày càng quyết liệt, Đại học Thái Nguyên cũng chịu những tác động nhất định. Để kịp thời đổi mới và giữ vững uy tín, sức hấp dẫn của một đại học vùng với bề dầy truyền thống, kinh nghiệm trên 50 năm của nhiều trường đại học hợp nhất lại, Đại học Thái Nguyên đã có những chiến lược trọng tâm, trọng điểm phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu xã hội.
Đến năm 2015, toàn Đại học Thái Nguyên đã chuyển đổi 100% ngành học ở tất cả các bậc học sang phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy đạt từ 90% chỉ tiêu trở lên, trong đó có nhiều ngành học có sức hút lớn, luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; tuyển sinh sau đại học đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Quy mô đào tạo đại học, cao đẳng chính quy được ổn định và giữ vững, quy mô đào tạo sau đại học tăng trưởng với tốc độ 7,6%/năm. Mở ngành, chuyên ngành mới đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, đã mở được 13 chuyên ngành tiến sĩ (vượt 160% chỉ tiêu); 9 chuyên ngành thạc sĩ và tương đương; 30 ngành đại học; 9 ngành cao đẳng; 2 ngành trung cấp chuyên nghiệp và 3 ngành đào tạo nghề.
Số đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, nghiên cứu theo Nghị định thư, các chương trình chuyển giao KHCN vào sản xuất, đời sống tăng. Cụ thể, Đại học Thái Nguyên đã chủ trì triển khai 23 đề tài cấp Nhà nước; 94 đề tài, nhiệm vụ KHCN, dự án cấp Bộ; 327 đề tài cấp Đại học; 1.283 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Số lượng và chất lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế tăng nhanh. Đã có 3 sản phẩm nghiên cứu được đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng chế; 60 công trình nghiên cứu được tặng giải thưởng khoa học, trong đó có 2 giải thưởng Kovalevskaia và 3 giải Nhất “Tài năng khoa học trẻ”. Chuyển giao công nghệ đã bám sát vào yêu cầu của sản xuất, đời sống và phục vụ đắc lực cho đào tạo; bước đầu hình thành doanh nghiệp KHCN trong Đại học.
Thực hiện theo đúng Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học vùng, bộ máy tổ chức của Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên đã được tinh gọn, hiệu quả. Cụ thể, Đại học Thái Nguyên đã thành lập Hội đồng Đại học Vùng; 9 đơn vị thành viên và trực thuộc; 39 đơn vị trực thuộc các đơn vị thành viên; thành lập, giải thể, sáp nhập các ban chức năng, thống nhất số lượng phòng chức năng tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên. Chất lượng đội ngũ được cải thiện một bước quan trọng. Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có trên 4.400 cán bộ viên chức với trên 2.800 cán bộ giảng dạy, tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ đạt trên 25%, với gần 700 tiến sĩ, trong đó có150 GS và PGS.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Đại học Thái Nguyên tiếp tục phát triển theo hướng chuyển dần sang quan hệ hợp tác, đối tác, các bên cùng có lợi; liên kết đào tạo quốc tế, nhập khẩu và phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao được củng cố và tăng cường; kinh phí thu được từ hoạt động hợp tác quốc tế đạt trên 30 triệu USD, tăng 35,9% so với giai đoạn 2010-2015. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học được tăng cường theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đặc biệt, từ năm 2015 trở lại đây, Đại học Thái Nguyên đã được nhiều địa phương, các tỉnh trong khu vực và các tổ chức quốc tế, phi chính phủ hợp tác, “đặt hàng” hàng chục đề tài khoa học, dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Với mục tiêu tập trung nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đại học Thái Nguyên luôn coi trọng chất lượng kiểm định, công bố thường xuyên với xã hội về các chuẩn đầu ra, chuẩn chức danh, năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Hiện, Đại học Thái Nguyên đang đào tạo trên 100 ngành với hơn 170 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học; trên 50 chuyên ngành thạc sĩ với 48 chương trình đào tạo; 30 chuyên ngành tiến sĩ (trong đó 12 chuyên ngành đào tạo theo Đề án 911 của Chính phủ - đào tạo 20.000 tiến sĩ từ nay đến năm 2020) thuộc nhiều lĩnh vực khoa học: Tự nhiên, xã hội, nhân văn, nông, lâm nghiệp, kinh tế, quản trị quản lý, y học, kỹ thuật và công nghệ... ở 7 cơ sở giáo dục đại học thành viên. Đặc biệt, Đại học Thái Nguyên đã và đang hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với trên 20 trường đại học, viện nghiên cứu tầm cỡ quốc tế của các nước Anh, Úc, Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Trung Quốc… Năm 2015 đánh dấu một bước phát triển mới, khi gần 100 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong nước, quốc tế đã đến Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên “đặt hàng” đào tạo nhân lực theo nhu cầu. Điển hình như các ngành: kỹ thuật nông, lâm nghiệp, công nghiệp, tự động hóa, công nghệ thông tin, sư phạm, y - dược, du lịch, thương mại, kinh tế quốc tế…
Có thể nói, với quy mô phát triển ngày càng sâu, rộng đáp ứng nhu cầu xã hội Đại học Thái Nguyên đã và đang vững vàng là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.