Thời gian qua, trên một số phương tiện thông tin phản ánh tình trạng giáo viên mầm non ở một số địa phương trong tỉnh không được thanh toán tiền làm thêm giờ năm 2017 và 2018, khiến dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Để có thêm thông tin chính xác và rộng đường dư luận, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có buổi làm việc với lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn đề này.
Vì sao phải cấp ngân sách hỗ trợ giáo viên mầm non làm thêm giờ?
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 231 trường mầm non, trong đó có gần 200 trường đang trong tình trạng quá tải học sinh (chiếm hơn 87%). Riêng các trường tiểu học, tình trạng quá tải xảy ra chủ yếu tại T.P Thái Nguyên với trên 60%… Đặc biệt, tại các khu công nghiệp có lượng công nhân lớn như Công ty Samsung với hơn 80.000 công nhân, nhu cầu học tập của con em công nhân trong thời gian tới sẽ rất lớn và tiếp tục tạo ra áp lực quá tải ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên đứng lớp cũng chịu áp lực nuôi, dạy trẻ vượt quá số lượng quy định. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã có nhiều biện pháp chống quá tải, như: đầu tư mở rộng, xây mới phòng học, tăng trường và tuyển dụng thêm giáo viên. Tuy nhiên, khó khăn nhất là không tuyển dụng được đội ngũ giáo viên, cô nuôi… Chính vì vậy, gánh nặng lại dồn lên vai đội ngũ đã và đang đứng lớp, nên phát sinh làm thêm giờ. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện còn thiếu 643 giáo viên bậc mẫu giáo, nhà trẻ.
Chính sách đúng nhưng triển khai chưa kịp thời
Theo báo cáo của các phòng GD&ĐT, năm 2017, kinh phí đã cấp đến các trường học (mầm non, tiểu học, THCS) là trên 29 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chi trả là trên 28 tỷ đồng, còn lại trên 1,1 tỷ đồng chủ yếu ở bậc mầm non. Nguyên nhân của việc chưa sử dụng hết kinh phí là do kinh phí chỉ được sử dụng khi có người được hợp đồng làm việc (bố trí kinh phí theo con người). Song thực tế các trường chưa thu hút được người đến làm việc, nên số tiền tỉnh cấp hiện vẫn được quản lý tại Kho bạc Nhà nước.
Năm 2018, kế hoạch kinh phí hỗ trợ được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 39/QĐ-UBND với số tiền là 149,495 tỷ đồng (thực hiện trong 10 tháng của năm). Kinh phí đã cấp từ tháng 1, đến tháng 5-2018 (phân bổ 5 tháng) đã cấp đến các trường học là 84,161 tỷ đồng (đạt 56,3% so với kế hoạch). Điểm mới trong quyết định 39/QĐ-2018 so với Quyết định 98/QĐ-UBND ngày 12/1/2017 là hỗ trợ thanh toán hợp đồng theo khối lượng công việc, còn năm 2017 là hỗ trợ thanh toán theo hợp đồng theo chủ thể người lao động. Các trường cũng đã thực hiện rút kinh phí tại Kho bạc Nhà nước là 49,639 tỷ đồng và đã chi trả hết số tiền này. Số còn lại tiếp tục thực hiện vào đầu năm học mới, sau kỳ nghỉ hè. Bởi thế, từ đây một số ý kiến đã cho rằng việc thực hiện chi trả kinh phí chậm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện báo cáo quyết toán theo kế hoạch của các trường phải đến 30/6/2018 mới thực hiện xong kinh phí của 5 tháng đầu năm 2018. Thực tế, việc quyết toán này dựa trên cơ sở các dữ liệu về thời gian làm thêm giờ của từng bộ phận, từng cá nhân và tổng hợp theo tháng. Một số trường cũng có những thay đổi về nguồn nhân lực như thôi việc, nghỉ tạm thời…
Tuy nhiên, sự chậm trễ trong thanh quyết toán có một phần do thời điểm giao thời thực hiện quyết định giữa năm 2017 và 2018 ngắn, lại vào đúng dịp nghỉ Tết, các hợp đồng chưa thanh lý kịp thời, dẫn đến chậm về thời gian so với quy định đến 31/12/2017. Trên thực tế, đến nay các khoản thanh quyết toán đủ điều kiện, chứng từ của năm 2017 đã được tất cả các trường thanh toán. Như vậy số tiền hỗ trợ của 2 năm theo báo cáo của các địa phương, đơn vị là 178.658 tỷ đồng đang được quản lý và sử dụng theo đúng quy định.
Chính sách dạy trẻ khuyết tật có những khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ
Một số ý kiến cho răng, việc giáo viên dạy tại lớp mầm non có trẻ khuyết tật học hòa nhập nhưng chưa được hưởng chế độ theo khoản 2, Điều 7, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ. Thực hiện theo Công văn số 3386/BGDĐT-KHTC ngày 08/7/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ, UBND tỉnh đã có công văn số 2553/UBND-KGVX ngày 22/7/2016 việc triển khai khoản 1, Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP. Ngày 26/7/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn số 985/SGDĐT-TCCB về việc thực hiện chế độ đối với viên chức triển khai thực hiện chế độ này. Hiện tại, giáo viên dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập tại những đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đã được triển khai thực hiện hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi. Tuy nhiên, trên thực tế thời điểm tập hợp hồ sơ là không kịp thời. Một trong những nguyên nhân chính là gia đình đối tượng học sinh có biểu hiện khuyết tật chưa sẵn sàng hợp tác, thừa nhận tình trạng bệnh, tật của con, cháu mình, dẫn đến quá trình vận động, xác lập hồ sơ hợp lệ khó chính xác, không kịp thời.