Quá trình toàn cầu hoá của thế giới hiện đại hiện nay, xã hội hoá là xu thế khách quan đối với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội rộng lớn và sâu sắc. Vì thế, xã hội hoá giáo dục không thể không chi phối những hoạt động giáo dục, đào tạo dưới nhiều nội dung, hình thức khác nhau. Song đây lại là vấn đề mới vận hành theo cơ chế thị trường, đặt ra nhiều điểm mới cần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.
Giáo dục là hoạt động có mục đích, có định hướng, có tổ chức, có nội dung, yêu cầu nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người kế tiếp lực lượng lao động mới có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật, có năng lực đảm đương và hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong tương lai. Những hoạt động giáo dục được tiến hành trong điều kiện toàn cầu hoá các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xu thế toàn cầu hoá mạnh mẽ của thế giới hiện đại, hiện nay đã cuốn hút mọi hoạt động của mọi quốc gia vào xu thế chung đó. Cho nên xã hội hoá giáo dục là một hoạt động của xã hội, tuân theo xu thế khách quan đó cả ở cấp quốc gia và cấp khu vực, quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Huyền (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) chia sẻ: “Xã hội hoá giáo dục với chúng ta là khái niệm mới, mặc dù đã nhắc đến nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nội hàm của nó còn có những cách hiểu khác nhau. Chính do cách hiểu khác nhau ấy mà có nhiều cách làm khác nhau, dẫn đến những chất lượng, hiệu quả khác nhau. Không ít người cho rằng xã hội hoá giáo dục là do xã hội thực hiện. Mọi hoạt động giáo dục đều do xã hội phải lo liệu như kinh phí giáo dục, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, trách nhiệm giáo dục... Cách hiểu như vậy không xác định được đâu là chủ thể giáo dục, đâu là đối tượng giáo dục, đâu là môi trường giáo dục và đâu là sự kết hợp các mối quan hệ ấy trong quá trình giáo dục. Xã hội hoá giáo dục là làm cho hoạt động giáo dục mang tính xã hội. Trong đó người đi giáo dục và người được giáo dục trong mọi hoạt động về nội dung và phương thức thực hiện, kết quả đạt được đều mang tính xã hội, tính chuẩn mực xã hội rất cao. Giáo dục nhằm bồi đắp cho người học tư tưởng, hình thành ý thức chính trị, nhân cách, bản lĩnh dân tộc cùng với những tri thức khoa học, kỹ thuật, văn hoá, đạo đức, lối sống. Xã hội hoá giáo dục là làm cho các hoạt động mang tính giáo dục của xã hội được huy động vào quá trình giáo dục một cách tích cực, có hiệu quả. Xã hội hoá giáo dục cũng có nghĩa là xã hội tham gia giải quyết một cách phù hợp những vấn đề giáo dục đang đặt ra. Xã hội hoá giáo dục là đa dạng hoá các loại hình giáo dục, là mở rộng quy mô đáp ứng yêu cầu giáo dục của xã hội, là xây dựng cơ cấu ngành học, cấp học hợp lý, là kiểm soát được chất lượng đào tạo toàn diện và ngày càng nâng lên, là hướng tới đáp ứng các yêu cầu phát triển xã hội”.
Ở góc độ thu hút đầu tư, hoạt động xã hội hóa có nghĩa là thu hút nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực cơ hữu để nâng cấp, hiện đại hóa môi trường giáo dục theo hướng tiên tiến, hiện đại đạt các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chất lượng dạy và học đặt lên hàng đầu. Và bài toán kinh tế trong nền kinh tế thị trường, giáo dục được coi là một sản phẩm, khi có môi trường giáo dục hiện đại (chuẩn quốc tế), thì nhà đầu tư phải trả lời với xã hội bằng sản phẩm giáo dục chất lượng tương xứng (giáo viên chất lượng cao, chuẩn quốc tế và tạo ra sản phẩm học sinh cũng phải đạt chất lượng cao, chuẩn quốc tế). Hiện nay, ở nước ta thực hiện đa dạng hoá cấp học, ngành học; đa dạng hoá phương thức và hình thức giáo dục cho phù hợp với kinh tế thị trường cũng là một cách để xã hội hoá giáo dục. Chỉ qua việc đa dạng hoá giáo dục đại học những năm qua cho thấy: Đến nay cả nước có gần 400 trường đại học và cao đẳng, tăng gần 4 lần so với 1987. Năm 1987 không có trường ngoài công lập, đến nay có gần 100 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, chiếm trên 20%.
Đến nay cả nước có 50/63 tỉnh, thành phố có trường đại học; 60/63 tỉnh thành có trường cao đẳng; có 63/63 tỉnh thành có ít nhất 1 trường cao đẳng hoặc đại học đào tạo liên kết. Riêng tỉnh Thái Nguyên có 2 đại học, trong đó Đại học Thái Nguyên có 7 đại học, hai khoa đào tạo đại học và một phân hiệu đại học, một trường cao đẳng; Đại học Việt Bắc (Đại học tư thục). Ngoài ra còn có các phân hiệu đại học của Đại học Luật, Giao thông - Vận tải…Thực chất cơ chế quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đã tạo điều kiện mở cửa cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cho giáo dục không chỉ bậc học đại học mà cả các bậc học từ mầm non, nhóm trẻ trở lên... trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, thực tế đã trả lời về chất lượng nguồn nhân lực sau khi đào tạo. Hầu hết không đạt chuẩn và không đáp ứng được vị trí việc làm theo yêu cầu cảu doanh nghiệp, của các cơ quan và xã hội. Ở các bậc học mầm non, tiểu học…các nhà đầu tư mới tập trung vào cơ sở vật chất, môi trường và dịch vụ phục vụ, chứ chưa thể thu hút được những chuyên gia giỏi, nhà giáo dục hoặc các nhà khoa học tầm cỡ quốc tế tham gia cộng tác vào quá trình đầu tư phát triển giáo dục ở các trường. Nhiều trường thành lập và tuyển sinh còn chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố về đất đai xây dựng trường; đội ngũ giảng viên; vốn đầu tư; các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy và học...Điều đó đã để lại hệ quả là nếu cơ sở, nhà trường nào đó lập ra với mục đích kinh doanh, lấy mục tiêu lỗ lãi về tài chính, coi nhẹ chất lượng giáo dục toàn diện, lấy con người làm trung tâm thì đều thất bại; đi trái với quy luật cũng như mục tiêu xã hội hoá giáo dục và thực chất đó là thị trường hoá giáo dục. Chính vì vậy, tiến hành xã hội hoá giáo dục không có nghĩa xem nhẹ, càng không phải giản đơn hoá, thu hẹp vai trò chủ thể giáo dục của nhà trường, của hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: “Xã hội hoá giáo dục là phát huy vai trò của các chủ thể trọng yếu mà nền giáo dục nước nhà đã tổng kết thành phương châm: Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đây là quá trình kết hợp nhiều quy luật: Quy luật sư phạm, quy luật quản lý hệ thống, quy luật kinh tế, quy luật xã hội, quy luật nhận thức trong quá trình xã hội hoá giáo dục. Sự kết hợp này đã cho ta những kết quả giáo dục toàn diện, đào tạo các thế hệ góp phần hoàn thành xuất sắc sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Trong điều kiện hiện nay của xu thế toàn cầu hoá, hội nhập với thế giới hiện đại, chúng ta cần nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới các hoạt động của quá trình kết hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục một cách phù hợp, thiết thực”.
Từ thực tế quá trình phát triển của nền giáo dục nước ta những năm vừa qua, cũng như giáo dục của tỉnh có thể thấy hoạt động xã hội hóa giáo dục đã và đang đem lại nhiều chuyển biến tích cực cho giáo dục. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề thu hút đầu tư cho giáo dục ở góc độ kinh tế lại là cả một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh lịch sử và quá trình vận động phát triển của xã hội. Nếu như chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, dịch vụ phụ vụ hiện đại thôi mà không đề cập đến các tiêu chuẩn, tiêu chí về đội ngũ, chuẩn đầu vào, chế độ đóng góp, thu nhập và giá trị dịch vụ đào tạo, chất lượng sản phẩm đào tạo, cơ chế quản lý, quản trị… thì khó có thể thành công.