Cải thiện bữa ăn cho học sinh nội trú

14:52, 12/07/2018

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500 học sinh dân tộc thiểu số được lựa chọn theo học tại 5 trường phổ thông dân tộc nội trú bậc THCS và một trường phổ thông dân tộc nội trú bậc THPT của tỉnh. Thực tế tại các trường nội trú cho thấy, việc thực hiện một số chế độ, chính sách cho đối tượng học sinh này còn có những khó khăn, nhất là việc tổ chức bữa ăn tập thể chưa đảm bảo chất lượng.

Theo chính sách hiện tại, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú đang hưởng mức học bổng bằng 80% mức tiền lương cơ sở (theo quy định tại Thông tư liên bộ số 109/2009/TTLT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày 29-5-2009), tương đương với mức 1.040.000 đồng /học sinh/tháng. Học sinh phải ở nội trú, nên hoạt động ăn, uống hàng ngày đều tập trung tại ký túc xá của nhà trường, do đó nhà trường đã sử dụng toàn bộ số học bổng này cho việc tổ chức ăn, uống hàng ngày cho học sinh, với mức trung bình 33.500 đồng/ngày (gồm ăn sáng, trưa, tối và mua chất đốt).

Thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh cho biết: “Học sinh trường dân tộc nội trú đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nên gia đình hầu như không có gì hỗ trợ thêm cho các cháu. Mỗi ngày 33.500 đồng/học sinh/3 bữa lại còn phải chi phí tiền thực phẩm (gạo, thịt, rau, dầu, mắm, muối, gia vị, ...); tiền chất đốt (gas, than, củi, ...) và tiền dầu rửa. Có thể nói, với định mức này chỉ bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; cơm đủ no, thức ăn nóng, sạch và thực đơn các bữa có khác nhau, nhưng không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Cục Y tế dự phòng về dinh dưỡng và tính đa dạng của thực đơn. Trong khi học sinh cấp THPT đang có nhu cầu rất cao về dinh dưỡng để phát triển thể trạng”.

Với góc quan sát của giáo viên bậc THCS, cô giáo Tống Thị Huệ, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ chia sẻ: Năm nào Nhà trường cũng kiểm tra sức khỏe các học sinh đầu vào, nhưng thực sự rất lo ngại vì hoàn cảnh gia đình, môi trường sống của các em khó khăn, nên khi nhập trường học sinh gầy, yếu. Năm nào cũng có từ 5 đến 7 em vào lớp 6 có biểu hiện suy dinh dưỡng. Các em này chỉ cân nặng có 18-19kg, số còn lại cũng chỉ ở mức 20-25kg. Các em đang độ tuổi phát triển nên có nhiều em mỗi bữa ăn từ 4 đến 5 bát cơm, nhất là các em học sinh nam. Giá các mặt hàng liên tục tăng, trong khi định mức hỗ trợ học bổng để tổ chức bữa ăn hàng ngày cho học sinh lại không theo kịp, nên chất lượng dinh dưỡng bữa ăn cho học sinh chưa bảo đảm. Hàng ngày lo bữa ăn cho các em mà nhiều lúc cảm thấy ái ngại.

Còn thầy giáo Phùng Đức Lai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Bình Yên (Định Hóa) thì cho biết thêm: “Với huyện xa như Định Hóa còn phải chịu tác động chi phí vận chuyển hàng hóa. Đơn cử như mỗi bình gas  ở T.P Thái Nguyên năm 2017 là 310.000 đồng /bình loại 12kg, năm nay là 355.000 đồng/bình, thì lên đến Trường phải cộng thêm 20.000 đến 30.000 đồng /bình. Các loại rau và nguyên liệu phục vụ bữa ăn cũng đều tăng thêm chi phí vận chuyển, trong khi định mức hiện tại đều là 1.040.000 đồng /học sinh/tháng. Để khắc phục, Nhà trường đã vận động cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh tăng gia thêm rau, nuôi lợn, gà… rồi bán lại cho nhà bếp, nhưng cũng chỉ là góp phần cải thiện bữa ăn và không được thường xuyên”.

Từ thực tế trên có thể thấy việc cân đối hỗ trợ ngân sách theo phương án dự kiến của ngành Giáo dục và Đào tạo là 20% mức lương cơ sở/học sinh/tháng cùng với mức học bổng hiện tại sẽ bảo đảm cung cấp các bữa ăn trong ngày, góp phần cải thiện đời sống học sinh nội trú. Bên cạnh đó, các trường cũng cần tiếp tục tổ chức  hoạt động tăng gia sản xuất để chủ động cải thiện đời sống cả giáo viên và học sinh hàng ngày, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học nội trú.