“Người lái đò” trên núi

10:36, 31/08/2018

Không chỉ cán bộ, giáo viên mà nhiều người dân ở tỉnh Thái Nguyên và T.P Hà Nội gọi thầy giáo Trần Anh Tú, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ) là “Người lái đò” trên núi. Cảm phục một người thầy nhân cách, có tình yêu thương đồng nghiệp và hết lòng vì học trò, thông qua thầy, nhiều “Mạnh Thường Quân” trong, ngoài tỉnh đã hỗ trợ hàng tỷ đồng để Trường có một cơ sở vật chất khang trang, giáo viên, học sinh không phải dạy chay, học chay. Có cơ sở vật chất bảo đảm, con em đồng bào các dân tộc vùng cao gắn bó hơn với trường, lớp, nhiều em trở thành học sinh giỏi cấp tỉnh.

Năm học mới 2018-2019 được bắt đầu với những bận rộn, lo toan. Thầy giáo Trần Anh Tú và các thầy cô trong Ban Giám hiệu Nhà trường “chạy như chong chóng”: Vừa lo việc hợp đồng thợ sửa chữa nhà lớp học, sân chơi dành cho học sinh; kiểm tra lại các thiết bị hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên; tìm hợp đồng lao động cấp dưỡng cho học sinh nội trú; chỉ đạo giáo viên làm thủ tục tiếp nhận học sinh mới đầu cấp; làm phổ cập giáo dục Tiểu học… Bận rộn nhiều rồi cũng quen, mọi việc đầu năm học nhanh chóng đi vào nền nếp.

Biết cái nghiệp đưa từng lớp măng non sang bờ tri thức ở vùng cao, miền núi là khó, khổ, nhiều thầy, cô lớp trước bỏ nghề, nhưng Trần Anh Tú, lúc bấy giờ là chàng trai 19 tuổi đã đăng tên vào học Trường Sư phạm 10+3 Thái Nguyên. Học được 2 năm thì biên giới phía Bắc xảy ra chiến tranh, anh cùng các bạn viết đơn tình nguyện tham gia Quân đội. Anh kể: Tháng 6-1979, tôi nhập ngũ. Trước đó 3 tháng, em trai tôi đã tình nguyện lên biên giới phục vụ chiến đấu.

Có lẽ vì “nặng căn” với sự nghiệp giáo dục, nên sau 3 tháng thao trường, anh được điều động lên tỉnh Lạng Sơn cùng đơn vị làm nhiệm vụ trực chiến. Ở tuyến lửa chưa ấm chỗ, cấp trên điều động anh về tỉnh Bắc Giang làm nhiệm vụ dạy bổ túc văn hoá cho bộ đội. Tháng 8-1983, hoàn thành nghĩa vụ người lính, anh trở về trường cũ, tiếp tục học nghiệp “gõ đầu trẻ”. Thấy anh có “bề dày” dạy học trong Quân đội, Ban Giám hiệu Nhà trường quyết định đặc cách, xếp anh vào học hệ cao đẳng. Vậy là thêm 2 năm mài bút, luyện nghề, anh tốt nghiệp và được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đồng Hỷ xếp việc làm chuyên viên Tổ Phổ thông, kiêm nhiệm một số các hoạt động Đoàn, Đội và phong trào thể dục thể thao của ngành.

Làm cán bộ Phòng, oách đấy, song trong thâm tâm anh luôn ao ước được làm người thầy dạy chữ cho trẻ nhỏ. Nhưng phải sau 20 năm (1985-2005) anh mới được lãnh đạo huyện điều động về cơ sở, đồng thời bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Sơn. Một ngôi trường được bạn bè trong ngành Giáo dục ví von: Đó là ngôi trường chưa có tên trên bản đồ giáo dục của tỉnh. Anh biết rất rõ điều đó. Vì cả khuôn viên Trường rộng 5.000m2, chỉ có một dãy nhà xây 2 tầng, 8 phòng học, còn lại là đất, đá và cỏ dại. Khi trời mưa, nước kéo theo bùn đất từ trên núi ào xuống, lớp nhớp bẩn và nguy hiểm. Nhìn cảnh học trò ngồi tập viết, tập vần trên bàn ghế tạm bợ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và lên kế hoạch đi xin đồ cũ về trang bị cho Nhà trường.

Nhớ lại việc đi xin đồ secon hand, thầy Tú xúc động: Do có thâm niên công tác trong ngành giáo dục, nên tôi có nhiều bạn bè thân thiết ở các tỉnh, thành. Nhiều nhất là các tỉnh trong vùng Việt Bắc, nhưng tôi quyết định về Thủ đô Hà Nội, vào các trường tiểu học ở quận Thanh Xuân là: Nhân Chính, Khương Mai, Khương Đình, Nguyễn Trãi, Phương Đình… trình bày hoàn cảnh, xin lại bàn ghế cũ cho học sinh của trường mình. Nghe vậy, ai cũng ngạc nhiên, có người xúc động khóc nấc thành tiếng, bảo: Một ngôi trường cách Hà Nội chưa đầy trăm cây số, sao lại nghèo đến mức học sinh chưa đủ bàn, ghế ngồi học?.

Hơn 250 bộ bàn ghế, 10 bảng từ của các trường được gom lại, thầy trở về Thái Nguyên, đến Trung đoàn Vận tải 651 (Quân khu 1) nhờ giúp đỡ. Nghe chuyện, chỉ huy đơn vị điều động giúp Trường 3 xe ô tô vận tải về Hà Nội chuyển đồ. Ngày hôm đó, thầy Tú cùng 5 giáo viên của trường đi theo xe, tự bốc xếp hết đồ đạc và trở về đến sân trường lúc 2 giờ sáng. Chỉ một loáng, sân trường đã ríu ran tiếng người, cán bộ, giáo viên và người dân hồ hởi giúp chuyển đồ vào phòng học. Thầy Tú phấn chấn: Số đồ dùng học tập của bạn bè Hà Nội tặng, không chỉ trang bị đủ cho lớp học của trường, mà còn có dư để cho nhà văn hóa xã, và Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng sử dụng.

Về Hà Nội xin đồ cũ: Năm 2006 là bàn ghế, bảng từ; năm 2007 là 20 bộ máy vi tính. Thầy Tú nói vui: Nhiều bạn bè bảo tôi “đi buôn đồng nát”, tôi không ngại. Học trò Trường tôi đang rất cần đồ dùng học tập. Hơn 10 năm trước, tôi cùng các thầy cô giáo của Trường tự lắp đặt được phòng máy vi tính, toàn máy cũ xin về, nhưng cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin.

Để bùn đất từ núi không tràn xuống sân trường, năm 2008 thầy Tú đến UBND xã Quang Sơn, rủ thêm các ông: Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã; ông Nguyễn Văn Thảnh, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Âu Văn Xuân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã đi xin đá, cát, xi măng về xây bờ kè phía sau Trường. Thấy thầy Tú và lãnh đạo địa phương nhiệt tình, đau đáu lo an toàn cho học sinh, một số “Mạnh Thường Quân” trên địa bàn đã mở lòng, giúp Trường có đủ vật liệu xây dựng hoàn thiện bờ kè đá dài 120m, tính từ móng lên cao 2,5m, nhiều đoạn riêng phần móng phải đào sâu tới 3m.

Xà xã vào cuộc, chỉ trong ít năm, thầy Tú đã gom được tiền của, công sức ngoài “thiên hạ” để tạo dựng nên một ngôi trường bề thế, khang trang. Mừng nhất là bà con bản người Mông Lân Đăm, họ rủ nhau đến điểm trường xem con cháu được ngồi học trong nhà xây chắc chắn. Còn bà con người Mông bản Trung Sơn, con cháu đến lớp học chữ đã được uống nước, rửa mặt bằng nước giếng khoan. Thầy Tú nhớ lại: Do địa chất phức tạp, chúng tôi phải khoan đến cái giếng thứ 7, sâu 40m mới có được nước sạch cho điểm trường và đồng bào trong vùng sử dụng. Ngoài nhà lớp học và công trình phụ trợ khác, một khoảng sân rộng hơn 1.000m2 được bê tông hoá, quanh sân trường được trồng cây xanh che nắng cho thầy, trò tập luyện thể dục thể thao. Và mỗi sáng đầu tuần, những học trò tiêu biểu, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện được Nhà trường biểu dương dưới cờ Tổ quốc. Cũng trên sân trường ấy, năm 2009 Trường Tiểu học Quang Sơn vinh dự đón Bằng công nhận đạt Trường chuẩn Quốc gia.

Trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, khó khăn nhất là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học. Cũng bởi thế mà Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện “chọn mặt gửi vàng”, điều động thầy Tú lên xã vùng cao Văn Lăng làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng. Thầy Tú chia sẻ: Mới đó đã gần 7 năm (từ ngày 1-12-2011 đến nay) nhận nhiệm vụ ở địa bàn khó, khổ nhất huyện, ngay ngày đầu đến văn phòng, hình ảnh các em nhỏ lầm lụi xuống núi, vào lớp học với cái bụng lép đã như một động lực hối thúc: Mình sẽ làm được gì cho bọn trẻ.

Thương học trò như con, nên dù đường xa, từ nhà đến trường mất hơn 60 phút đi xe máy, nhưng ngày nào thầy cũng có mặt từ sáng sớm, rồi tối muộn mới trở về. Thầy băn khoăn: Cơ sở vật chất của trường hết sức tạm bợ, nếu vận động phụ huynh đóng góp sẽ rất khó, vì không ít đồng bào có quan niệm: “Học cũng ăn, không học cũng ăn”. Đành làm người cha nghèo, vừa “dỗ dành” các con đến lớp, lại tranh thủ về các mối quen thân ở Hà Nội xin đồ cũ về dùng. Và bằng cách đi xin, năm 2013, trường đã lắp đặt được 1 phòng học vi tính với 20 máy, có mạng internet. Năm 2014, toàn bộ các phòng học của trường được lắp đặt ti vi, đầu đĩa hỗ trợ cho công tác dạy và học.

Cho đến bây giờ, nhiều người dân xã Văn Lăng vẫn nhớ như in câu chuyện các thầy, cô giáo và phụ huynh cùng nhau đến các công trình cũ do địa phương dỡ bỏ để đẽo vữa lấy gạch. Rồi vai gánh, xe rùa đẩy mướt mát mồ hôi, ròng rã hơn 1 tháng, bất chấp nắng, mưa dưới trời hè năm 2013. Hàng chục vạn viên gạch được xếp gọn thành kiêu bên chân núi, chuẩn bị cho việc xây dựng tường rào bao quanh trường. Trước đó, thầy Tú đã nhờ một doanh nghiệp mang máy xúc, máy gạt đến san đất, mở rộng thêm 2.250m2 mặt bằng, nâng tổng diện tích mặt bằng khuôn viên Trường lên 7.000m2. Đã có gạch, thầy lại đến các cơ quan, xí nghiệp xin xi măng, cát. Còn tiền công xây dựng, phụ huynh tự nguyện đóng góp 100.000 đồng/học sinh. Nhiều người dân không có con em theo học ở Trường cũng xin được đóng góp tiền ủng hộ.

Có trường, lớp học chắc chắn, an toàn, phụ huynh yên tâm gửi con em đến lớp, các em học sinh cũng hăng hái, tích cực học tập. Thầy Tú tự hào: Từ năm học 2012-2013 đến nay, Trường không có học sinh bỏ lớp. Hơn thế, Trường bắt đầu có học sinh giỏi các cấp. Trong 6 năm gần đây, Trường có hơn 20 học sinh giỏi cấp tỉnh, hơn 60 học sinh giỏi cấp huyện. Năm 2014, Trường vinh dự đón nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia. Năm học 2017-2018, tham gia thi giáo viên dạy giỏi, cô giáo Nông Thị Trang, giáo viên đầu tiên của Trường đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Tôi đưa mắt nhìn ra khoảng sân trường đầy nắng ấm, thấy ở đó có các học trò nhỏ đang nhảy nhót, nô đùa. Chúng gọi thầy Tú là cha và thầy cũng coi chúng như con. Bởi từ ngày lên Văn Lăng nhận nhiệm vụ, năm nào thầy Tú và cán bộ, giáo viên trong trường cũng dành một khoản tiền lương để mua bánh, kẹo, quả chín tổ chức cho học sinh vui đón Tết trông trăng. Dịp Tết Nguyên đán, 100% học sinh của Trường đều được nhận quà của thầy, cô giáo.

Sau khoảnh khắc trầm lặng, nghĩ suy, thầy Tú chợt nhận ra mái tóc mình đã bạc nhiều. Tôi động viên: Gần cả cuộc đời theo nghề “lái đò” trên núi, thầy đã đưa sang bờ bến tương lai bao con người. Với riêng tôi, thầy là người hạnh phúc nhất. Vì trong trái tim thầy luôn nặng lòng với “nghề lái đò”, một nghề cao quý, và chỉ những người cao quý mới làm được những công việc như thầy.