Những ngày vừa qua, tại một số địa phương, phụ huynh và học sinh gặp khó khăn trong việc mua sách giáo khoa (SGK) cho năm học 2018-2019. Vì thế, trong dư luận xuất hiện nhiều băn khoăn chung quanh việc cung ứng SGK hiện nay chỉ do một đơn vị là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) thực hiện gây nhiều bất cập, ảnh hưởng đến học sinh.
In hơn 110 triệu bản, vẫn "thiếu"
Những ngày qua, nhiều cửa hàng sách luôn trong tình trạng không có SGK để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Ngày 25-8, tại cửa hàng sách trên đường Phó Ðức Chính (quận Ba Ðình, Hà Nội), thuộc Công ty Sách và thiết bị trường học Hà Nội, nhân viên bán hàng cho biết, khoảng hai tuần gần đây, cửa hàng không còn một bộ SGK nào, trong khi nhu cầu tìm mua sách của phụ huynh học sinh tăng cao. Chị H, có con vào lớp 10 Trường THPT Phan Ðình Phùng (Hà Nội) là một trong những phụ huynh dở khóc dở cười vì chưa mua đủ SGK cho con. Trao đổi với chúng tôi, chị H cho biết: Những năm trước, nhà trường tổ chức đăng ký mua sách cho học sinh nhưng năm nay, do cháu vào đầu cấp cho nên khi tựu trường mới đăng ký mua sách thì nhà trường không nhận phát hành SGK nữa. Vì vậy, chị phải ra các cửa hàng sách để mua nhưng đến ngày 25-8 vẫn thiếu các cuốn SGK văn, sử, địa. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau khi tựu trường, một số học sinh vẫn chưa mua được SGK. "Tôi trực tiếp đi mua SGK cho học sinh nhưng cũng không có, mặc dù số SGK còn thiếu không đáng kể", cô Thuận cho biết. Tuy nhiên, tại Trường THPT Ðoàn Kết (Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau khi tựu trường, học sinh vẫn có thể đăng ký mua SGK với nhà trường, đến ngày 10-8 nhà trường phát hành đầy đủ SGK phục vụ năm học mới cho học sinh.
Theo Cục trưởng Cơ sở vật chất, thiết bị trường học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Phạm Hùng Anh, thực hiện chỉ đạo của Bộ, tính đến ngày 24-8, NXBGD đã in vượt kế hoạch khoảng 10%, số lượng đạt hơn 110 triệu bản SGK. Như vậy, so với số học sinh, về tổng thể năm học 2018-2019 không thiếu SGK. Tuy nhiên, đã xảy ra tình trạng thiếu cục bộ những ngày qua do bản thân các đại lý bán sách không lường được nhu cầu để đăng ký nhập SGK về bán. Vì vậy, nhiều khu vực, khi dân số tăng nhanh, số lượng học sinh nhiều đã dẫn đến cửa hàng sách không đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, những năm gần đây, học sinh tiểu học, học hai buổi/ngày và không có bài tập về nhà cho nên sẽ để lại SGK trên lớp. Nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh học sinh lớp 1 khu vực thành phố có tâm lý buổi tối về nhà vẫn kèm cặp con học cho nên thường mua thêm một bộ SGK để ở nhà, dẫn đến nhu cầu tăng cao, thiếu cục bộ tạm thời ở một số nơi. Ngoài ra, do tâm lý năm 2019 sẽ thực hiện chương trình, SGK mới cho nên một số nhà phân phối sách không thuộc hệ thống ngành giáo dục đã nhập ít SGK về bán, nhằm tránh tình trạng tồn kho nhưng cũng vì thế mà dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ SGK.
Theo NXBGD, để chuẩn bị SGK cho năm học 2018-2019, từ tháng 11-2017 đã tổ chức đấu thầu in SGK với gần 100 nhà in trong cả nước tham gia; tổ chức hai tháng cao điểm phát hành sách giáo dục dịp hè năm 2018… Tuy nhiên do có sự đột biến về số lượng học sinh ở một vài địa phương, cho nên xảy ra hiện tượng thiếu SGK cục bộ, tạm thời. Ðể khắc phục tình trạng thiếu sách cục bộ, NXBGD đã khẩn trương cung ứng bổ sung SGK, phục vụ đầy đủ nhu cầu của học sinh trước ngày khai giảng. Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGD Nguyễn Ðức Thái cho biết, đã lập số điện thoại đường dây nóng để nhanh chóng tiếp nhận thông tin, kịp thời cung ứng SGK cho học sinh, đồng thời đưa ra các giải pháp xử lý kiên quyết đối với những điểm phát hành sách lợi dụng tâm lý lo lắng thiếu sách để tăng giá sai quy định.
Nhiều tổ chức, cá nhân được biên soạn, xuất bản SGK
Mặc dù NXBGD khẳng định bảo đảm đủ SGK đáp ứng nhu cầu của học sinh trước khai giảng năm học mới, song, tình trạng thiếu sách cục bộ tạm thời vẫn xảy ra trong những ngày qua, gây nhiều băn khoăn, lo lắng cho phụ huynh học sinh. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc xuất bản SGK chỉ do một mình NXBGD thực hiện, không có sự cạnh tranh. Vì vậy, cần có sự đa dạng trong việc biên soạn, xuất bản, cung ứng SGK nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), trước đây quy định, việc biên soạn SGK là trách nhiệm của Bộ; việc xuất bản, phát hành SGK thuộc trách nhiệm của NXBGD.
Tuy nhiên, thực hiện đổi mới chương trình, SGK, sắp tới sẽ có một chương trình, nhiều bộ SGK sẽ không còn tình trạng duy nhất một tổ chức, cá nhân biên soạn SGK nữa. Nghị quyết số 88 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông nêu rõ: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Quyết định số 404/QÐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng nêu: Bộ GD và ÐT huy động kinh phí của các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân để biên soạn các SGK (ngoài bộ SGK do Bộ GD và ÐT tổ chức biên soạn). Như vậy, để thực hiện chương trình, SGK mới, sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn và các nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản SGK.
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, để thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới từ năm 2019, Bộ đã ban hành quy định về tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Theo đó, tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký và nộp bản thảo SGK đến nhà xuất bản đáp ứng điều kiện quy định. Trong khi đó, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa, cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp bổ sung giấy phép cho các nhà xuất bản thuộc: Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Trường đại học Sư phạm Huế có chức năng xuất bản SGK.
Như vậy, việc sớm triển khai để các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có thể biên soạn, xuất bản, cung ứng SGK theo đúng quy định là cần thiết, tránh tình trạng độc quyền trong xuất bản SGK dễ gây khó khăn, thiệt thòi cho học sinh.