Từng mơ ước trở thành bác sĩ nhưng cuối cùng, nghe lời mẹ, cha, chị tiếp nối truyền thống của gia đình đi theo ngành Sư phạm. Từ khi tốt nghiệp Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Thái Nguyên) và chập chững vào nghề cho đến tận bây giờ, chị không còn tiếc nuối về sự lựa chọn của mình nữa.
Dù không trở thành bác sĩ nhưng chị lại là người truyền thụ những kiến thức về sinh học cho học sinh thực hiện mong muốn còn dang dở của chị năm xưa. Chị là Phạm Thị Thu Nga, Tổ trưởng Tổ chuyên môn bộ môn Sinh học, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên.
Chị tâm sự: Sinh học là một môn khá đặc biệt. Đây là môn khoa học về sự sống nên không chỉ đòi hỏi học sinh phải chăm chỉ nghiên cứu, tìm tòi, làm các bài tập khó mà còn phải thực hiện nhiều hình vẽ… Để khơi dậy sự yêu thích và say mê môn học của học sinh, mỗi giờ lên lớp, tôi luôn cố gắng chuẩn bị đầy đủ đồ dùng dạy học, thiết kế các bài giảng bằng power Poit kết hợp với sự đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Lượng kiến thức môn chuyên rất lớn nên để học sinh học tập hiệu quả, tôi thường hướng dẫn các em cách đọc sách, thu thập thông tin, ghi nhớ kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài qua ngân hàng đề với các mức độ khó, dễ khác nhau.
Cống hiến hết mình cho những bài giảng, dành nhiều tâm huyết cho học sinh, thành quả mà chị thu được là 29 học sinh do chị trực tiếp bồi dưỡng đã đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia (trong đó có 1 giải Nhất, 9 giải Nhì, 14 giải ba và 5 giải Khuyến khích). Đáng lưu ý nhất là 1 học sinh do chị rèn luyện, bồi dưỡng được nhận Bằng khen tại kỳ thi Olympic Quốc tế lần thứ 19 ở Ấn Độ…
Với những kết quả đã đạt được, năm 2011, chị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác giáo dục. Ngoài ra, chị còn được nhận 17 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của UBND tỉnh…; 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 15 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2017, chị được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Ở tuổi 51, không chỉ thành công trong công tác chuyên môn, chị Nga còn có một tổ ấm hạnh phúc bên chồng và các con. Chị luôn cảm ơn người chồng biết sẻ chia với những vất vả trong công việc của chị, nhất là những lần chị cùng đội tuyển tham gia các đợt “huấn luyện” xa nhà nhiều ngày… Không chỉ có vậy, chị luôn được bạn bè đồng nghiệp quý mến. Dù công việc khá bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian dự giờ, trao đổi, góp ý tận tình để mỗi giờ giảng của đồng nghiệp đảm bảo về chất lượng giảng dạy và hấp dẫn học sinh…
Mỗi khi nhắc đến cô giáo Nga, lớp lớp thế hệ học trò đều nhớ về cô với tình cảm thương yêu, trân trọng nhất. Nhiều học trò khi đã đi học đại học, đi làm… vẫn biên thư tay về cho cô. Trong ấn tượng của học trò, cô Nga không chỉ là một người “thầy” mà còn là một người mẹ rất đỗi dịu dàng. Nhất là với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô luôn dành cho các em sự quan tâm rất đặc biệt. Thời điểm Trường THPT Chuyên Thái Nguyên còn khu ký túc xá học sinh, không kể khuya, sớm, cô thường dành thời gian đến đôn đốc việc học hành và chăm lo sức khỏe cho học sinh của mình. Trong đó, có trường hợp của học sinh Trần Văn Long, lớp chuyên Sinh K20, ở xã Cù Vân (Đại Từ), gia đình khó khăn, bố mẹ đều làm nông nghiệp. Do thiếu can-xi nên mỗi khi bị cảm lạnh là Long bị co giật… Cô Nga thường xuyên quan tâm chăm sóc cho em rất tận tình, làm thêm đồ ăn mang đến cho em. Sau này, Long đã trở thành bác sĩ quân y. Bạn luôn biết ơn, quý trọng mẹ Nga - người đã yêu thương và quan tâm đến Long suốt những năm học cấp ba. Với chị Nga, việc bồi dưỡng để có học sinh đoạt giải các cấp rất quan trọng nhưng có điều quan trọng hơn làm thế nào để học sinh có vốn sống. Bởi thế, chị luôn rèn kỹ năng “mềm” cho học trò của mình thông qua những buổi trò chuyện, những chuyến đi thực tế… Qua đó, giúp các em tạo lập được tính độc lập, năng động, sáng tạo, đoàn kết, biết tương trợ và giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Vào nghề từ năm 1989, đến nay đã được 29 năm, trong đó 11 năm công tác tại Trường THPT Lê Hồng Phong - Phổ Yên và 18 năm giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, chị Nga luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ - “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chị cho hay: Tôi rất đỗi tự hào khi mình đã theo đuổi sự nghiệp trồng người. Thấy học trò của mình thành công thì xen lẫn với niềm tự hào ấy là niềm vui và hạnh phúc.
Trong câu chuyện với chúng tôi, mỗi khi nhắc đến học trò của mình, cô giáo Nga luôn nở nụ cười mãn nguyện. Chúng tôi vui lây với niềm vui của chị. Mong rằng người giáo viên tận tâm, tận lực với nghề ấy sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.