Trải nghiệm từ hướng đào tạo Văn học ứng dụng

10:12, 26/10/2018

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, văn học hóa thân vào nhiều sản phẩm thuộc các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống: Báo chí, truyền thông, xuất bản, điện ảnh, sáng tác, giáo dục, nghiên cứu văn hóa và rất nhiều các hoạt động nối kết cộng đồng… Chính vì vậy, Văn học ứng dụng là hướng đào tạo mới, phát huy được sở trường, năng lực người học mà Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã và đang tập trung triển khai.

Hóa thân vào nhân vật để thấy giá trị nhân văn

Sân khấu nhỏ với vài bóng điện tự tạo của sinh viên (Khoa Văn - Xã hội, Trường Đại học Khoa học) đủ để chiếu sáng, hoặc làm tối không gian biểu diễn phục vụ “Dạ hội văn học ứng dụng” mộc mạc, giản dị, nhưng mỗi lúc lại kéo thêm đông khán giả tới xem. Mặc dù sân khấu tự tạo và nghệ thuật biểu diễn chỉ ở mức tự biên, tự diễn, nhưng chốc chốc lại có người sụt sùi khẽ lau nước mắt sau mỗi cao trào cảnh diễn…

“Tao muốn làm người lương thiện!”…“Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách… biết không! Chỉ có một cách là… cái này biết không?”

Nhân vật nhập vai Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao là sinh viên Hoàng Tiến Trung, ngành Báo chí, Khoa Văn - Xã hội khi diễn trích đoạn trong tác phẩm đã chia sẻ: “Thực ra em đã được học và đọc vài lần tác phẩm từ khi còn học phổ thông, nhưng khi được dàn dựng thành kịch để diễn, em mới cảm nhận đầy đủ diễn biến nội tâm của nhân vật Chí Phèo cũng như nội dung của tác phẩm”.

Còn Lê Đức Tùng, Đặng Huyền Trang, sinh viên Khoa Luật, Nguyễn Đức Minh, Khoa Du lịch đến làm khán giả thì chung cảm nhận: “Nếu không xem các bạn diễn, chắc bọn em cũng không có ý định tìm tác phẩm để đọc lại. Rõ ràng những nội dung chính khi học và ôn thi thời học THPT chúng em cũng đã nắm được, nhưng xem rồi em mới thấy kiến thức và giá trị tác phẩm mà mình biết còn rất sơ sài”.

Sau biểu diễn trích đoạn, sinh viên Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngành Văn học, khoa Văn - Xã hội, đã không giấu được cảm xúc khi được chia sẻ và nhận xét tại tọa đàm sau trích đoạn: “Ngay trong những câu nói sau cùng của Chí Phèo đã biểu lộ sự giằng co nội tâm dữ dội giữa thiện và ác. Chính lúc đó, chúng ta có cơ hội để suy tư về bản tính con người qua ba điểm sau: Bản tính con người là ích kỷ, tham vọng, cạnh tranh; Bản tính con người có khả năng vượt lên trên ích kỷ; sức mạnh nào khiến con người trở nên người hơn”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân, Khoa Văn - Xã hội: Sinh viên có thể tự lựa chọn cách học và cách hoàn thành báo cáo kết quả hoc tập, nhưng phải vượt qua được sự đọc hiểu sáo rỗng. Để có vở diễn, trích đoạn thành công, thì sinh viên - diễn viên đương nhiên phải đọc, phải học và phải hóa thân vào nhân vật. Đó chính là mục tiêu đào tạo của Văn học ứng dụng mà Trường, Khoa hướng đến.

Văn học ứng dụng và việc làm

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học chia sẻ: “Lâu nay chúng ta chỉ nghĩ vào đại học, học ngành Văn là để khi ra trường dạy văn, hoặc sáng tác văn học (viết tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca…). Thực tế cho thấy ngành Văn học và Viết sáng tạo lại đang có xu hướng gia tăng bởi trong xã hội hiện đại có rất nhiều ngành nghề ngày càng đòi hỏi người làm việc phải có kiến thức sâu sắc, am hiểu về văn học nói riêng và văn hóa nói chung. Nếu một cử nhân ngành Du lịch của Trường đang đào tạo mà không từng đắm mình với các tác phẩm của nhà văn Nam Cao, thì chắc chắn sẽ thất bại khi làm dẫn chương trình, hoặc vai trò dẫn đoàn du lịch về thăm quê hương nhà văn Nam Cao. Với các ngành nghề xã hội khác cũng vậy, ở đó rất cần những hiểu biết và cảm nhận sâu sắc các giá trị nhân văn, triết học… mà văn học ứng dụng mang lại”.

Với khung chương trình đào tạo mới, các ngành đào tạo của Trường đưa vào từ 30-50% thời lượng thực hành mỗi học phần. Như vậy, người học sẽ thỏa mãn học đi đôi thực hành và đủ thời gian chuẩn bị cho lời giải: Học ra sẽ làm gì và làm được gì? Hiện nay, trong quá trình thực tập tốt nghiệp, sinh viên đã được phát triển các kỹ năng nghề nghiệp gắn với truyền thông đại chúng, truyền thông doanh nghiệp và truyền thông xuất bản, PR, dẫn chương trình (MC) nghiệp vụ văn phòng, báo chí truyền thông, viết quảng cáo, biên tập thông tin du lịch, biên tập văn bản báo chí, truyền thông quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, văn học và nghệ thuật văn học...

Bên cạnh đó, để thích ứng công nghệ số, Nhà trường đã có những định hướng đào tạo các ngành nghề mới và “hot” như: Viết content, biên tập nội dung website…, đó là những công việc đòi hỏi không những về kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà người đảm nhiệm công việc phải tích hợp được kỹ năng công nghệ thông tin để biên tập nội dung video, hình ảnh và đồ họa Infographic… Chính từ những đổi thay của cuộc sống và nhu cầu xã hội đã buộc chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng của Trường Đại học Khoa học phải bứt phá khỏi giới hạn của chương trình đào tạo cũ. Đồng thời những đổ mới này chính là mang đến cho người học những môn học tích hợp nhiều giá trị tri thức mới, đáp ứng yêu cầu của xã hội, đặc biệt là kỹ năng làm việc trong lĩnh vực truyền thông số.