Ngày 22-2, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề: Bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc - Thực trạng và những vấn đề đặt ra (ảnh).
Tham dự có các nhà khoa học về xã hội, các chuyên gia dân tộc học thuộc các trường đại học Quốc gia, Sư phạm, Văn hóa và lãnh đạo các cơ quan Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Giáo dục thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đây là đề tài khoa học cấp Quốc gia do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì phối hợp với Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) thự hiện. Theo đánh giá của các nhà khoa học, những năm qua, vấn đề bình đẳng giới, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện tích cực. Gần 40% phụ nữ trong vùng miền núi phía Bắc được trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, cộng đồng dân cư. Đặc biệt, phụ nữ dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 100% phụ nữ diện hộ nghèo là chủ hộ trực tiếp tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại gia đình, khu dân cư; gần30% số phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, đồng thời là cán bộ, lãnh đạo ở các cấp tại địa phương… Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội các vùng miền núi còn khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, tập quán, nếp sống và tư duy về phát huy vai trò phụ nữ còn nhiều hạn chế.
Các dữ liệu điều tra của đề tài và tham luận của đại biểu cho thấy, mức độ phản ánh thực hiện bình đẳng giới còn chưa đồng đều. Chính vì vậy còn tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình; phụ nữ không biết chữ, không được tiếp cận đầy đủ thông tin pháp luật, dịch vụ y tế, giáo dục…kéo theo các vấn đề xã hội khác, đặc biệt kìm hãm sự phát triển.
Hội thảo đã nhận được 10 tham luận và ý kiến đóng góp, trong đó tập trung vào các vấn đề về giải pháp cải thiện bình đẳng giới tại các vùng khó khăn. Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã chỉ ra những hạn chế về hệ thống chính sách Nhà nước trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, phương pháp, hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và các chế tài xử lý các quy định về bình đẳng giới. Đây cũng là nội dung đóng góp cho việc hoàn chỉnh các giải pháp mà đề tài khoa học đặt ra.