Qua các lần trao đổi kinh nghiệm, hợp tác cung ứng nguồn lao động đã qua đào tạo, tập thể cán bộ Trường Cao đẳng Nghề số 1 - Bộ Quốc phòng thấy phương pháp quản lý theo mô hình “5S” rất hữu ích. Do vậy, Đại tá, T.S Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Nhà trường và các cộng sự đã mạnh dạn áp dụng phương pháp quản lý theo mô hình này vào công tác quản trị nội bộ và huấn luyện, đào tạo của đơn vị. Sau khoảng 5 năm áp dụng, mô hình đã giúp Nhà trường khẳng định được uy tín, sức mạnh nội tại. Đáng trân trọng hơn là cơ sở giáo dục này không còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách cấp mà đã tự lo về kinh tế…
Phương pháp quản lý theo mô hình “5S” là phát minh của người Nhật trong sản xuất nhưng dần dần đã được áp dụng rộng rãi đối với nhiều lĩnh vực và đều đem lại hiệu quả thiết thực. Khi dịch ra tiếng Việt, 5 chữ cái đầu của các từ trong tiếng Nhật (seri, seiton, seiso, seiketsu và shitsuke) cũng tương ứng “5S” là: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, và sẵn sàng.
Loại bỏ những thứ không còn cần thiết
Là cơ sở giáo dục công lập thuộc Bộ Quốc phòng đã có trên 50 năm truyền thống nên khi Trường Cao đẳng Nghề số 1 áp dụng phương pháp quản lý theo mô hình “5S” có nhiều thuận lợi. Kỷ luật quân đội đã tạo cho tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên của Nhà trường sự nghiêm túc trong sinh hoạt, công tác nên khi thực hiện các bước theo phương pháp quản lý “5S” thuận lợi hơn nhiều so với các cơ sở, đơn vị dân sự. Đơn cử như để thực hiện hai chữ “sàng lọc”, từ Ban Giám hiệu cho tới cán bộ các khoa, phòng chức năng, nhân viên phụ trách khu giảng đường, ký túc xá đều đồng loạt rà soát lại đồ dùng, tài liệu để loại bỏ đi những thứ không còn cần thiết nhưng chiếm dụng không gian. Chỉ trong 1 tuần “sàng lọc”, Trường Cao đẳng Nghề số 1 – Bộ Quốc phòng đã bỏ đi hàng tấn tài liệu mà theo quy định không còn giá trị; hàng ngàn vật dụng hỏng hóc, cũ nát cất trữ trong kho, gầm cầu thang, nóc tủ, góc nhà từ nhiều năm nay được dẹp dọn, thanh lý. Qua bước đầu tiên này, đơn vị tiếp tục triển khai tới việc “sắp xếp” để tạo các không gian có chức năng chuyên biệt. Tại tất cả các vị trí trong khuôn viên Nhà trường được rà soát để bố trí công năng phù hợp nhất nhưng đều dễ nhận biết, dễ lấy, dễ cất giữ để cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên duy trì. Đại tá, T.S Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Nhà Trường cho biết: 2 công đoạn trên là đơn giản nhất trong tổng thể “5S” nhưng khi bước vào thực hiện cũng không phải đã “xuôi chèo, mát mái” vì phần lớn cán bộ, giáo viên đều có thói quen tích lũy tài liệu, đồ dùng cá nhân nhưng ngại dọn dẹp. Còn đối với những tài liệu chung của đơn vị thì cán bộ văn phòng cất giữ năm này qua năm khác, tủ, kệ nào cũng cao ngất nhưng bỏ đi lại tiếc, sợ thất thoát tài liệu. Khi “sàng lọc”, sắp xếp” xong ai cũng thấy thoải mái vì phòng làm việc, giảng đường rộng rãi, gọn gàng, môi trường làm việc tốt hơn. Đến hết quý I-2019, Nhà trường mới chỉ thực hiện được giai đoạn khởi đầu của phương pháp quản lý theo mô hình “5S” nên sẽ phải tiếp tục thực hiện trong những năm tới.
Mặc dù khuôn viên chính của Trường chật hẹp, các công trình xây dựng trong nhiều giai đoạn nhưng sau “sàng lọc”, “sắp xếp” đã có sự thay đổi rất tích cực mà từng cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên đều nhận thấy.
Điện thoại reo chuông… mất điểm
Nội quy và các tiêu chí thi đua đã được Trường Cao đẳng Nghề số 1 – Bộ Quốc phòng xây dựng nhiều năm nay nhưng việc thực hiện có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm túc. Một số cán bộ, giáo viên chưa noi gương trong chấp hành quy định về giờ làm việc, sinh hoạt cá nhân. Nhưng từ khi áp dụng “sẵn sàng”, từ thành viên Ban Giám hiệu đến nhân viên các bộ phận, học sinh, sinh viên đều phải chấp hành. Đơn cử, trong tất cả các cuộc họp, giờ lên lớp, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên đều phải tắt chuông điện thoại, để chế độ im lặng. Trường hợp vi phạm, để chuông điện thoại reo sẽ bị trừ 5 điểm thi đua. Hay vào đầu giờ, cuối giờ học, toàn thể học sinh đứng dậy, cúi đầu chào giảng viên, giảng viên không cúi đầu chào lại cũng bị trừ 5 điểm. Các lỗi khác như đi làm muộn, về sớm không có lý do, uống rượu bê tha trong giờ hành chính… cũng bị trừ điểm tương tự và được tổng hợp để bình xét thi đua hằng tháng, thi đua cả năm. Kết quả thi đua là cơ sở để vinh danh, chọn lựa đào tạo phát triển cán bộ và tính thu nhập tăng thêm.
Đại úy Bế Hùng Hậu, Trưởng khoa Khoa học cơ bản cho biết: Không có sự phân biệt giữa cán bộ lãnh đạo với nhân viên, giữa giảng viên với học sinh, sinh viên trong quá trình đánh giá việc chấp hành kỷ cương. Là nguyên tắc chung nên mọi người đều phải có tính tự giác và tinh thần noi gương. Tôi thấy môi trường quản lý theo phương pháp “5S” ban đầu có khắc chút khắc nghiệt nhưng công bằng, khách quan, hiệu quả nên cần phải duy trì.
Gần 3.000 học sinh, sinh viên theo học trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng nghề và khoảng 2.600 học viên học lái xe cơ giới các hạng của Trường có trình, độ tuổi rất chênh lệch, thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Nhưng khi theo học tại Nhà trường đều phải chấp hành nghiêm túc nội quy. Chị Dương Thị Thường ở xã Bảo Cường (Định Hóa) cho biết: Con trai tốt mới học xong lớp 9 nên gia đình rất lo lắng khi cháu lần đầu tiên xa nhà. Nhưng từ khi nhập trường, được quản lý chặt chẽ, khoa học cả thời gian trên lớp và ngoài giờ nên tôi yên tâm. Nhất là việc học sinh không được tự do ra khỏi ký túc xá sau giờ học, phải có thành tích học tập, rèn luyện tốt mới được về thăm gia đình vào ngày nghỉ cuối tuần đã tạo tính kỷ luật, động lực, thi đua để các cháu học tập, rèn luyện tốt hơn.
Được biết, Trường Cao đẳng Nghề số 1 – Bộ Quốc phòng hiện là một trong 45 trường trên toàn quốc được quy hoạch đầu tư phát triển thành trường nghề chất lượng cao giai đoạn 2014 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là niềm tự hào và điều kiện căn bản để Nhà trường tiếp tục thực hiện lộ trình quản lý theo mô hình “5S” trong giai đoạn tiếp theo.
Trường Cao đẳng Nghề số 1- Bộ Quốc phòng đã, đang đào tạo các ngành nghề, như: Dược, các ngành về điện, công nghệ ô tô, cơ khí, vận hành máy công trình, công nghệ thông tin, sửa chữa và lắp ráp máy tính, kỹ thuật xây dựng, sửa chữa xe máy… với trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng. Bên cạnh đó, Nhà trường đào tạo lái xe ô tô hạng B2, C, D, E, F và tổ chức đào tạo ngoại ngữ các lớp: Tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung. Theo kết quả tuyển sinh 5 năm gần đây, không có năm nào Nhà trường bị “thủng” chỉ tiêu tuyển sinh. Trên 90% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, thu nhập ổn định. Trong đó, có các công ty lớn thường xuyên về tận Trường đăng ký tuyển dụng lao động, như: Công ty Samsung, Công ty Lilama, Tổng Công ty Sông Đà… |