Coi nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ là cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã và đang khẳng định đúng đắn hướng đi của mình để giải quyết vấn đề: Đáp ứng nhu cầu xã hội và đổi mới.
So với bề dầy truyền thống và lịch sử các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), Trường Đại học Khoa học là đơn vị non trẻ với gần 20 năm xây dựng và phát triển (thành lập năm 2002). Ngay từ khi thành lập, Nhà trường đã xác định rõ mục tiêu chiến lược phát triển đó là lấy khoa học cơ bản làm nền tảng để phát triển, ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và sản phẩm đào tạo ra phải là những cử nhân thực hành, tổ chức thực hành.
GS. TS Nguyễn Lân Dũng (Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam) là người có nhiều gắn bó với Trường Đại học Khoa học, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng của Trường, nhận xét: “Xu thế khoa học và công nghệ ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cuộc sống của con người. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (thạc sĩ, tiến sĩ) mang tính ứng dụng và định hướng nghiên cứu chuyên sâu của Trường Đại học Khoa học là đúng đắn. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ tích hợp cao. Một sản phẩm công nghệ hàm chứa cả Toán, Lý, Hóa, Sinh, khoa học môi trường… nên mỗi lĩnh vực cần có các chuyên gia trực tiếp tham gia nghiên cứu và làm chủ. Mỗi thạc sĩ, tiến sĩ học tập, nghiên cứu tại đây sẽ là nguồn nhân lực chính cho hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ tại các ngành, địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đầu năm 2019, tại Lễ ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thực hành đào tạo, ông Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ: “Trong tương lai gần, vấn đề đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ lĩnh vực y học không thuần túy là nói đến bác sĩ, mà trong đó có cả một đội ngũ các nhà khoa học, các kỹ thuật viên làm chủ kiến thức tại các xét nghiệm, thí nghiệm Sinh, Hóa, Vật lý để có các dữ liệu phục vụ cho y học và dịch tễ học. Chính vì vậy, hợp tác với Trường Đại học Khoa học, chúng tôi đặt vấn đề là lấy ứng dụng thực tiễn làm thước đo cho các hoạt động liên kết, phối hợp. 5 năm trở lại đây, Bệnh viện đã đón nhận gần chục cử nhân của Trường và Bệnh viện đang cử cán bộ theo học, làm nghiên cứu sinh nâng cao trình độ phục vụ hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
TS Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học cho biết: “Điều mà Nhà trường khẳng định với xã hội đó là học viên, nghiên cứu sinh tại đây hoàn toàn có thể làm chủ về kiến thức và đủ khả năng tham gia nghiên cứu các chương trình, dự án cấp quốc gia, quốc tế trong từng lĩnh vực khoa học. Các thạc sĩ, tiến sĩ hoàn toàn có thể thiết kế, phân tích định tính, định lượng hóa vi sinh, sinh học phân tử, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh ở người và động vật, nghiên cứu bằng kỹ thuật sinh học phân tử, công nghệ cấy mô tế bào, xây dựng quy trình sản xuất thuộc lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với thực tế từng địa phương”.
Với cách tiếp cận đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy, từ hai chuyên ngành đào tạo thạc sĩ: Toán ứng dụng và Phương pháp Toán sơ cấp, đến nay Trường đã mở tiếp lên thành 10 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, với các ngành: Toán ứng dụng, Phương pháp Toán sơ cấp, Công nghệ Sinh học, Văn học Việt Nam, Hóa phân tích, Quang học, Quản lý Tài nguyên và Môi trường... Để có bước tiến nhanh và vững chắc, gần 20 năm qua, Nhà trường đã tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cao trình độ đội ngũ và các điều kiện tốt phục vụ nghiên cứu khoa học. Trường hiện có trên 200 giảng viên, trong đó có 1 giáo sư, 5 phó giáo sư, 72 tiến sĩ, 159 thạc sĩ. Ngoài ra, còn có trên 60 cán bộ của Trường đang làm luận án tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
Với đội ngũ các nhà khoa học đa ngành và tâm huyết, liên tục trong những năm gần đây, Trường đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Điển hình như trong giai đoạn 2013-2018, Nhà trường đã thực hiện: 15 đề tài độc lập cấp Nhà nước (trong đó 13 đề tài thuộc quỹ Nafosted, 01 đề tài thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ và 01 đề tài thuộc Ủy ban dân tộc), 15 đề tài cấp bộ, 5 đề tài cấp tỉnh và triển khai thực hiện 412 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Đánh giá về hoạt động nghiên cứu khoa học và chất lượng các đề tài khoa học, GS. TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN nhận xét: “Trường Đại học Khoa học là đơn vị đứng đầu trong toàn ĐHTN về số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín ISI. Trong 5 năm qua, cán bộ giáo viên Nhà trường đã công bố 843 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Điển hình như: Trường đã có 183 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 11 bài Scopus, 71 bài quốc tế khác và 578 bài báo chuyên ngành trong nước. Về lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Nhà trường đã thực hiện 01 tiểu dự án quốc tế, 08 đề tài chuyển giao khoa học công nghệ với các địa phương, doanh nghiệp”.
Được biết, trong 2 năm (2016 và 2017), Trường đã thực hiện thành công nhiệm vụ nghiên cứu theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Thái Nguyên “Nghiên cứu và chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm Đa Enzyme từ lõi ngô bổ sung và thức ăn chăn nuôi tại Thái Nguyên” do TS Trịnh Đình Khá chủ trì, và đề tài “Trồng thử nghiệm cây rau lá bép tại tỉnh Thái Nguyên” của TS Nguyễn Anh Hùng. Hiện Nhà trường đang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Thái Nguyên “Khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên” với kinh phí gần 10 tỷ đồng do PGS. TS Phạm Thị Phương Thái chủ trì (2017-2019). Từ năm 2018 đến 2020, Trường Đại học Khoa học đang thực hiện 02 nhiệm vụ nghiên cứu theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Lạng Sơn: “Nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, dược học của cây Mác mật và sản xuất một số sản phẩm từ cây Mác mật tại tỉnh Lạng Sơn” do PGS. TS Dương Nghĩa Bang chủ trì, và “Nghiên cứu, ứng dụng màng sinh học chitosan-nano bạc điều chế từ vỏ tôm, nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ chất lượng ổn định cho quýt Bắc Sơn tại tỉnh Lạng Sơn” do PGS. TS Phạm Thế Chính chủ trì.
Đào tạo sau đại học gắn chặt với nghiên cứu khoa học, đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Nhà trường. Hiện Nhà trường đã và đang tích cực cải tiến nội dung, phương pháp đào tạo, trong đó coi trọng tính ứng dụng và thực hành. Được biết từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm Trường ký kết, mời từ 20-30 viện khoa học, doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn trong tham gia biên soạn và thỉnh giảng các chuyên đề ứng dụng, thực hành theo các lĩnh vực, chuyên môn đang đào tạo và nghiên cứu. Đây chính là cầu nối giữa đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực sau đào tạo của Trường. Có thể nói, với những bước đi thực tế, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu xã hội, hoạt động đào tạo sau đại học nơi đây đã và đang trở thành điểm thu hút đông đảo các nhà khoa học và những người đam mê nghiên cứu khoa học.