Được thành lập ngày 4/4/1994 theo Nghị định số 31/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn tỉnh, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) được giao trọng trách là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ (CGCN) cho các tỉnh, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Từ đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan các sản phẩm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên cho các địa phương.
Trong suốt 25 năm qua, ĐHTN luôn nhất quán chủ trương xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ là một nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định về quy mô, chất lượng đào tạo, hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ, quyết định vị thế và sự phát triển của Đại học. Vì vậy, các thế hệ lãnh đạo của Đại học rất quan tâm tới chiến lược phát triển đội ngũ.
Khi thành lập, ĐHTN mới có 1.556 cán bộ, viên chức, trong đó có 963 cán bộ giảng dạy, đến nay đã có 4.145 cán bộ, viên chức (tăng 2,6 lần) với 2.621 cán bộ giảng dạy (tăng 2,7 lần). Chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy có bước phát triển nhanh. Năm 1994, Đại học mới có 8 phó giáo sư, 90 tiến sĩ và 228 thạc sĩ, đến nay đã có 154 giáo sư, phó giáo sư (tăng hơn 19 lần), 712 tiến sĩ (tăng 7,9 lần), 6 nhà giáo nhân dân, 81 nhà giáo ưu tú và thầy thuốc ưu tú. Năm 1994, Đại học mới đào tạo 41 ngành và chuyên ngành ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học, trong đó chỉ có 10 chuyên ngành cao học, 16 ngành đại học; đến nay, Đại học đã đào tạo 285 ngành, 115 chuyên ngành (tăng trên 7 lần), trong đó có 32 ngành tiến sĩ, 59 ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa cấp I, II và bác sĩ nội trú (tăng 8,9 lần so với năm 1994).
Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng (đứng thứ 2 từ trái sáng) cũng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham quan gian trưng bày sản phẩm công nghệ cao của Trường Đại học Nông lâm.
Quy mô đào tạo cũng tăng liên tục qua các năm. Đến nay, Đại học có trên 60.000 sinh viên, học viên các hệ, trong đó quy mô đào tạo sau đại học là 4.678 người; đã đào tạo và cung cấp cho vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và đất nước trên 500.000 cử nhân chính quy các ngành và hơn 15.000 thạc sĩ, tiến sĩ, hàng trăm bác sĩ chuyên khoa cấp I và cấp II, bác sĩ nội trú, ngoài ra có hàng nghìn cán bộ có trình độ trung cấp và công nhân nghề; cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển KT-XH của vùng và đất nước. Nhiều cựu học sinh, sinh viên của Đại học đã trưởng thành, trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương, doanh nghiệp, các cán bộ cốt cán của nước bạn Lào và Campuchia.
Trường Đại học Sư phạm luôn tích cực, chủ động tiếp cận đào tạo giáo viên đạt chuẩn quốc tế.
Trước những yêu cầu nhiệm vụ mới về đào tạo đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đặc biệt là đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và CGCN đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, ĐHTN đã tập trung các nguồn lực, trí tuệ để công bố các công trình khoa học, CGCN mang tính ứng dụng cao, đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm mang tầm quốc tế. Một trong những nét nổi bật trong NCKH là Đại học đã vươn tới hợp tác nghiên cứu quốc tế thông qua thực hiện các đề tài nghiên cứu theo Nghị định thư của Chính phủ, như các đề tài hợp tác nghiên cứu với Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Úc, Israel… Đồng thời, thường xuyên có hàng chục nhà khoa học, chuyên gia chỉ đạo và tham gia các dự án quốc tế song phương về khoa học và công nghệ (KHCN).
Chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2018, ĐHTN đã thực hiện hơn 5.260 đề tài nghiên cứu, trong đó có 38 đề tài, nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp Nhà nước; 15 chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu hợp tác quốc tế; 2 nhiệm vụ khoa học nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Trung ương phục vụ Đại hội XII của Đảng; 714 đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp bộ, tỉnh và đại học; công bố 9.576 bài báo khoa học, trong đó có 1.720 bài công bố trên các tạp chí quốc tế, đặc biệt có 488 bài báo công bố trong danh mục ISI, Scopus; 14 sản phẩm KHCN được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ; 7 sản phẩm, quy trình công nghệ được thương mại hóa, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Nhiều đề tài khoa học, chương trình CGCN, mô hình sản xuất được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống, phục vụ tích cực cho phát triển KT-XH của địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo và phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo.
Sản phẩm pin tích điện năng lượng mặt trời của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.
Hoạt động NCKH và CGCN của ĐHTN được triển khai ở toàn bộ 7 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 trường cao đẳng, 3 viện nghiên cứu và 5 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao KHCN, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, đồng thời cũng chính là hoạt động xây dựng thương hiệu, tự công bố chất lượng đào tạo với xã hội. Với quan điểm lấy hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo để xã hội, nhà tuyển dụng đánh giá chất lượng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo của người học, Đại học luôn chú trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN ở cấp cơ sở và NCKH của sinh viên nhằm góp phần nâng cao năng lực NCKH của giảng viên trẻ và sinh viên, nhiều công trình NCKH của sinh viên và giảng viên ĐHTN đã đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi cấp Nhà nước, bộ, ngành như: Giải Nhất Giải thưởng KHCN toàn quốc giành cho giảng viên trẻ năm 2018 của Trường Đại học Sư phạm, giải Nhất “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 của nhóm các giảng viên trẻ Phân hiệu ĐHTN tại Lào Cai… Nhiều nhà khoa học của ĐHTN cũng được vinh danh tại các giải thưởng giành cho các nhà khoa học xuất sắc như: Giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng Elsevier Foundation của Viện Hàn lâm khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 2015 lĩnh vực Toán học…
Trường Đại học Y-Dược chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo bằng các thiết bị hỗ trợ khám, điều trị bệnh ứng dụng công nghệ cao.
Nhiều sản phẩm có tính ứng dụng là những quy trình, mô hình, vật phẩm thuộc các lĩnh vực khác nhau được tạo ra từ các đề tài KHCN các cấp, ở các lĩnh vực nghiên cứu như: Cổng thông tin KHCN với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Giang; chuyển giao các sản phẩm: Kỹ thuật trồng và nhân giống cây ba kích cho tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng; công nghệ sản xuất phân bón vi sinh cho cây chè; kỹ thuật trồng cây trám ghép; mô hình trồng lúa SRI với quy mô trên 4.000ha; quy trình sản xuất keo dán gỗ theo công nghệ Nhật Bản; ươm tạo giống cây ba kích, lan kim tuyến, gừng gió và hoàng tinh đỏ phục vụ phát triển vùng dược liệu; Chương trình nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các đối tượng là sinh viên các trường cao đẳng sư phạm được Trường Đại học Khoa học thực hiện với một số trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng và Lạng Sơn; nghiên cứu nguy cơ tác động lên sức khỏe người lao động canh tác chè được Trường Đại học Y - Dược thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Phú Thọ; chuyển giao dây chuyền luyện gang phi cốc bằng lò hồ quang do Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp và Viện Công nghệ cao về kỹ thuật công nghiệp triển khai thực hiện với Công ty Gang thép Thái Nguyên; hệ thống điều tốc máy cuộn lại cho Nhà máy giấy Bãi Bằng; két sắt bảo mật cơ điện tử…
Đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ của ĐHTN cũng đang được quan tâm, đầu tư, thực hiện và đã thu được những kết quả khả quan: Trong năm 2017, có 9 sản phẩm được cấp Bằng quyền sở hữu trí tuệ, năm 2018 có thêm 8 sản phẩm được chấp nhận hồ sơ hợp lệ để cấp bằng.
Sinh viên các trường, khoa thuộc Đại học Thái Nguyên.
Song song với việc thực hiện triển khai các đề tài KHCN, ĐHTN đã rất quan tâm và tăng cường mối quan hệ với các địa phương, tiếp cận các chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng theo đặt hàng của địa phương và chuyển giao tiến bộ KHCN. Chính vì vậy, ĐHTN đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác toàn diện với 14 tỉnh thuộc Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ hợp đồng CGCN với các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ năm 2015 đến nay, ĐHTN đã và đang triển khai thực hiện hàng trăm chương trình chuyển giao ở hơn 10 tỉnh với tổng kinh phí trung bình trên 40 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, địa bàn triển khai các đề tài, dự án này không chỉ dừng lại ở các tỉnh miền núi phía Bắc mà hoạt động CGCN đã tiến hành ở cả các tỉnh đồng bằng và miền Trung, Tây Nguyên. Như vậy, có thể nói rằng các sản phẩm khoa học của Đại học đã được triển khai một cách hiệu quả trên địa bàn các tỉnh, góp phần phát triển KT-XH của vùng và cả nước. Với những nỗ lực phấn đấu liên tục trong 25 năm qua, ĐHTN đã và đang tiếp tục khẳng định rõ vị trí và vai trò của một Đại học vùng đã và đang tích cực góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Những năm qua, ĐHTN đã vinh dự có 22 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 8 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 tập thể và 2 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”; 77 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban, ngành Trung ương và UBND các tỉnh. Đặc biệt, ngày 12/3/2019, ĐHTN lại vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. |