Giúp học sinh vận dụng hiệu quả, sáng tạo những kiến thức đã học

10:14, 04/05/2019

Tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bằng việc đổi mới chương trình đào tạo và hoàn thiện nội dung bồi dưỡng giáo viên phổ thông, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã tổ chức diễn đàn “Chương trình giáo dục phổ thông mới và định hướng bồi dưỡng giáo viên”. Đây là một trong những nội dung thực hiện mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) với sự tham gia chia sẻ của đại diện Bộ GD-ĐT, Trường Đại học Sư phạm, cán bộ quản lý ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên và đại diện đội ngũ giáo viên các cấp học.

Chương trình GDPT mới sẽ thực hiện lộ trình áp dụng như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Trước đòi hỏi cấp bách của chương trình GDPT mới, các trường sư phạm chính là đối tượng tiên phong và chủ động, trước mắt là thực hiện bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên phổ thông. Để thực hiện tốt công việc này, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã bám sát các trường phổ thông, trực tiếp thực hiện các giờ lên lớp theo thiết kế phương pháp dạy học mới và cách tiếp cận mới giữa giáo viên với học sinh và học sinh với môn học. Điểm mới của chương trình GDPT mới là dạy học tích hợp để phát huy năng lực của học sinh. Theo Tiến sĩ Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT): “Đây là sự thay đổi căn bản về chương trình đào tạo so với cách dạy truyền thống trước đây và điều này tất yếu đòi hỏi giảng viên sư phạm phải đổi mới, lựa chọn phương pháp sư phạm phù hợp, cách thức tổ chức dạy học để nhằm đạt được mục tiêu. Chương trình GDPT mới sẽ thực hiện dạy học tích hợp theo 3 định hướng: Tích hợp nội môn (tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học), tích hợp liên môn (tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau, ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp) và tích hợp xuyên môn (tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học). Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi rất mong muốn lắng nghe ý kiến trao đổi từ thực tiễn công việc chuẩn bị và hoạt động dạy học hiện tại để so sánh với những yêu cầu mới. Đồng thời các cơ quan chuyên môn cũng sẽ tham mưu để ban hành các chính sách cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm có giá trị lâu dài cho tương lai. Đích cuối cùng là để người học phát huy tốt hơn năng lực của bản thân trong quá trình hình thành tri thức và nhân cách”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm khẳng định: Về phía trường sư phạm, đổi mới chương trình đào tạo, mở mới ngành đào tạo và xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thực tế nhu cầu giáo viên, xu hướng người học trong thời gian tới để định hướng công tác đào tạo mang tính chiến lược quan trọng, tránh được sự thiếu hụt giáo viên cả về số lượng, cơ cấu giáo viên của các địa phương. Qua quá trình nghiên cứu thực tế cho thấy: Về cơ bản không thay đổi nhiều về nội dung kiến thức cơ bản mà chỉ cập nhật một số nội dung mới, điểm khác biệt cơ bản của chương trình mới với chương trình hiện hành là cách tiếp cận. Tiếp cận dạy học và đánh giá kết quả học tập được triển khai theo định hướng phát triển năng lực học sinh, theo đó giáo viên phải thay đổi về quan điểm phát triển chương trình nhà trường và chương trình môn học; đổi mới về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và cách thức đánh giá kết quả dạy học.

Ông Nguyễn Hà Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho rằng: “Theo mô hình hiện nay, kiến thức vừa là chất liệu, đầu vào, vừa là kết quả, đầu ra của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều, nhưng khả năng vận dụng vào đời sống lại hạn chế. Theo cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo những kiến thức đã học”.

Về vấn đề thiết bị dạy học và phương pháp dạy học, một số giáo viên các trường phổ thông cho rằng: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong giáo dục. Đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, việc phát huy vai trò của công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học là rất cần thiết, nhưng cũng là cả một quá trình nhận thức để người giáo viên làm chủ công nghệ, thiết bị và kiểm soát tốt trong việc sử dụng công nghệ, thiết bị thông tin. Còn đối với đội ngũ cựu giáo chức, không ít ý kiến tâm huyết chia sẻ: Đổi mới là yêu cầu bắt buộc, không sẽ tụt hậu và lạc hậu. Nhưng rõ ràng trách nhiệm người giáo viên sẽ nặng nề hơn, bởi đào tạo con người là dạy học bằng cả tâm lý theo suốt quá trình hình thành nhân cách. Công nghệ, thiết bị hiện đại thì phải GD-ĐT ra “sản phẩm” đáp ứng yêu cầu xã hội tân tiến, hiện đại và tạo tư duy mở cho người học, để luôn cập nhật những kiến thức mới và giải quyết tình huống cuộc sống bằng tri thức mới.    



Mẹo phản xạ nhanh khóa học ielts Anh Ngữ Du Học ETEST