Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng đại học điện tử, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã và đang tạo được môi trường làm việc, học tập liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên (SV). Từ đó góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo ở các đơn vị thành viên.
Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin
Hiện nay, chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên máy tính cá nhân, em Lường Thị Khánh Huyền cùng các bạn SV của Khoa Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) đã hoàn thành việc đăng ký học hoặc tra cứu địa điểm, thời gian học và nộp lệ phí theo học phần trong chương trình học toàn khóa của mình. “Đến nay, hầu hết các thủ tục hành chính của SV đều đã được thực hiện trực tuyến, rất thuận lợi. Đối với một số môn, chúng em được học theo hình thức E-learning, SV không cần phải lên lớp cũng có thể hoàn thành bài học” - Huyền chia sẻ.
Được biết, Trường Đại học CNTT&TT là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện Đề án xây dựng đại học điện tử của ĐHTN. Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Tảo, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường thông tin: Trước khi có Đề án nêu trên, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi đã xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành đại học điện tử. Trong đó, nội dung trọng tâm là đầu tư hạ tầng CNTT. Hiện nay, Nhà trường đã từng bước nâng cấp trang thiết bị và phần mềm lõi để giúp hệ thống quản lý, phần mềm ứng dụng có thể liên thông được với nhau; 100% không gian trong khuôn viên Nhà trường được phủ sóng wifi. Theo đánh giá, cơ bản các cán bộ, giảng viên và SV đã có thể tương tác dễ dàng trên hệ thống, như: Tra cứu lịch học, điểm thi, đăng ký môn, nộp các loại học phí; cán bộ giảng viên triển khai kế hoạch, loại hình bài giảng; ứng dụng rộng rãi các phần mềm quản lý đào tạo theo chứng chỉ, thi trắc nghiệm, hoạt động hợp tác quốc tế…
Đối với Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, việc cụ thể hóa Đề án xây dựng đại học điện tử được tập trung vào việc xây dựng và tổ chức dạy học trực tuyến E-learning. TS Ngô Giang Nam, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính nhà trường thông tin: Từ năm 2017 tới nay, Đại học Sư phạm thực hiện được 14 bài giảng trực tuyến; 131 học phần với 177 lớp theo hình thức trực tuyến kết hợp với dạy học truyền thống. Sau một thời gian áp dụng có thể đánh giá hiệu quả tốt, tiện ích cho các giảng viên và SV.
Hướng tới mục tiêu từng bước xây dựng đại học điện tử, ĐHTN là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành và quản trị đại học; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung và hệ thống phần mềm tích hợp của toàn đại học đảm bảo liên thông, đồng bộ. Nhằm phục vụ đào tạo trực tuyến, bên cạnh nguồn kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ, trực tiếp từ các bộ, ngành thì ĐHTN cũng chủ động xây dựng và triển khai nhiều dự án về cơ sở vật chất, như: Nâng cấp hạ tầng CNTT giai đoạn 2015-2020; nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hình thức E-learning tại ĐHTN; đầu tư trang thiết bị, nâng cấp một số giảng đường của Khoa Quốc tế phục vụ đào tạo trực tuyến; hệ thống máy chủ, phòng studio hiện đại để xây dựng bài giảng…
Quyết tâm cao để hoàn thành Đề án
Đánh giá về vai trò của Đề án xây dựng đại học điện tử, GS-TS Phạm Hồng Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN cho rằng: Đây là nội dung hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục - đào tạo trong xu thế hội nhập và phù hợp với chiến lược phát triển chung của ĐHTN. Sau gần 3 năm thực hiện, có thể thấy đề án đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là việc xây dựng học liệu điện tử; tổ chức khảo thí, kiểm định, đánh giá trực tuyến đối với người học và giảng viên; tin học hóa công tác quản lý, điều hành; từng bước nâng cấp cổng thông tin điện tử của toàn đại học nhằm cung cấp thông tin đa chiều, đa lĩnh vực cho cán bộ, giảng viên, SV và xã hội. Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá thì tiến độ thực hiện Đề án so với kế hoạch vẫn còn chậm. Đặc biệt, kết quả triển khai phương thức đào tạo trực tuyến còn đạt kết quả thấp.
TS Nguyễn Văn Tảo thì đánh giá: Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, chúng tôi cho rằng có một số nội dung của Đề án cần điều chỉnh lại cho phù hợp. Cụ thể như mục tiêu có 30% trong tổng số tiết dạy theo hình thức E-learning là không khả thi vì thiếu cả điều kiện nhân lực và thời gian. Với nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường đề ra là phấn đấu đến năm 2020 trở thành đại học điện tử, thực tế cũng đang chậm khoảng 2 năm. Theo tôi, chủ trương xây dựng đại học điện tử là phù hợp với xu thế chung, giúp nâng cao hiệu quả đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, giảng viên và SV. Do vậy, Nhà trường xác định quyết tâm cao, ưu tiên cả về các nguồn đầu tư và nhân lực để thực hiện, trước mắt là khắc phục những chỉ tiêu còn đạt thấp. Sau khi hoàn thành Đề án sẽ tiếp tục phát triển lên cao hơn nữa…
Quyết tâm và ưu tiên đầu tư các nguồn lực để thực hiện Đề án xây dựng đại học điện tử cũng là tinh thần chung của ĐHTN. GS-TS Phạm Hồng Quang cho biết thêm: Trong thời gian sớm nhất, ĐHTN sẽ tổ chức đánh giá cụ thể những kết quả đạt được và hạn chế, từ đó tiếp tục hoàn thiện và xây dựng ĐHTN trở thành đại học điện tử theo mô hình phù hợp nhất. Về định hướng lâu dài, chúng tôi sẽ bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, quản trị đại học, giúp nâng tầm vị thế của ĐHTN trong nước và khu vực…
Đề án xây dựng đại học điện tử của ĐHTN đặt mục tiêu đến năm 2020 có 80% giáo trình được số hóa, 30% bài giảng theo hình thức E-learning, có đầy đủ phần mềm quản lý và hỗ trợ cho việc triển khai đào tạo trực tuyến. Tin học hóa một cách hiệu quả mọi công tác quản lý, điều hành của ĐHTN và các đơn vị thành viên. Cổng thông tin điện tử của ĐHTN có thể cung cấp thông tin đa chiều, đa lĩnh vực và luôn nằm trong nhóm 10 trường đại học thuộc tốp đầu ở nước ta theo xếp hạng của Webomatrics.. |